Ẩn mình trong khu vườn rộng gần 15.000 m2 dưới tán nhiều cây cổ thụ tại đường Mai Xuân Thưởng (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum), ngôi nhà sàn bằng gỗ của gia đình cụ Nguyễn Thượng (1866 – 1962) mang vẻ đẹp cuốn hút đến khó tả đối với những người lần đầu đặt chân tới đây. Ngôi nhà đến nay đã hơn 100 năm tuổi và là công trình kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp giữa kiến trúc nhà ở của người Pháp, người Bình Định và người Ba Na.
“Nếu yêu thích sự hoài cổ, thích hòa mình trong không gian xanh tĩnh lặng và đặc biệt muốn tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của làng Phương Hòa thì ngôi nhà cổ của gia đình cụ Nguyễn Thượng là một địa điểm lý tưởng”, anh bạn công tác bên Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã giới thiệu với tôi như vậy trong một lần trò chuyện về lịch sử của những ngôi làng bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa.Từ lời giới thiệu đó, tôi tìm về thôn Phương Hòa để được ngắm ngôi nhà cổ ấy. Được biết, ở thôn Phương Hòa, đây là ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm duy nhất được bảo tồn và gìn giữ cho đến thời điểm hiện tại. Gặp anh Vũ Hữu Đức - người đang trông coi ngôi nhà và cũng là cháu ngoại của cụ Nguyễn Thượng ngay đầu cổng nhà, anh liền dẫn tôi đi tham quan ngôi nhà và khu vườn. Rảo bước cùng anh Đức trên lối đi rợp bóng tre xanh dẫn vào ngôi nhà, tôi cảm nhận được sự khác biệt của nơi đây so với phần còn lại của thành phố, không gian yên tĩnh đến lạ thường.
Ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thượng ở làng Phương Hòa (thành phố Kon Tum) đến nay đã hơn 100 năm tuổi. Ảnh: ĐT
Cuối lối đi ấy là khu vườn rộng lớn với hàng trăm cây ăn trái cổ thụ như dừa, mít, vú sữa, xoài…có nhiều cành lớn tạo thành tán rộng. Ở chính giữa khu vườn là ngôi nhà sàn bằng gỗ, được dựng trên diện tích hơn 160 m2. Ngôi nhà được dựng ngoài vật liệu bằng gỗ, các công trình còn lại như: sân và hồ nước phía trước ngôi nhà, giếng nước, các lối đi và trụ đèn chiếu sáng trong khu vườn đều được xây dựng bằng những viên gạch không lỗ được sản xuất ở HTX Gạch ngói Phú Phong (Tây Sơn, Bình Định).
Anh Vũ Hữu Đức cho biết, theo lời kể từ những thành viên lớn tuổi trong gia đình, ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Ngôi nhà do những người thợ mộc có kinh nghiệm, tay nghề cao làm nên. Loại gỗ để dựng ngôi nhà đều là gỗ cà chít.
Ngôi nhà là công trình độc đáo bởi có thiết kế phần mái được lợp ngói vảy cá theo kiểu kiều ngựa, hơi cong lên ở phần chân mái. Các cửa sổ, cửa chính và hàng gạch lan can dưới sân nhà làm theo kiến trúc nhà biệt thự của người Pháp. Bên trong ngôi nhà theo kiến trúc “3 gian, 2 chái” đặc trưng của người Bình Định (quê hương của cụ Nguyễn Thượng). Ngôi nhà có sàn cao 3m so với mặt đất, cầu thang và nhà chồ (phần hiên) theo kiến trúc nhà ở truyền thống của người Ba Na.
Một trong những ngôi nhà “3 gian, 2 chái” được anh Đức mua về dựng trong khu vườn của gia đình. Ảnh: Đ.T
Dẫn tôi vào tham quan ngôi nhà, anh Đức giới thiệu, ngôi nhà có 2 cầu thang ngoài trời và 1 cầu thang trong nhà. Cầu thang ngoài trời bên trái dẫn lên gian nhà “lẩm lúa” (nơi cất giữ các loại lúa được gia đình trồng lúc bấy giờ) và bên dưới gian nhà này là gian bếp. Còn cầu thang bên phải dẫn lên gian nhà chính, trong gian nhà chính có phòng thờ và 2 phòng ngủ ở 2 bên.
Không chỉ cuốn hút bởi vẻ đẹp và giá trị lịch sử của ngôi nhà, tôi còn đặc biệt ấn tượng bởi những đồ nội thất, hiện vật cùng tài liệu cổ được trưng bày trong ngôi nhà mà thế hệ con, cháu của cụ Nguyễn Thượng gìn giữ cho tới tận ngày nay. Dẫn tôi đi tham quan, anh Đức kể cho tôi rõ từng đồ nội thất, hiện vật cổ, quý được lưu giữ trưng bày càng làm tăng thêm giá trị và độc đáo của ngôi nhà cổ này.
Được xây dựng từ lâu nên ngôi nhà không tránh khỏi việc bị xuống cấp do ảnh hưởng từ các yếu tố tự nhiên. Để gìn giữ và bảo vệ tài sản của dòng họ, năm 2006, con, cháu của cụ Nguyễn Thượng tổ chức trùng tu ngôi nhà với sự tham gia của các thợ mộc điêu luyện. Vì ngôi nhà được dựng bằng gỗ với phần mộng được đục, ráp rất tỉ mỉ và trình độ kỹ thuật cao nên 2 năm sau, việc trùng tu mới hoàn thành. Hầu hết các vật liệu nguyên bản được giữ lại, trong đó, có phần ngói vảy cá, 47 cây cột (đường kính khoảng 30cm) đỡ toàn bộ phần khung nhà. Duy nhất chỉ có phần tường đất được thay thế xây bằng gạch.
Theo chân anh Đức tản bộ, trò chuyện trong khu vườn xanh mát của gia đình, tôi còn bắt gặp những chú sóc tinh nghịch, rượt đuổi nhau trên các cành cây, những chú gà con chạy theo mẹ, tiếng chim hót ríu rít khắp nơi tạo cảm giác yên bình, thơ mộng. Anh Đức cho biết “Vườn Thu - Guest House Garden” là tên gọi của khu vườn!. Tên gọi này do một du khách nước ngoài tặng cho anh và nó có ý nghĩa “Mỗi ngôi nhà là một khu vườn”.
Sau lần trùng tu vào năm 2006, phần tường bằng đất của ngôi nhà được thay thế bằng tường gạch. Ảnh: Đ.T
Tôi tò mò chưa hiểu ý nghĩa sâu xa của tên gọi này thì thật bất ngờ, khuất sau các gốc cây ăn trái cổ thụ và bụi hoa, một ngôi nhà trệt theo kiểu “3 gian, 2 chái” dần hiện ra, cách không xa ngôi nhà gia đình anh Đức. Ngôi nhà này cũng thiết kế kiểu tương tự như ngôi nhà cổ của gia đình anh Đức.
Anh Đức cho biết: Đây là 2 ngôi nhà gỗ của những gia đình quê gốc Bình Định trong thôn Phương Hòa được tôi mua lại. Toàn bộ thiết kế, vật liệu được giữ nguyên, chỉ thay phần tường đất bằng tường gạch để sử dụng làm nơi ở cho khách du lịch. Xung quanh mỗi ngôi nhà đều có không gian cây xanh riêng biệt để sinh hoạt ngoài trời như: ăn uống, nghỉ ngơi, đọc sách. Đúng là “Mỗi ngôi nhà là một khu vườn”.
Theo anh Đức kể, khách du lịch đến tham quan và lưu trú lại Vườn Thu - Guest House Garden đều là người nước ngoài, nghệ sĩ hoặc người nghiên cứu khoa học. Vừa trông coi ngôi nhà của gia đình vừa phục vụ khách lưu trú, tuy hơi mệt nhưng đối với anh là niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày.
Chia tay anh Đức, đến cổng, tôi không quên ngoảnh lại để ngắm nhìn vẻ đẹp ấn tượng của ngôi nhà với khu vườn rợp bóng mát. Đây thực sự là địa điểm lý tưởng để du khách tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng thức không khí trong lành bên dòng Đăk Bla thơ mộng.
Đức Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét