Trong quá trình sinh sống và phát triển, đồng bào M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã sáng tạo các giá trị văn hóa độc đáo như cồng chiêng, múa xoang, ẩm thực. Trong đó, hát dân ca (Nau M’pring) M'nông được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nét văn hóa độc đáo
Dân ca là hình thức diễn xướng dân gian được người M’nông sáng tác, lưu truyền, thực hành trong cuộc sống, lao động hàng ngày như hát ru con, hát khấn thần trong các nghi lễ, hát đố, hát đồng dao, hát kể sử thi…
Dân ca M'nông được khai thác, trình diễn trên sân khấu
Dân ca M’nông gồm hai thành phần cơ bản là âm nhạc và lời ca, gắn bó và hỗ trợ cho nhau. Nội dung của những bài dân ca chứa đựng, phản ánh cuộc sống thường ngày như tình yêu đôi lứa, ca ngợi bon làng, ca ngợi những chàng trai anh dũng, có sức khỏe phi thường chiến đấu chống lại cái ác để bảo vệ bon làng, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp.
Bên cạnh đó còn có những bài hát dùng để khấn cầu các thần linh làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống con người no ấm… Điều này được biểu hiện qua nhiều thể loại như dân ca lao động, dân ca phong tục, tập quán, dân ca nghi lễ, tín ngưỡng...
Về cách thể hiện thì có 2 hình thức diễn xướng là độc diễn (hát một người) và hát đối đáp giao duyên nam nữ hoặc những người lớn tuổi với nhau. Ngày nay, dân ca của người M’nông vẫn còn hiện diện trong đời sống, trong các cuộc vui, lễ hội, liên hoan, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng, và còn được khai thác bằng trình diễn nghệ thuật trên sân khấu.
Dân ca như một lời ước vọng
Dân ca gắn liền với cuộc sống mỗi người từ khi lọt lòng cho đến khi về với đất mẹ. Vì vậy, ở các bon làng trên địa bàn tỉnh, dân ca M’nông vẫn hòa mình với cuộc sống dân dã của đồng bào. Hiện nay, vẫn còn không ít người say mê hát dân ca, thuộc lời hát cổ và đang miệt mài sưu tầm để lưu giữ, truyền dạy cho lớp trẻ...
Dân ca gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người M'nông
Chị Thị Nớp bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức) năm nay gần 40 tuổi nhưng có thể thuộc và hát hơn 30 bài dân ca M''nông. Từ nhỏ, chị đã được nghe mẹ, bà hát ru nên chị thuộc rất nhiều làn điệu dân ca. Những làn điệu dân ca nằm lòng từ thuở nhỏ cứ bồi tụ theo thời gian và biến thành hơi thở, lời nói, giọng ca của chị. Giờ đây, mỗi khi cảm xúc một điều gì thì cho dù ở đâu, làm gì, chị đều hát dân ca.
Chị Thị Nớp cho biết: “Tôi thích dân ca, dân vũ từ nhỏ, đến bây giờ vẫn thích, không thể bỏ được những gì ông cha để lại. Có hát và thấu hiểu những bài dân ca của người M’nông thì mới thấy được cái hay, cái đẹp chứa đựng trong những lời ca”.
Nghệ nhân ưu tú Y Nhép ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) cũng cho hay: “Đối với đồng bào M’nông chúng tôi, dân ca là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp khó khăn, vui buồn. Dân ca như một lời ước vọng, khao khát về một ngày mai tươi sáng hơn. Cho dù ở đâu, làm gì thì tôi cũng hát dân ca”.
Theo rà soát, thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 169 người biết hát dân ca của người M’nông (Krông Nô 22 người, Tuy Đức 54 người, Đắk R'lấp 39 người, TP. Gia Nghĩa 6 người, Đắk Song 15 người, Đắk Mil 18 người). Trong đó, khoảng 20 nghệ nhân có thực hành và truyền dạy dân ca M’nông. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là hiện nay, số nghệ nhân biết hát dân ca ở các bon làng không còn nhiều, đa phần là già yếu, lớp trẻ cũng chẳng mấy mặn mà với loại hình dân ca này.
Phát huy giá trị của di sản
Để phát huy di sản văn hóa độc đáo này của người M’nông, ngành Văn hóa đã xây dựng 4 chương trình hoạt động cho hai bon văn hóa điển hình là bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp) và bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa). Bên cạnh tổ chức 14 lớp truyền dạy dân ca tại các huyện, thành phố với 300 người tham gia, hiện đã có 7 đội văn nghệ dân gian điểm được thành lập.
Ngành Văn hóa, các địa phương tổ chức sưu tầm, tư liệu hóa, ghi âm, quay phim, chụp hình, phỏng vấn già làng, nghệ nhân am hiểu về dân ca để lưu trữ thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, bồi dưỡng kỹ năng cho lớp trẻ tại chỗ. Trên cơ sở đó, hiện nay ngành Văn hóa đã xây dựng hồ sơ trình Chính phủ công nhận dân ca M’nông là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét