Với Nha Trang, nhiều người nhắc tới thành phố xinh đẹp này như một “thánh đường” của đồ hải sản, và các món ăn vặt khác cũng độc đáo, ngon hết biết.
Du khách và người dân địa phương ăn bánh canh chả cá, đặc sản Nha Trang - Ảnh: M.VINH
Nghe tới hải sản, người ta thường hỏi có mắc (đắt) hay không? Xin thưa, lòng Nha Trang rộng rãi tựa Sài Gòn, trung lưu, giàu có đều có thể có những ngày no nê, thong dong mà không phải xót xa cho cái màng túi tiền.
Người anh tôi làm báo ở Sài Gòn, nhưng bố mẹ bám trụ ở Nha Trang từ những năm 50 của thế kỷ trước, quyết không rời xứ biển. Năn nỉ ông đi để con cháu tiện chăm sóc, ông cười: "Tao mê ăn đồ biển kiểu tươi roi rói. Bây dời tao đi, có dời biển theo tao được không?". Cái lý của ông cắc cớ, nhưng nó quá đúng với người mê biển nên đành phải thuận.
“Món bún cá, bánh căn có thể ăn lúc nào trong ngày cũng được. Nhưng ngon nhất là sáng sớm và khuya, còn trưa chiều nóng nực cũng nên ăn nếu... thèm!
Cái bụng có đủ bao la?
Mới sáng đầu tuần, điện thoại đã đổ chuông, hiển thị số của đứa bạn thân trong Sài Gòn. Bốc máy lên, đầu dây bên kia nói liên thanh: "Cuối tuần này tụi tao ra Nha Trang, mày sắp xếp đưa tụi tao đi chơi nhé. Chơi đâu thì chơi, nhưng mấy món đặc sản xứ biển phải dẫn đi thưởng thức bằng hết nha, nha…". Chẳng kịp phản ứng, đầu dây bên kia cười ha hả rồi cúp máy cái rụp.
Đúng như lịch hẹn, mới 8h sáng thứ bảy, nhóm bạn thân 5 người đã có mặt ở khách sạn trên đường Trần Phú. Xếp vội vali vào phòng, mấy đứa giục đi ăn sáng vì bay sớm nên chưa kịp ăn gì. Một danh sách các món từ cao cấp đến bình dân đưa ra, song cả nhóm đều đồng thanh chọn đi ăn bún cá. Lan, một người bạn lang thang la cà ăn uống khắp Việt Nam, lên tiếng: "Ra xứ biển mà không ăn bún cá còn gì là đi biển. Món Tây - Tàu ở Sài Gòn lúc nào chẳng có".
Tốn 30.000 đồng tiền taxi, cả nhóm tới quán bún cá Nguyên Loan trên đường Ngô Gia Tự. Quán trông có vẻ lụp xụp, nhưng bên trong bàn ghế sạch sẽ. Không để khách đợi lâu, 6 tô bún cá đặc biệt nghi ngút khói nhanh chóng được đưa lên bàn.
Tô bún khác lạ bởi trong tô bún cá còn có sứa, chả cá hấp và mực. Ăn kèm bún là rau sống, hoa chuối, giá đỗ và trái ớt hiểm cay xé lưỡi. Mấy đứa xì xụp húp nước lèo, nhai miếng sứa sần sật, nếm chả cá thơm phức… dường như cả hương vị của biển gói trọn vào trong tô bún.
Biết thực khách ở xa tới, bà chủ có tên trùng với tên của quán vừa thoăn thoắt múc bún vừa tranh thủ quảng cáo: "Thấy nước lèo ngọt không. Toàn hầm từ xương cá đấy. Nước dùng nấu bằng cá liệt, loại cá nhỏ chỉ tầm ba ngón tay, không xương dăm, nấu kỹ thì nước ngọt lừ, xanh trong, không gợn mùi tanh". Nhiều người từng ăn qua món bún cá ở quán này bảo: "Thứ nước dùng đó chính là cốt hồn của bún cá, bún sứa ở quán này đấy".
Nguyên Loan là một cái tên có duyên với du lịch Nha Trang, bà chủ trung thành với công thức lâu đời của dân xứ biển nơi đây nên món bún cá của quán có hương vị đặc trưng khó tìm thấy ở xứ khác.
Bún chả cá ở Nha Trang phổ biến như phở ở Hà Nội, mì Quảng ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Mỗi quán có chút nét riêng, nhưng dẫu biến tấu cỡ nào cũng không ngoài công thức: thịt cá nấu bún phải là cá cờ với vị thịt dai, trắng, ngọt, không có xương. Còn chả cá được làm từ cá thu, cá nhồng, cá đối lóc bỏ xương, quết nhuyễn rồi nặn hình, đem hấp chín hoặc chiên vàng ruộm, điểm thêm hương vị thơm ngon đặc trưng cho bún cá Nha Trang.
Sáu tô bún cá đã cạn đáy khi lời quảng cáo của bà chủ chưa kịp xong. Lúc tính tiền, mấy đứa bạn mắt tròn mắt dẹt bởi chừng đó người ăn chỉ hết hơn 200.000 đồng.
Các món hải sản được chế biến thành gỏi cuốn bên trong Vinpearl Nha Trang - Ảnh: ĐÀM LINH
Món núi, vị biển
Trong lúc cuốc bộ đi tìm quán cà phê, nhìn thấy quán bánh căn gần chợ xóm mới, cả nhóm liền ghé vô gọi mỗi người mấy cặp. Dù bún cá cay ấm đã no mà miệng vẫn muốn nạp thêm... đặc sản. Loại bánh này khá phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ. Bánh căn có hình dáng gần giống bánh khọt ở các tỉnh phía Nam, nhưng cách làm hoàn toàn khác.
Bánh căn Út Năm bên lề đường số 127 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nha Trang - Ảnh: M.Y
Với du khách, việc ngồi chờ đợi những chiếc bánh căn "ra lò" vô cùng thích thú. Du khách có thể tha hồ ngắm nhìn từng thao tác "điêu luyện" của người làm bánh. Từng khuôn bánh tròn đều, cứ chốc lát cho những chiếc bánh ngon lành và thơm phức, du khách lại cảm thấy yêu thêm cái nét giản dị trong văn hóa ẩm thực xứ biển.
Nếu như bánh căn Đà Lạt có kiểu gia vị cho xứ lạnh, thì bánh căn Nha Trang lại có cách xử lý để vị tươi ngon của hải sản nổi bật. "Bánh căn ra phố từ những xóm chài nghèo nên đừng hỏi bánh căn đắt hay rẻ, mà hỏi xem cái bụng bạn có đủ bao la? Cũng đừng hỏi chỗ nào bán bánh căn ngon nhất, vì có xóm chài nào ở đất Nha Trang mà những người đàn bà không biết lựa những con tôm, con mực nho nhỏ nhưng đượm vị để bánh căn trở thành món gợi nhớ xứ biển" - Thu Hoài, cô bạn người Sài Gòn của tôi đã viết đôi dòng như thế ở một trang đánh giá ẩm thực Nha Trang.
Những món ăn xứ biển Nha Trang dường như được hòa quyện cùng cái nết hồn hậu, chất phác của người dân miền biển. Kiểu như cái hơi gió tràn ngập vị muối, chứa đầy vô tư cứ xát vào da thịt mỗi ngày, nên cái nết hồn nhiên có muốn phai đi cũng không thể được.
Tô bánh canh chả cá ngon nức tiếng của bà Lan ở đường Bà Triệu (TP Nha Trang) chỉ 20.000 đồng/tô - Ảnh: MAI VINH
Món bánh căn ngon khó cưỡng
Nguyên liệu chính làm nên món bánh căn là bột gạo được pha chế theo công thức đặc biệt. Để bánh ngon và giòn, bột gạo được "nướng" trên khuôn đúc bằng đất sét. Khi pha bột, cho thêm một ít bột cơm nguội phơi khô qua nhiều nắng. Nhân bánh thường là tôm, mực, trứng cút, trứng gà hoặc thịt bò.
Nước chấm thường được pha loãng, có tỏi, ớt... hoặc nước cá kho (thường là cá nục). Khi ăn, thực khách nhúng cả cái bánh vào chén nước chấm có cho thêm xíu mại, mỡ hành để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng. Món bánh căn được ăn kèm với khế chua, xoài... để đỡ đi cảm giác ngấy. Bánh căn Nha Trang có vị bùi của bột gạo, vị béo của trứng, vị ngọt của tôm, mực...
Nguyên liệu chính làm nên món bánh căn là bột gạo được pha chế theo công thức đặc biệt. Để bánh ngon và giòn, bột gạo được "nướng" trên khuôn đúc bằng đất sét. Khi pha bột, cho thêm một ít bột cơm nguội phơi khô qua nhiều nắng. Nhân bánh thường là tôm, mực, trứng cút, trứng gà hoặc thịt bò.
Nước chấm thường được pha loãng, có tỏi, ớt... hoặc nước cá kho (thường là cá nục). Khi ăn, thực khách nhúng cả cái bánh vào chén nước chấm có cho thêm xíu mại, mỡ hành để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng. Món bánh căn được ăn kèm với khế chua, xoài... để đỡ đi cảm giác ngấy. Bánh căn Nha Trang có vị bùi của bột gạo, vị béo của trứng, vị ngọt của tôm, mực...
ĐÀM LINH - MAI VINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét