Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều nơi ở Nam Bộ để truyền bá tư tưởng yêu nước.
Tại An Giang, chùa Giồng Thành (phường Long Sơn, TX. Tân Châu) và chùa Hòa Thạnh (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) là 2 địa chỉ mà cụ Phó bảng thường lui tới hoạt động, trở thành nơi minh chứng cho tinh thần cách mạng, lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc nói chung và nhân dân An Giang nói riêng.
Chùa Giồng Thành còn gọi là Long Hưng tự (phường Long Sơn) do hòa thượng Trần Minh Lý đứng ra khởi công xây dựng vào năm 1875. Sở dĩ chùa có tên Giồng Thành vì chùa được xây dựng trên một giồng đất cao và trên nền hào thành của nhà Nguyễn trước đây là Tân Châu Bảo. Chùa được xây dựng theo chữ “Song Hỷ”, gồm 3 gian: chánh điện, nhà giảng và hậu tổ.
Mái chùa lợp ngói, cột căm xe, mặt trước của chùa xây theo kiểu Ấn Độ, trên nóc chùa có 2 tầng tháp hình phễu, bên phải và bên trái nóc chùa có 2 tháp nhỏ. Năm 1922, ở Long Sơn có tổ chức hội Kèo xanh, Kèo vàng của Phan Xích Long để tập hợp những người yêu nước chống thực dân Pháp. Tại chùa Giồng Thành, hòa thượng trụ trì Nguyễn Văn Điền đã tham gia hội Kèo vàng.
Năm 1923, hòa thượng đã quy tụ được nhiều người hoạt động phong trào yêu nước rất sôi nổi dưới hình thức tôn giáo. Từ năm 1925-1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên bước đường hoạt động cứu nước đã ở đây truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân Long Sơn và các vùng lân cận.
Chùa Giồng Thành còn gọi là Long Hưng tự (phường Long Sơn) do hòa thượng Trần Minh Lý đứng ra khởi công xây dựng vào năm 1875. Sở dĩ chùa có tên Giồng Thành vì chùa được xây dựng trên một giồng đất cao và trên nền hào thành của nhà Nguyễn trước đây là Tân Châu Bảo. Chùa được xây dựng theo chữ “Song Hỷ”, gồm 3 gian: chánh điện, nhà giảng và hậu tổ.
Mái chùa lợp ngói, cột căm xe, mặt trước của chùa xây theo kiểu Ấn Độ, trên nóc chùa có 2 tầng tháp hình phễu, bên phải và bên trái nóc chùa có 2 tháp nhỏ. Năm 1922, ở Long Sơn có tổ chức hội Kèo xanh, Kèo vàng của Phan Xích Long để tập hợp những người yêu nước chống thực dân Pháp. Tại chùa Giồng Thành, hòa thượng trụ trì Nguyễn Văn Điền đã tham gia hội Kèo vàng.
Năm 1923, hòa thượng đã quy tụ được nhiều người hoạt động phong trào yêu nước rất sôi nổi dưới hình thức tôn giáo. Từ năm 1925-1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên bước đường hoạt động cứu nước đã ở đây truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân Long Sơn và các vùng lân cận.
Chùa Giồng Thành và chùa Hòa Thạnh - nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở đây truyền bá tinh thần yêu nước
Năm 1929, cụ Phó bảng bị Pháp vây bắt tại ngôi chùa này, sư Điền đã bố trí cho cụ vượt thoát được về Cao Lãnh (Đồng Tháp). Năm 1930, sư Điền trở thành đảng viên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của vùng này. Về sau, từ tư tưởng yêu nước của cụ Phó bảng “truyền lửa” năm xưa được nhân lên gấp bội, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ và đi đến thắng lợi.
Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ cứu nước, chùa Giồng Thành còn là cơ sở của Tỉnh ủy Châu Đốc, Huyện ủy Tân Châu và là điểm giao liên của Trung ương Cục và Khu 8. Chùa Giồng Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 235/VHQĐ ngày 12-12-1986.
Tại xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên), chùa Hòa Thạnh hay Hòa Thạnh Cổ Tự còn người dân địa phương gọi là chùa Cây Mít, không những là công trình văn hóa đặc sắc với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mà còn là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương trên vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Chùa được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX trên vùng đất hẻo lánh và ven biên giới Việt Nam - Campuchia.
Bàn thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở chùa Giồng Thành
Chùa có trên 20 tượng thờ hầu hết bằng gỗ mít do nghệ nhân địa phương chạm khắc rất công phu, mỗi tượng thể hiện kỹ thuật tạo hình khá chính xác, sắc sảo theo từng khuôn mẫu, tướng mạo trang nghiêm, như: tượng Phật Thích Ca, Hộ Pháp, Diêm Vương, Địa Tạng, Nam Tào, Bắc Đẩu... Chính nơi đây, vào những năm 1921-1923, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã về đây truyền bá tư tưởng yêu nước. Qua đó, nhân dân Nhơn Hưng và các vùng lân cận đã tiếp thu tinh thần yêu nước, thương dân từ cụ Phó bảng và dấy lên phong trào cách mạng mạnh mẽ.
Trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, chùa là nơi liên lạc bí mật, cơ sở vững chắc che giấu cán bộ, tổ chức hoạt động của cách mạng. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, bộ phận chỉ huy của quân đội đóng tại chùa thực hiện có hiệu quả kế hoạch đánh đuổi bọn Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ của ta. Ngày 4-8-1992, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 983/VHQĐ công nhận Hòa Thạnh Cổ Tự là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Những dấu ấn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại An Giang có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của nhân dân An Giang phát triển mạnh mẽ suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngày nay, những địa điểm lưu dấu ấn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa trở thành nơi minh chứng cho lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ trên quê hương An Giang.
TRỌNG TÍN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét