Với 75 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục cả 3 miền Trung, Nam, Bắc, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là chiến sỹ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Đình Biền sinh ngày 15/07/1910, tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (nay là xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, địa linh sinh hào kiệt anh tài, làm rạng danh truyền thống trên cả 2 phương diện võ công và văn nghiệp. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là hậu duệ đời thứ 15 của Thủy tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên thật là Nguyễn Đình Biền sinh ngày 15/07/1910, tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (nay là xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, địa linh sinh hào kiệt anh tài, làm rạng danh truyền thống trên cả 2 phương diện võ công và văn nghiệp. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là hậu duệ đời thứ 15 của Thủy tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Ảnh tư liệu
Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Biền được cha là cụ Cử nhân Nguyễn Đình Tiếp kèm cặp, sau đó theo học Quốc ngữ ở Đặng Xá. Vốn thông minh sáng dạ, giỏi cả Hán văn và Pháp ngữ, năm 12 tuổi, Nguyễn Đình Biền được gia đình cho theo học tại Trường Quốc học Vinh. Năm 1924, đồng chí là học trò của thầy giáo Trần Phú. Nguyễn Đình Biền đã sớm tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân phong kiến, đòi tự do hoạt động chính trị ở Vinh như: Tham gia lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh, tham gia ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả tự do cho Phan Bội Châu…
Năm 1928, Nguyễn Đình Biền tham gia Đảng Tân Việt - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, sau đó được tổ chức tín nhiệm phân công hoạt động tại Sài Gòn- Gia Định. Để tránh sự truy lùng của mật thám, đồng chí đổi tên thành Nguyễn Duy Trinh - cái tên đã theo đồng chí đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị Pháp bắt tại một cơ quan của Tân Việt ở Sài Gòn. Không khai thác được thông tin gì, tháng 7/1930, Thống đốc Nam Kỳ Cơ-rô-tê-ne (Jean-Félix Krautheimer) ký nghị định trục xuất Nguyễn Duy Trinh về nguyên quán để hạn chế nguy cơ mầm mống cách mạng.
Lá cờ đầu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Ngày 28/12/1930, hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy Trung kỳ tổ chức lễ truy điệu các chiến sỹ đã hy sinh, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng các cấp ủy Đảng ở Nghi Lộc lãnh đạo Nông hội đỏ, Hội phụ nữ giải phóng, Thanh niên cộng sản đoàn… phối hợp với Tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy vận động được hàng ngàn quần chúng nhân dân Nghi Lộc cùng với công nhân các nhà máy, nhân dân thị xã Vinh và phủ Hưng Nguyên tập trung về dăm Mụ Nuôi, làng Lộc Đa (Hưng Lộc) dự lễ. Cuộc vận động này đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc phản ánh trong bài "Nghệ Tĩnh đỏ" gửi Bộ Phương Đông của Quốc tế cộng sản ngày 19/2/1931.
Sáng ngày 02/01/1931, Tri huyện Tôn Thất Hoàn đưa lính đến nhà lý trưởng làng Song Lộc đàn áp quần chúng và bắt hai gia đình cách mạng. Với lòng căm thù cao độ khí thế cách mạng sục sôi quần chúng đã vùng lên giết Tri huyện Tôn Thất Hoàn, Phó Chánh tổng Đặng Xá, phó lý, chánh đoàn làng Song Lộc và 5 tên lính trước cây đa đền Chính Vị. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã lãnh đạo các Chi bộ Đảng, ban chấp hành nông hội đỏ tiến hành họp hội nghị khẩn cấp bàn biện pháp đối phó. Cử cán bộ đến phối hợp cùng các chi bộ Đảng, một mặt đưa số cán bộ, đảng viên đã bị lộ mặt đi hoạt động nơi khác, họp hội viên nông hội đỏ thảo luận kế hoạch đối phó khi địch đến đàn áp, chuẩn bị tinh thần đấu tranh cho nhân dân.
Thời kỳ này dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Duy Trinh tổ chức Đảng ở huyện Nghi Lộc đã phát triển từ 15 chi bộ với 58 đảng viên lên 23 chi bộ với 162 đảng viên, Nông hội đỏ phát triển từ 1.574 hội viên hoạt động trong 19 làng xã lên 4.926 hội viên. Ngoài ra còn có 118 hội viên hội phụ nữ giải phóng, 64 đoàn viên thanh niên Cộng sản đoàn và hàng chục hội viên hội cứu tế đỏ hội tán trợ cách mạng…
Khu lưu niệm nhà ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tại xóm 10, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc). Ảnh tư liệu: Giao Hưởng
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều phong kiến đã nhanh chóng tập trung lực lượng để phá cho được thành quả Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chúng dựng lên ở Nghi Lộc một hệ thống đồn bốt dày đặc. Tháng 4 năm 1931, trong một xóm nghèo ở làng Đức Thịnh trên đường đi Cửa Hội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, các đồng chí đã tiến hành họp bàn kế hoạch và lập ra ban cán bộ Huyện ủy mới, tiếp tục duy trì sự hoạt động của Đảng bộ. Hội nghị đã tín nhiệm bầu đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc mới.
Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Ban cán sự đã tìm cách liên lạc được với Xứ ủy Trung Kỳ đóng tại Bến Thủy. Cuối tháng 4/1931, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tham dự cuộc hội nghị khuếch đại (mở rộng) của Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Trung ương Ủy viên của Đảng phụ trách.
Địch đã tiến hành các chính sách đàn áp phong trào với những đòn khủng bố hung dữ nhất, tiến hành nhiều vụ thảm sát đẫm máu, gây tổn thất nặng cho phong trào. Chính quyền cách mạng khắp các xã tan rã, trước tình thế ngặt nghèo, đồng chí Nguyễn Duy Trinh không hề nhụt chí, tiếp tục bắt mối liên lạc với những đồng chí đảng viên chưa sa vào lưới giặc. Các đồng chí một mặt kiên nhẫn tìm cách khắc phục khó khăn, duy trì phong trào cách mạng địa phương, rút dần vào bí mật. Ngày 18/1/1932, đồng chí Nguyễn Duy Trinh sa lưới địch.
Nêu cao khí tiết cách mạng trong nhà tù thực dân phong kiến
Cuối tháng 11 năm 1928 đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị bắt lần thứ nhất. Đồng chí bị thực dân Pháp đưa vào Khám lớn Sài Gòn, tuy nhiên, theo giấy tờ lúc đó, đồng chí chưa đủ tuổi vị thành nên bị nhốt trong khám tù vị thành niên. Trong môi trường đó, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã tranh thủ thời gian vừa ôn luyện những “bài huấn luyện” đã được học, vừa tập trung cảm hóa những “bạn tù”. Cũng trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã làm quen được với nhiều nhà yêu nước khác như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thúc Bao và đặc biệt là đồng chí Tôn Đức Thắng.
Tháng 7 năm 1930, thực dân Pháp đưa Nguyễn Duy Trinh và những người bị tình nghi liên quan đến vụ án tại ngôi nhà số 7, đường Barbier Sài Gòn ra xét xử. Nguyễn Duy Trinh bị thực dân Pháp kết án 18 tháng tù nhưng ngay sau đó Thống đốc Nam Kỳ ký nghị định trục xuất về Nghệ An. Đưa Nguyễn Duy Trinh “hồi hương” chẳng khác nào thực dân Pháp “thả hổ về rừng” vì ngọn lửa cách mạng trong đồng chí chưa bao giờ tắt và nó bùng lên mạnh mẽ hơn khi được trui rèn qua đòn roi của ngục tù đế quốc.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong thời gian bị tù đày. Ảnh do mật thám Pháp chụp, lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh.
Ngày 18/01/1932, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai do sự chỉ điểm của một kẻ phản bội. Bắt được Nguyễn Duy Trinh, thực dân Pháp và tay sai dùng mọi hình thức từ mua chuộc cho đến tra tấn dã man hòng lay chuyển ý chí của đồng chí nhưng chúng đều thất bại. Bất lực, chúng xét xử qua loa rồi đưa đồng chí đi tù đày ở Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Tháng 6 năm 1935, đồng chí Nguyễn Duy Trinh và 5 người khác bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Tại đây, đồng chí Nguyễn Duy Trinh gặp lại những người cộng sản kiên trung khác đang bị giam giữ như: Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Hoan, Lê Đức Thọ… Tháng 6 năm 1936, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được bầu làm Bí thư, các đồng chí Hồ Văn Long, Phạm Hùng, Lê Văn Lương làm chi ủy viên. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Duy Trinh các đảng viên tiếp tục nghiên cứu sâu nhiều vấn đề của chủ nghĩa Mác - Lênin, tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin cho tù nhân.
Ngày 19 tháng 12 năm 1941, đồng chí Nguyễn Duy Trinh mãn hạn tù, thực dân Pháp không phóng thích mà chúng đưa đồng chí lên giam ở trại Đăklei. Tại đây, Nguyễn Duy Trinh đã cùng với các đồng chí cốt cán khác tổ chức học tập lý luận cách mạng. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là Trưởng bộ môn lý luận Mác – Lênin và đường lối của Đảng.
Đầu năm 1943, Nguyễn Duy Trinh cùng với đồng chí Chu Huy Mân, Huỳnh Ngọc Huệ và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục Đăklei.
Sau đó đồng chí Nguyễn Duy Trinh bị bắt lại. Tháng 5 năm 1945 đồng chí Nguyễn Duy Trinh được tự do, nhanh chóng bắt liên lạc với tổ chức và tham gia vận động Tổng khởi nghĩa ở thành phố Vinh và Huế. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí lần lượt kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo ở địa phương và Trung ương. Cho dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng phát huy được phẩm chất cách mạng của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung.
Tấm gương sáng về người cán bộ, mẫu mực, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng
Sự năng động trong thực tiễn đầy gian khổ, hy sinh mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh trải qua đã góp phần cùng với Đảng ta hình thành quan điểm, đường lối cách mạng đúng đắn. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã tham gia nhiều hội nghị của Bộ Chính trị, của Trung ương và Chính phủ để xây dựng hoàn thiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, phù hợp với tình hình, nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng quốc tế hiểu đúng Việt Nam, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN
Đó không chỉ là thắng lợi về chính trị ngoại giao mà cả về kinh tế, quốc phòng, đảm bảo nguồn lực cũng như hậu thuẫn rất cần thiết cho cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Tổ quốc và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ tài năng trí tuệ của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, người đã kinh qua nhiều chức vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là 26 năm giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, 15 năm giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao góp phần không nhỏ vào chiến công chung của toàn dân tộc. Kinh nghiệm và bài học mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh để lại trên mặt trận ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị đối với quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta hôm nay.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sống giản dị, cần kiệm, yêu mến nhân dân. Đó là đức tính mà đồng chí tiếp nhận từ gia đình, quê hương và được bồi đắp nuôi dưỡng trọn đời mình. Không phải trong thời kỳ hoạt động gian khổ, thiếu thốn mà sau khi cách mạng đã thành công, chuyển sang thời kỳ Đảng cầm quyền, bản thân đồng chí đã trở thành một cán bộ cao cấp, đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, thanh đạm, chan hòa nhưng tâm hồn thì trong sáng ung dung, tự tại. Với tài năng, phẩm chất đạo đức ấy, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thực sự là tấm gương sáng ngời để các thế hệ nối tiếp nhau học tập noi theo.
Nguyễn Văn Bích - Hồ Hải Liễu (Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét