Công trình này nằm trong khuôn viên rộng 13.000 m², được công nhận là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Bức tượng cũng được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là "Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á".
Phía đối diện tượng Phật nằm chánh điện chùa rộng 700 m2, xây theo kiểu ba gian hai chái.
Bên trong chánh điện cổ kính có hàng trăm bức tượng Phật. Vật liệu xây dựng chánh điện chủ yếu bằng gỗ với những kèo cột, rường, vách gỗ tạo nên phần khung kết cấu theo lối truyền thống.
Trong chánh điện bày 100 tượng điêu khắc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Nổi bật là bộ tượng thập bát La hán cao khoảng 90 cm với thần thái an nhiên tự tại. Những bức tượng là công trình tạo tác của nhóm thợ nổi tiếng đất Thủ Dầu Một vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Các họa tiết khác quanh chùa như long lân quy phụng, tượng Phật cỡ nhỏ, phù điêu... được chạm trổ tinh xảo từ các mảnh sành, tạo nên công trình điêu khắc có giá trị nghệ thuật.
Điểm nhấn bên ngoài chánh điện là tòa tháp bảy tầng cao 27 m được xây dựng năm 2007. Cạnh đó là Tháp tổ Từ Vân cổ kính với bức bình phong, hoa văn trang trí chạm trổ tinh xảo.
Cách chùa Hội Khánh gần 2 km là chùa Tây Tạng, được xây dựng năm 1928 với tên gọi đầu tiên là Bửu Hương Tự. Năm 1937 chùa được đổi tên như ngày nay sau chuyến đi sang Tây Tạng nghiên cứu Phật học của vị trụ trì. Ngày nay, chùa tọa lạc ở một ngọn đồi xung quanh phủ kín bóng cây xanh mát.
Vào thời điểm mới xây dựng, chùa chỉ là một am nhỏ thờ Phật. Sau lần đại trùng tu vào năm 1992, nơi này có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa phái Mật Tông ở Tây Tạng.
Chánh điện bao quanh bởi vườn cây cao vút, có cấu trúc hình khối vuông, điểm nhấn là ngôi bảo tháp thờ xá lợi và các tứ giác cao trên 15 m.
Ở giữa chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 2,3 m. Xung quanh có chư Phật và Bồ tát ở các vị trí khác nhau.
Phía sau chánh điện có bức tượng Đạt Ma Sư Tổ được sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Bức tượng chế tác năm 1982, cao gần 3 m, trừ phần khung được làm bằng sắt thì chất liệu chủ yếu được làm bằng tóc được thu nhận từ các Phật tử. Điển thú vị là trên đòn gánh của ngài còn treo một chiếc nón lá mang đậm chất văn hóa Việt Nam.
Bảo tháp Mandala trong chùa cao khoảng 15 m, kiến trúc thường thấy trong những ngôi chùa xứ Tây Tạng.
Quỳnh Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét