Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Thăm Đình Tân Hưng – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Cà Mau

Trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, quân và dân tỉnh Cà Mau đã anh dũng chiến đấu với nhiều chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử. Và trên mảnh đất Cà Mau anh hùng này đã ghi dấu bằng nhiều khu di tích lịch sử cách mạng ý nghĩa, trong đó không thể không nhắc đến Đình Tân Hưng. Đây là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930) và còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.

Đình Tân Hưng tọa lạc tại ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau. Đình Tân Hưng cách thành phố Cà Mau 4 km về phía Nam tuyến kênh Rạch Rập, đường đi huyện Cái Nước.

Ảnh:camautourism

Đình Tân Hưng là một ngôi đình cổ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, được người dân xây dựng vào năm 1907. Tuy nhiên, do thời gian và chiến tranh, đình bị phá hủy hoàn toàn. Trên nền đất cũ, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn.

Năm 2014, di tích đình Tân Hưng được nâng cấp, phục dựng gồm nhiều hạng mục, công trình: Nghi môn, giao thông hào, nhà khói, bia lưu niệm Mặt trận Tân Hưng, hệ thống chiếu sáng… xung quanh là khuôn viên rợp bóng cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, nhà truyền thống, đường nội bộ với hàng rào bảo vệ biệt lập.

Đình có vị trí rất thuận lợi khi được dựng cất đối diện với dòng sông Rạch Rập. Một không gian thơ mộng với sự che chắn của nhiều cây xanh đã làm cho ngôi đình trở nên nổi bật tại vùng quê.

Đình chính gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu. Trước đình là bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hai bông sen đá. Hai bên sân có hai miếu nhỏ thờ Thần Nông và Thổ Thần.

Đình chính

Gian thờ chính của đình thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, được bố trí uy nghi với những bệ trưng bày gươm giáo, trống đình, hình ảnh rồng, hạc. Đình Tân Hưng còn có gian thờ ảnh Bác Hồ, được đặt ở vị trí trang trọng.

Đình Tân Hưng từng được vua Tự Đức sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). Những vị cao niên trong vùng kể rằng trên sắc thần của vua Tự Đức ghi 8 chữ “Chánh trực – Hựu hiền – Đôn ngưng – Chi thần”. Sắc thần nay đã thất lạc do chiến tranh loạn lạc, trong đình chỉ còn lưu giữ ống đựng sắc thần khắc hình rồng uốn lượn.

Hàng năm, cứ đến mùng 10 và 11 tháng 5 âm lịch, người dân trong vùng và khách du lịch Cà Mau khắp nơi về đây tham dự lễ Kỳ yên tại đình Tân Hưng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, tỏ lòng thành kính đối với các vị thần, thành hoàng phò hộ, lễ Kỳ yên còn nhằm tưởng nhớ đến những người có công với nước, đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Đình Tân Hưng có ý nghĩa giá trị văn hóa – lịch sử to lớn. Đồng thời, là hình ảnh của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh Cà Mau, miền đất cực nam của Tổ quốc. Từ bao đời nay, với người dân địa phương ngôi đình là nơi họ gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng về một cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc.

Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng, đình Tân Hưng còn là ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Cà Mau.

Đình Tân Hưng là nơi đầu tiên của tỉnh diễn ra sự kiện treo cờ Đảng. Đêm 1/5/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, nhóm thanh niên yêu nước gồm 3 người: Lương Thế Trân, Nguyễn Thế Cao, Nguyễn Ngọc Hưng đã treo lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) trên ngọn cây dương trước đình. Lá cờ đỏ búa liềm có dòng chữ: “Diệt trừ Pháp tặc”. Lần đầu tiên nhân dân Cà Mau được thấy cờ Đảng công khai xuất hiện. Và cũng tại đây, ngày 1/3/1946, Mặt trận Tân Hưng được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Thâm làm Bí thư, đồng chí Mai Đăng Khoa là Ủy viên Quân sự trực tiếp chỉ huy.

Với ý nghĩa ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng lịch sử, ngày 4/8/1992, đình Tân Hưng được xếp hạng Di tích lịch sử – Văn hóa Quốc gia, trở thành “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ đến tìm hiểu, học tập về những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước mà cha ông ta đi trước đã để lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét