Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Cây đa Di sản đền Thánh Tản

Cây đa cổ thụ trong khuôn viên đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở xóm Quýt (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) là “báu vật” xanh của vùng đất Xứ Đoài ngàn năm mây phủ. 

Ở Việt Nam, cây đa được tìm thấy tại nhiều đình, chùa và khu vực làng quê. Hầu như làng quê truyền thống ở Bắc Bộ nào cũng có những cây đa cổ thụ trong làng và bên cạnh các di tích, gắn liền với phong cảnh làng quê “cây đa, bến nước, sân đình”. Ý nghĩa biểu tượng đầu tiên của cây đa là sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Câu chuyện về cây đa cổ thụ xóm Quýt nằm bên đền cổ thờ Tản Viên Sơn Thánh được nhắc đến nhiều lần trong câu chuyện của các chuyên gia thuộc Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nhưng chỉ khi bước chân đến nơi này mới có thể cảm nhận được sự hoành tráng của một trong những cây đa cổ thụ được cho là lớn nhất ở Việt Nam.

Cây đa xóm Quýt nằm trong khuôn viên bên Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Để khẳng định ý nghĩa biểu tượng và giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của cây đa xóm Quýt, năm 2011,
Hội đồng Cây di sản đã công nhận cây đa xóm Quýt là Cây di sản Việt Nam cần được bảo tồn và giữ gìn.

Hai cụm thân có chu vi khổng lồ của cây đa xóm Quýt được người dân ở đây gọi là cây chồng, cây vợ.

Thân cụm thứ nhất của cây đa di sản có chu vi hơn 40m.

Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh dưới chân hai cụm thân của cây đa nghìn năm tuổi.

Tán lá của cây đa xóm Quýt là nơi của nhiều cây leo sinh sống.

Tán cây đa lớn, dày che ánh sáng khiến thực vật mọc dưới sân phát triển quanh năm tạo thành thảm.

Thực vật mọc, sinh sống trên mái ngôi đền cổ.

Một góc cụm thân cây đa.

Cụm thân thứ hai của cây đa xóm Quýt có chu vi hơn 30m nhìn từ đường dẫn vào Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Cụm thân cây đa nằm trước Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Có tuổi đời ước tính hàng ngàn năm nhưng cây đa di sản xóm Quýt hiện vẫn vươn mình xanh tốt.

Du khách tham quan báu vật xanh của xóm Quýt. 

Từ xa nhìn lại, tán đa khổng lồ vươn cao che phủ cả một khu vực rộng lớn. Sau cả ngàn năm, gốc đa đã chia thành hai cụm thân lớn, mỗi cụm cả chục người ôm không xuể. Thân cây xù xì, lắm hang nhiều hốc, từ các cành ngang mọc ra các rễ phụ, như các cột trụ lớn tựa cột đình cắm sâu vào trong đất hỗ trợ thân chính chống đỡ sức nặng của cây khổng lồ này.

Ngày 15/02/2016, Cây Đa xóm Quýt đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE) vinh danh là Cây di sản Việt Nam.
 Các cụ cao tuổi ở thôn Quýt không biết chính xác “cụ” đa có mặt ở đây từ bao giờ nhưng theo những câu chuyện của cha ông kể lại thì cây đa và đền thờ Tản Viên Sơn Thánh bao đời nay luôn là điểm dựa tinh thần, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân nơi đây. Dấu ấn thời gian đã khắc ghi lên từng nhánh thân, từng cụm rễ bám sâu bền bỉ vào lòng đất. Năm 2011, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã khảo sát và đưa ra những số liệu gây “choáng” ngợp về cây đa ngàn năm này.

Theo đó, chu vi cụm thân thứ nhất là 43m và cụm thân thứ hai cũng có chu vi lên tới 37m, đỉnh cao nhất của cây là khoảng 40m.

Cây đa cổ thụ ở đền Thánh Tản vẫn đứng đó, bền bỉ, lặng lẽ, thâm trầm, trải cùng nắng mưa và thời gian, như “nhân chứng sống” cho sự hình thành, phát triển của mảnh đất Yên Bài, dưới chân núi Ba Vì, ngàn năm mây phủ.

Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (hay còn gọi là đền Thánh Tản) thờ Sơn Tinh, là một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam. Trong tâm thức dân gian của người Việt, Tản Viên Sơn Thánh là vị thánh biểu đạt cho những khả năng vô tận chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống. Thánh Tản là một trong “Tứ bất tử” - là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tâm thức của người Việt Nam. 

Bài và ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét