Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Sao sáng sông Trà

Chí sĩ yêu nước Lê Ngung là một trong những ngôi sao sáng ở vùng đất sông Trà. Tài liệu lịch sử đã viết: Lê Ngung là một trong 284 Anh hùng của Việt Nam. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang làm hồ sơ đề nghị công nhận mộ và đền thờ Lê Ngung là di tích lịch sử cấp tỉnh, như là cách để nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau về một con người có tấm lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất. 

Chuyện ông Tú Ngung 

Chúng tôi tìm về xã Bình Thanh (Bình Sơn), nơi tọa lạc mộ và nhà thờ Lê Ngung. Qua lời kể của ông Lê Thanh Hùng, cháu đời thứ 3 của cụ Lê Ngung, mỗi người đều trào dâng niềm xúc động, hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng yêu nước thương dân, sự hy sinh cao cả của cụ Lê Ngung. 

Nhà thờ chí sĩ yêu nước Lê Ngung. 

Lê Ngung (1865 - 1916) tên thật là Lê Hiếu Ngung, quê làng Đông Phước, tổng Bình Điền, huyện Bình Sơn, nay là thôn Phước Hòa, xã Bình Thanh. Ông sinh ra trong gia đình nghèo, hiếu học, giàu truyền thống Nho gia. ông nội của ông là Lê Hiếu Hữu - Tú tài trường thi hương Bình Định, Tuần vũ tỉnh Hưng Hóa vào năm Tự Đức thứ 8, cha là Lê Hiếu Thuận, một nho đồ có tiếng trong làng. Lúc nhỏ, Lê Ngung nổi tiếng thông minh. Sau khi đỗ Tú tài tại trường thi hương Bình Định (năm 1897), ông không ra làm quan mà trở về quê nhà làm nghề dạy học, kết giao người tài, tìm đường cứu nước. Người dân trong vùng gọi ông một cách thân tình là Tú Ngung. Chứng kiến cảnh nước mất, nhân dân sống cảnh lầm than, ông đau đáu trong lòng. Năm 1901, Lê Ngung thôi dạy học, bí mật tham gia hoạt động yêu nước. 

Hy sinh vì nghĩa lớn

Năm 1906, Lê Ngung gia nhập Hội Duy Tân Quảng Ngãi. Năm 1908, ông tham gia phong trào cự sưu, kháng thuế. Trước sức mạnh của phong trào, thực dân Pháp ra sức đàn áp, khủng bố trắng. Lê Ngung bị địch bắt, kết án 9 năm tù và giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Năm 1913, Lê Ngung được ân xá, trả tự do. Ông tìm cách liên lạc với các nhà yêu nước uy tín ở Thừa Thiên, Quảng Nam như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Bá Trim, Phan Thanh Tài, hợp sức với Nguyễn Thụy, Nguyễn Đơn Quế, Lê Triết để phục hồi phong trào ở Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ theo đường lối của Việt Nam Quang Phục hội.

Để phục vụ cho cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp ráo riết vơ vét, bóc lột thuộc địa và bắt lính, để lại hậu quả hết sức nặng nề và sự căm phẫn trong nhân dân. Trước tình hình đó, Lê Ngung cùng Thái Phiên - một nhà yêu nước nhiệt thành của tỉnh Quảng Nam tổ chức một cuộc họp mặt các nhà yêu nước Trung Kỳ ở Đà Nẵng nhằm quyết định xúc tiến một cuộc khởi nghĩa quy mô lớn để cứu nước, cứu dân. Để chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Ngung cùng các cộng sự lên các vùng trung du, miền núi trong và ngoài tỉnh xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài; đồng thời lập “ban vận lương” do Hộ quốc mẫu nghi Võ Thị Đệ đảm trách, kêu gọi nhân dân đoàn kết chống giặc. 

Tháng 2.1916, Lê Ngung tham gia hội nghị được tổ chức tại Huế do Thái Phiên chủ trì. Hội nghị nhất trí cần khởi nghĩa ngay, ông được phân công chỉ huy khởi nghĩa ở Quảng Ngãi và thảo hịch cho vua Duy Tân nhằm cổ vũ toàn dân chống giặc. Tuy nhiên, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp những người tham gia phong trào. Những nhà yêu nước như Nguyễn Thụy, Võ Cẩn, Võ Cư, Mai Tuấn, Hứa Thọ bị xử trảm; Phạm Cao Chẩm, Địch (học trò của Lê Ngung) bị đày đi Côn Đảo. Còn Lê Ngung thoát được, tạm lánh ra Hội An.

Để bảo vệ tổ chức và quyết không để rơi vào tay giặc, Lê Ngung bí mật quay về Tham Hội đốt hết tài liệu và day dứt vì nợ nước, thù nhà chưa trả hết mà nghẹn ngào thốt lên: “Trời đã hại giống Lạc Hồng! Đã biết bao phen anh hùng đất nước đứng lên đều ngã xuống! Duy ta chỉ biết lấy hồn thiêng máu đỏ mà đền ơn, đáp nghĩa nước non, tổ tiên cho trọn đạo trung hiếu! Than ôi! Uất hận thay! Đau đớn thay!”.

Sau đó, ông vái lạy mẹ già và tổ tiên rồi phục dược tử tiết vào ngày 7.5.1916. Địch vẫn không tha, chúng thi hành bản án “lục thi trảm niệu” (chém thi hài). Nghe tin ông mất, cảm phục khí tiết, cốt cách của Lê Ngung và các chí sĩ yêu nước của Việt Nam Quang Phục hội, nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã viết bài “Khóc cử Hổ Tiếu Nguyễn Sụy và Tú Ngung, Tú Chẩm” khi đang bị giam cầm ở nhà lao Côn Đảo: “Sao lặng, dông mây cũng vắng tăm/ Núi hò biển hẹn cọp beo câm/ Một thớt đầu lô bầu máu nóng/ Ngọn triều bến lũy dậy quanh năm”.

Sau khi Lê Ngung mất, gia đình và nhân dân địa phương đã góp công, góp của xây mộ, lập nhà thờ để tưởng nhớ và phụng thờ ông với tấm lòng tri ân, kính trọng. Giờ đây, mộ và nhà thờ Lê Ngung là điểm đến để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Chí sĩ yêu nước Lê Ngung mãi là ngôi sao sáng sông Trà, sống mãi trong lòng dân!

Bài, ảnh: D.HÀ - P.LÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét