Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Ngôi chùa hơn 300 tuổi ở Bình Định

Thập Tháp Di Đà là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần nhưng vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm và cổ kính.


Chùa Thập Tháp Di Đà nằm phía Bắc thành cổ Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm Thành xưa kia, gần Quốc lộ 1 và cách TP Quy Nhơn khoảng 30 km. Ngày xưa, trên gò đất cao có đến mười ngôi tháp Chàm cổ kính nằm án ngữ mặt Bắc Đồ Bàn cho nên mới gọi là gò Thập Tháp. Ngày nay, các tháp Chàm này bị chiến tranh tàn phá, hư hỏng nhiều nên chỉ còn lại vài tháp.

Chùa được xây dựng vào năm Quý Hợi (1683) niên hiệu Chánh Hòa nhà Lê và vị thiền sư có công xây dựng chùa chính là hòa thượng họ Tạ, húy là Nguyên Thiều, quê quán ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông tu về Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế. Năm Tân Mùi (1691) nhà Lê, chùa được Vua Lê Hiển Tông ban cho biển ngạch đề "Thập Tháp Di Đà tự". Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, Hòa thượng Nguyên Thiều mở trường truyền đạo.

Lối vào chùa Thập Tháp Di Đà xây bằng gạch Chàm, lợp ngói âm dương, kiến trúc theo hình chữ khẩu, có hai lớp tường bao bọc chung quanh. 

Chánh điện của chùa có những câu liễn, được khắc lên gỗ quý, sơn son thiếp vàng. 

Ở khu chính diện, kết cấu chủ yếu là gỗ quý được chạm trổ rất tinh xảo, công phu với những họa tiết hoa cuộn, hoa sen, rồng, phượng cách điệu. Đầu tám hàng trụ cột và đầu kèo được chạm, trang trí cổ tự. 

Khu vực chính của chùa gồm có khu chính điện, khu phương trượng, khu Tây đường và Đông đường, có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, có lát gạch vuông, bày đủ các thứ cây cảnh.

Ngoài những công trình chính, bên cạnh chùa còn có 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc nhiều thời khác nhau.

Cổng chính của một bảo tháp.

Ở mỗi bảo tháp, có những linh thú được tạo hình uy nghiêm, vừa sống động.

Một góc của khu vực bảo thảo ở phía đông bắc của chùa.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ “hòn đá chém”. Tương truyền, sau khi Nguyễn Ánh đánh chiếm thành Hoàng Đế, đã mở cuộc trả thù tàn khốc. Đao phủ nhà Nguyễn dùng một tảng đá đặt ngay cổng thành và kê đầu nạn nhân lên đó mà chém. Oan hồn của các nạn nhân ngày đêm đòi mạng.
Một ngày nọ, vị cao tăng trụ trì chùa Thập Tháp đến thành xin được lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất tày trời, lấy lại sự yên bình cho người dân trong vùng. Sau 3 ngày đêm kinh kệ, nhà sư cho người mang hòn đá về chùa Thập Tháp. Hòn đá được đặt cạnh cây thị cổ thụ 300 năm tuổi nằm phía nam tường thành của nhà chùa và được đặt tên là Hòn đá chém.

Từ trong chùa nhìn ra, lối vào tỏa bóng mát bởi cây bồ đề cổ thụ. Mùa hè, hồ sen phía trước chùa rực rỡ hoa và tỏa mùi hương thơm ngát.

Trong tất cả chùa chiền ở miền Trung được xây cất từ thời các chúa Nguyễn thì chùa Thập Tháp Di Đà được xem là chùa tổ. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Đây được coi là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung.

Công Tâm - Alex Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét