Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Mát dịu sương sâm

Sương sâm hay còn gọi là nhân sâm là món ăn vô cùng dân dã, giản dị mà có lẽ với những ai sinh ra từ làng đều biết đến. Gọi là dân dã, giản dị bởi nguyên liệu và cả khâu chế biến sương sâm rất gần gũi, quen thuộc, dễ làm.

Ngày trước, ở quê tôi, cây sương sâm hay mọc ngoài triền núi hoặc xen lẫn với các loại cây ngoài bờ rào. Sương sâm là loại dây leo có lá màu xanh, hình gần giống trái tim. Khi tiết trời chuyển sang những ngày hè nắng, mẹ tôi hay hái lá sương sâm về để làm món ăn có tên gọi giống hệt nguyên liệu tạo nên. 

Những ngày nắng nóng, món sương sâm ăn kèm với nước cốt dừa giúp giải khát, thanh nhiệt cơ thể. 

Để làm món sương sâm ngon, mẹ thường chọn hái những lá dày, xanh đậm để lá có nhiều chất nhựa, sương sâm sẽ dai hơn. Sau khi lá hái về, mẹ tôi rửa ngâm qua nước muối, rồi rửa lại nước sạch, cho lá vào rổ để ráo. Đợi ráo nước, mẹ cho lá vào thau nước lọc, rồi vò thật mạnh đến khi lá nhuyễn ra chỉ còn phần xơ.

Chẳng có công thức chung nào cho món sương sâm để tính toán lượng nước, mà tùy theo kinh nghiệm và sở thích của mỗi người muốn độ dẻo sương sâm nhiều hay ít. Trung bình mỗi lạng lá sương sâm có thể vò với khoảng chừng một lít nước. Trong lúc vò, mẹ cạo một xíu nan mực cho vào. Mẹ bảo, nan mực sẽ giúp sương sâm đông đặc lại. Rồi mẹ dùng tấm vải để lọc phần nước sương sâm với xác lá để riêng ra.

Chỉ cần đợi vài tiếng đồng hồ sau, phần nước sương sâm dẻo và đặc lại như loại thạch mềm hay bán bây giờ. Ngày ấy, tôi cứ nghĩ rằng sương sâm là món quà thiên nhiên đã ưu ái dành tặng cho người dân vùng quê. Bởi chẳng cần nấu nướng hay thêm bất cứ phụ gia gì mà chỉ cần vò qua đã có món thạch dẻo ngon lành. Mẹ chỉ cần nấu nồi nước đường với gừng keo lại, để nguội. Vậy là, cắt sương sâm ra thành miếng nhỏ, múc thêm nước đường, đập một ít đá lạnh cho vào. 

Món sương sâm còn thêm phần bắt mắt khi cho thêm một ít nước cốt dừa trắng tinh. Khi ấy, ly sương sâm vừa hòa quyện vị béo nước cốt dừa, vị ngọt của đường, thơm cay của gừng. Múc muỗng thạch sương sâm đưa vào miệng, tất cả các hương vị tan ra. Đơn giản như thế, nhưng ăn sương sâm đến đâu cảm giác thanh mát đến đó.

Không chỉ làm dịu cơn khát vào lúc nắng nóng, sương sâm còn có công dụng giải nhiệt, làm mát cơ thể, nhuận tràng, giải độc. Sau này, ngoài cách vò tay thì sương sâm còn có thể dùng máy xay sinh tố để đỡ tốn thời gian. Thế nhưng, như bao món ăn thủ công dân dã khác, miếng thạch sương sâm sẽ ngon hơn khi được vò bằng tay. 

Theo thời gian, những bờ rào xanh cũng dần ít đi, thay thế cho những hàng rào lưới B40. Những loại cây dân dã dần nhường chỗ cho các loại cây trồng khác trên triền núi. Vì thế, những dây sương sâm ở quê tôi không còn nhiều nữa. Thế nên, hầu như ít người còn nhớ đến món sương sâm giản dị ngày nào, nhất là với những thế hệ sau này.

Một ngày giữa phố, bất chợt tôi bắt gặp hình ảnh món sương sâm trên mạng xã hội, thì ra có một người bạn trẻ nào đó đã cất công tìm lại và giới thiệu về món ăn này. Bồi hồi tôi nhớ lại, bỗng thương những hàng lá sương sâm đã từng mang lại cho thế hệ 8X chúng tôi món ăn tuổi thơ dân dã, dịu mát như ký ức tuổi thơ ngày hè...

Bài, ảnh: B.HÒA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét