Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Lưu tên lại với đời

Có rất nhiều địa danh, công trình ở nông thôn Quảng Ngãi xưa được đặt tên theo người có công lao, nghĩa hiệp với làng. Cách đặt tên đó xuất phát từ việc người xưa muốn con cháu mai sau ghi nhớ công ơn của bậc tiền nhân.

Trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết vào thời điểm những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có đoạn: “Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại/ Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương/ Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm/ Người học trò nghèo giúp Đất nước mình núi Bút, non Nghiên/ Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh/ Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”. 

Chiếc cầu ván mà ông Nguyễn Thời khởi xướng xây dựng, giờ đã được thay thế bằng một cây cầu bê tông vững chãi, song người dân ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú gọi tên cầu là cầu ông Thời. 

Đoạn thơ trên đã khái quát một cách sinh động về “cách đặt tên cho địa danh của xứ sở” - nét đặc trưng trong văn hóa Việt tồn tại hàng nghìn năm nay. Khi viết “Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắc đến xu hướng lấy tên người có công lao để định danh của người xưa. Và tại Quảng Ngãi, có rất nhiều địa danh, công trình được người Quảng xưa đặt tên theo cách này. Đằng sau mỗi cái tên là câu chuyện về một con người với những nghĩa cử cao đẹp, luôn đặt lợi ích của tập thể, của làng lên trên.

Trăm năm cầu Ông Thời 
Người dân ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) kể rằng, tổ dân phố này từng có tên gọi khác là xóm Cù Lao. Xóm Cù Lao có tuyến kênh Tư Nghĩa chảy vòng qua xóm, nên người dân ở Cù Lao ngày ấy mỗi lần muốn vào trung tâm thành phố đều phải vượt qua chiếc cầu khỉ tròng trành, hoặc phải dùng bè chuối, đu dây vượt lòng kênh rộng hơn chục mét.

Cám cảnh lưu thông vất vả, gia đình ông Nguyễn Thời - một gia đình thuộc dạng khá giả ở xóm Cù Lao ngày ấy đã tự bỏ tiền mua tre, rồi vận động cả làng cùng hợp sức làm cầu. Nhờ sự nhiệt tâm của ông, chỉ trong một thời gian ngắn, người làng Cù Lao ngày ấy đã có cây cầu tre để đi, thay thế cho cây cầu khỉ hoặc bè chuối như trước. Rồi sau này, khi ông Thời tiếp tục nâng cấp cây cầu tre thành cây cầu ván, thì việc đi lại của người làng thuận lợi hơn rất nhiều.

“Lúc tôi sinh ra đã có cầu Ông Thời. Theo lời cha tôi kể lại, cầu ông Thời được làm nên từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc kênh Tư Nghĩa vừa được đào đắp ngang qua làng. Ngày ấy, để ghi nhớ công sức, tấm lòng của người khởi xướng nên chuyện làm cầu, làng tôi đã lấy tên ông Thời để đặt tên cho cầu. Cái tên “cầu ông Thời” cứ thế tồn tại mãi cho đến ngày nay”, ông Bùi Phụ Vân (68 tuổi) trầm ngâm nhớ lại.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiếc cầu ván mà ông Nguyễn Thời khởi xướng xây dựng năm nào giờ đã được thay thế bằng một cây cầu bê tông vững chãi từ mười mấy năm nay. Ông Nguyễn Thời cũng đã trở về với đất Mẹ, nhưng cái tên “cầu Ông Thời” hiện vẫn được mọi người gìn giữ và trở thành một địa danh đặc trưng của tổ dân phố 6 bây giờ.

Vẹn tình kênh Ông Cát 
Người làng Ngân Giang, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn thường tự hào kể về tuyến kênh ông Cát- tuyến kênh khởi nguồn từ Ngân Giang rồi từ đấy tỏa đi khắp các xã khu đông của huyện Sơn Tịnh và từng là hệ thống thủy lợi chủ lực, đảm đương nhiệm vụ tưới mát cho hơn 1.500ha ruộng đồng.

Lý giải về cái tên kênh Ông Cát, Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Hà Lê Hoàng Thu kể rằng: “Theo thế hệ đi trước kể lại, thấy nông dân khu đông Sơn Tịnh không có nước tưới lúa, trong khi con sông Trà thì mênh mông nước chảy qua địa bàn xã Tịnh Hà, ông Nguyễn Cát khi ấy đã lặn lội nghiên cứu thủy thế rồi sau đó chọn một lạch nước sông Trà chảy qua thôn Ngân Giang làm khởi nguồn cho tuyến kênh.

Điều đáng ngưỡng mộ nhất ở cụ Nguyễn Cát ngày ấy là dù không có máy móc đo đạc như bây giờ, nhưng ông đã tính toán được thủy thế, giúp kênh mương không bị lũ lụt phá vỡ. Trong hai năm 1948 - 1949, dưới sự chỉ huy của ông, nhân dân đã góp hàng nghìn ngày công, đào nên tuyến kênh dài 16km. Ghi nhớ công ơn của ông, người dân mới đặt tên cho tuyến kênh này là kênh Ông Cát”.

Men theo kênh Ông Cát, tôi càng khâm phục tài nghiên cứu “thủy thế” của ông Nguyễn Cát năm xưa. Giữa một vùng đồng bằng phẳng lỳ qua các thôn Ngân Giang, Thọ Lộc (Tịnh Hà) và các xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), Tịnh Thiện, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), dòng kênh vẫn cứ uốn quanh co để làm chậm dòng chảy vào mùa lũ và tăng diện tích ruộng đồng được tưới mát vào mùa cạn. Khi chảy về đến khu vực cầu Kênh, thì chia đôi nhánh, một nhánh chảy về Tịnh Phong còn nhánh kia xuôi về Tịnh Thiện, Tịnh Hòa...

Theo thời gian, thủy lợi Thạch Nham hiện đã thay tuyến kênh Ông Cát đảm đương nhiệm vụ dẫn nước về các xứ đồng các xã phía đông huyện Sơn Tịnh (nay thuộc TP.Quảng Ngãi), nhưng người dân quanh vùng đều lưu truyền câu chuyện về kênh Ông Cát. Bởi với họ, đó là con kênh đã đi cùng họ suốt dặm dài lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay bao thế hệ gắn bó với nghề nông ở mảnh đất này.

Từ câu chuyện về cầu Ông Thời, kênh Ông Cát và nhiều cái tên khác nữa như chợ ông Bố (đặt tên theo người lập chợ), đập ông Nghè (đặt tên theo tên ông Nghè Kim - người khởi xướng, kêu gọi và cùng nhân dân sửa đập) mới thấy rằng, người xưa luôn đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bằng cách lấy tên người đặt tên cho địa danh, công trình. Những tên người có nghĩa cử cao đẹp, công lao với làng nhờ đó mà trường tồn với thời gian.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét