Chùa Bửu Hưng tọa lạc tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cách trung tâm TP Sa Đéc khoảng 9km. Đây là ngôi chùa cổ bậc nhất tại huyện Lai Vung có giá trị nghệ thuật cao mang nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo vùng đất phía Nam. Bửu Hưng cổ tự đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 3/8/2007.
Chùa Bửu Hưng – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Vì ngôi chùa nằm bên cạnh rạch ông Cả Cát nên người dân quen gọi đây là chùa Cả Cát hàng trăm năm nay. Theo lịch sử ghi chép tại chùa thì Bửu Hưng tự được thiền sư Nguyễn Đăng từ kinh thành Huế vào đây dựng chùa vào giữa thế kỷ 18, khoảng những năm 1777 – 1780 với vật liệu tạm bợ là tre trúc, vách đắp bùn, lợp lá dừa nước.
Sau khi Thiền sư Nguyễn Đăng viên tịch, kế thế thảo am là Thiền sư Tịnh Châu du hóa đến nơi này. Thảo am tuy nhỏ hẹp nhưng với đạo đức của Thiền sư Nguyễn Đăng lúc sinh tiền và danh tiếng tu hành của Thiền sư Tịnh Châu, gần xa có mười vị tăng sĩ đến tu thiền, phải dựng thêm tăng đường, cũng bằng tre nứa, tranh vách trát bùn. Bên phía Tây do thiền sinh ở tham thiền học đạo, bên hướng Đông chùa đào một cái ao chứa nước để dùng trong mùa nắng. Chùa Bửu Hưng lúc này còn hoang sơ vắng vẻ, cây rừng ẩm thấp, đêm ngày thỉnh thoảng vẫn có thú rừng đến ao uống nước. Vẻ thâm u cô tịch, lại xuất hiện cọp, beo cũng đến thảo am uống nước và nghe kinh chú nguyện của Tổ Tịnh Châu.
Năm 1803, ngôi chùa được vua Gia Long phong là Sắc tứ Bửu Hương tự. Tương truyền, có lần bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Phúc Ánh (về sau là vua Gia Long) đã phải chạy vào chùa trú ẩn. Nhớ ơn, nên sau khi lên ngôi, chúa Nguyễn đã ban biển sắc tứ cho chùa, đồng thời phong cho sư Tiên Thiện Từ Lâm là Từ Dung hòa thượng. Trong chùa có tấm biển ghi “Sắc tứ Bửu Hưng Tự Gia Long nhị niên”. Sau đó, nhà sư đã cho xây dựng ngôi chùa đơn sơ thành một ngôi đại tự kiên cố bằng cây gỗ quý.
Năm 1821, dưới đời Vua Minh Mạng, tổ Minh Tịnh Bửu Thành và Minh Phước Tư Trung cho xây dựng chùa quy mô hơn và được triều đình cúng tượng phật Di Đà bằng gỗ cao 1,8m và các pháp khí để thờ.
Tượng Phật Di Đà được triều đình cúng
Năm 1910, đến đời tổ Như Lý hiệu Thiên Trường (1887 – 1969) chùa lại được trùng tu lớn. Trong những năm 1909 – 1911, sư đã cho sửa sang chánh điện, chạm trổ thêm bao lam thần vọng, biển thờ, hoành phi, câu đối… Đồng thời, nhà sư cũng cho chỉnh sửa lại khu mộ tháp và trồng thêm cây cảnh nên ngôi chùa càng thêm đẹp đẽ và uy nghiêm.
Sau đó, Ngài giao chùa lại cho đệ tử là Đại Sư Nguyên Nghiêm Thiện Truyền Kế Thế trụ trì (1930-1940) – Sư là người địa phương nhà ở gần chùa.
Năm 1940 – 1945 kế thế trụ trì chùa là Đại Sư Nguyên Hữu. Tháng 9 năm 1946 chùa bị máy bay ném bom trúng ngay nhà tổ làm thiệt mạng sư trụ trì Chánh Viên và 04 phật tử. Hưởng ứng công cuộc kháng Pháp nhà chùa đã hiến một đại hồng chung cho cách mạng để chế tạo vũ khí đánh Pháp. Sau đó hoà thượng Chơn Hoà (1950 – 1966) về trụ trì cho xây dựng lại nhà tổ như cũ, chùa dần dần hưng thịnh lại như trước.
Năm 2002 chùa được tu sửa lại, mái lợp ngói lưu ly, nền lát gạch men. Các cột kèo phù điêu, các bức chạm tứ quí còn nguyên gốc rất đặc sắc khéo léo.
Ngày nay, ngôi chùa nằm giữa khu vườn yên tĩnh, nhiều cây xanh thoáng đãng. Trước chùa là hồ sen và trước nữa là con rạch chảy xuôi ngang chùa nên bốn mùa mát rượi, phía trên có chiếc cầu vòng cung bắc ngang rạch, phong cảnh nên thơ. Điều này không chỉ tạo cho không gian ngôi chùa cổ thanh tịnh cần có của chốn thiền môn, mà còn là địa điểm hành hương lý tưởng của phật tử và khách đến du lịch Đồng Tháp đến tham quan chiêm bái.
Ngôi chùa nằm giữa khu vườn yên tĩnh, nhiều cây xanh thoáng đãng.
Về kiến trúc xây dựng, Chùa Bửu Hưng hiện tọa lạc trên diện tích khoảng 4.000 mét vuông, thiết kế theo kiểu chữ tam có chiều ngang 15 mét, dài 50 mét bao gồm: Tiền đường, Chánh điện và nhà Hậu Tổ. Tiền đường và Chánh điện nối liền nhau.
Chánh điện
Chánh điện gồm ba gian hai chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, Thần vọng chạm trổ tứ linh rất tinh xảo và công đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm 1821.
Chánh điện được chạm trổ tứ linh rất tinh xảo
Phía sau chánh điện chùa là một sân lộ thiên (sân thiên tỉnh) hình chữ khẩu, có hành lang hai bên (Đông lang, Tây lang) nối với nhà Hậu Tổ.
Sân thiên tỉnh
Trong vườn trúc cạnh chùa là khu tháp cổ. Đây là nơi an trí nhục thân của các nhà sư đã từng tu tập tại chùa.
Vườn trúc
Khu tháp cổ
Đây là nơi an trí nhục thân của các nhà sư đã từng tu tập tại chùa
Ngoài nét kiến trúc cổ kính, điểm đặc biệt của chùa Bửu Hưng chính là phần lớn các tượng Phật trong chùa đều được làm bằng nhiều loại gỗ quý có niên đại hàng trăm năm tuổi. Trong đó đáng chú ý là tượng Phật A Di Đà được làm bằng gỗ do triều đình nhà Nguyễn gửi vào cúng dường năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1821) được đặt giữa chánh điện.
Hiện chùa vẫn còn hơn 100 cây cột gỗ to và quý
Hiện chùa vẫn còn hơn 100 cây cột gỗ to và quý, ba bộ cửa gỗ lớn (mỗi cửa 4 cánh) có chạm hình rồng và hoa lá rất mỹ thuật. Ba bộ cửa này được làm ở đầu thế kỷ 20 và được dựng ở vách sau Chánh điện vào những năm 1909 – 1911.
Cũng như các ngôi chùa khác ở Nam Bộ, ngoài việc cúng tụng hàng ngày, ngày lễ lớn nhất trong năm là ngày lễ phật đản (15/4 âm lịch), kế đó là ngày rằm thượng ngươn (15/01 âm lịch), trung ngươn (Vu Lan 15/7 âm lịch), và hạ ngươn (18/10 âm lịch). Điều đặc biệt là lễ Vu Lan tổ chức vào 02 ngày 28 – 29/7 âm lịch hằng năm chứ không tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch như các chùa khác.
Du lịch Đồng Tháp, vãn cảnh chùa bạn sẽ cảm nhận được không khí thật kỳ bí, thư thái, tâm hồn an nhiên nhưng không kém phần uy nghiêm, điều mà không phải chùa nào cũng có được.
Ảnh: Sưu tầm, Bùi Thụy Đào Nguyên, Thế Vinh Trần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét