Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

"Sáu xã Vạn Phước" còn mãi với thời gian

Trải qua gần 6 thế kỷ với biết bao đổi thay, thăng trầm, vậy mà cái tên làng “Sáu xã Vạn Phước” vẫn được người làng gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đằng sau cái tên ấy là cả một câu chuyện dài về hành trình mở đất, lập làng đầy cam go, khó nhọc của những thế hệ người đi trước.

Ngày nay, địa danh này một phần thuộc địa phận huyện Mộ Đức, một phần "nằm" ở huyện Nghĩa Hành.

Hành trình mở đất của tiền nhân 

Mang trong lòng những thắc mắc, vì sao hầu hết các nhà thờ họ tại xã Đức Hòa (Mộ Đức) đều khắc dòng chữ “Sáu xã Vạn Phước”, tôi lần giở sử liệu về cái tên này và bắt gặp những thông tin được viết khá tỏ tường từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 

Tên "Sáu xã Vạn Phước" vẫn còn lưu lại tại nhiều nhà thờ họ và chi phái tại hai xã Đức Hòa, Đức Phú (Mộ Đức). 

Hóa ra, cái tên “Sáu xã Vạn Phước” xuất phát từ hành trình mở đất của những bậc tiền nhân quê ở tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) là Trần Văn Đạt và Huỳnh Công Chế - những người đã tuân theo lệnh vua Lê Thánh Tông vào vùng đất nay thuộc huyện Mộ Đức để khẩn hoang, lập trại vào đầu thế kỷ XV. Sau khi cất công khai phá, biến miền đất vốn hoang hóa trở nên thuần thục, dân cư tụ hợp thành làng xóm.

Ông Trần Văn Đạt khi ấy đã cho lập trại, đặt tên là Vạn Phước (lấy từ tên Vạn Phúc - quê ông trên đất Bắc) để tưởng nhớ về chốn quê xưa. Đến năm 1598, trại Vạn Phước trở thành xã Vạn Phước, thu hút đông đảo con cháu họ Trần từ miền Bắc vào đây sinh sống, lập nghiệp.

Theo gia phả của họ Trần ở Vạn Phước (thủy tổ là ông Trần Văn Đạt), năm 1742, cháu đích tôn thứ 4 của ngài Trần Văn Đạt là ông Trần Đức Thiết, hiệp cùng cháu ông Huỳnh Công lập nên làng Vạn Phước Đông. Cùng khoảng thời gian đó, cháu của ông Hồ Công lập nên làng Vạn Phước Tây, cháu ông Phạm Công lập nên làng Vạn Phước Trung. 

Đến triều Gia Long lại hình thành thêm hai xã là Vạn Phước Hưng và Vạn Phước Chánh. Vậy là, trải qua hơn 300 ròng rã, Vạn Phước trại đã mở mang, phát triển thành “sáu xã Vạn Phước”. Và đến nay, người dân trong vùng vẫn tôn xưng 4 dòng họ đầu tiên đến lập làng, mở đất là “Trần, Huỳnh, Hồ, Phạm".

Trong đó, ông Trần Văn Đạt vừa là bậc tiền hiền của xã Đức Hòa, vừa là bậc tiền hiền của xã Đức Phú (Mộ Đức). Sự nghiệp khẩn hoang của ông đã được ghi rõ trong văn bia và gia phả họ Trần Vạn Phước. Ông còn là người góp công lớn đắp đập, khai kênh, xây dựng hệ thống dẫn nước tưới tiêu trong vùng như đào sông Thoa, kênh Đồng Kén, kênh Mương Chợ, kênh Bầu Đế - Phước Sơn...

Tên làng sống mãi với thời gian 

Căn cứ vào địa bạ Quảng Ngãi, đến thời Minh Mạng, sáu xã Vạn Phước nhập vào tổng Quy Đức, huyện Mộ Hoa, tương ứng với địa phận hai xã Đức Hòa, Đức Phú (Mộ Đức) và một phần hữu ngạn sông Vệ, từ Hành Thịnh đến Hành Thiện, Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) ngày nay.

Theo thời gian, tên các làng Vạn Phước Trung, Vạn Phước Chánh, Vạn Phước Đông, Vạn Phước Tây, Vạn Phước Xã, Vạn Phước Hưng dần nhường chỗ cho tên thôn, xóm bây giờ. Dẫu vậy, cái tên “Sáu xã Vạn Phước” vẫn được người làng lưu giữ theo nhiều cách khác nhau. 

Người làng Phước An, xã Đức Hòa (Mộ Đức) khắc tên làng Vạn Phước lên cổng làng để nhớ về địa danh "Sáu xã Vạn Phước" ngày xưa. 

“Nhà thờ họ và một số chi phái trong họ đều khắc chữ “Sáu xã Vạn Phước”. Dòng chữ “Sáu xã Vạn Phước” ấy là nhằm khẳng định tất cả chi phái đều xuất xứ từ một gốc, như “chim có tổ, người có tông”. Tất cả đều là từ sáu xã Vạn Phước”, ông Trần Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc Trần Vạn Phước tại Mộ Đức, cho hay.

Không chỉ con cháu của dòng họ đầu tiên đến lập làng, mở đất lưu lại dấu ấn tên làng, mà người làng Phước An, xã Đức Hòa (Mộ Đức) còn đồng lòng lấy tên Vạn Phước khắc ghi lên cổng chào vào thôn. Theo người làng Phước An, đó là cách để họ “nhắc nhở, khuyên nhau nhớ lấy cội nguồn”...

Tiền nhân có công mở đất, hậu thế vì vậy mà ghi ơn. Nhờ hậu thế đồng lòng nhắc nhở, khuyên cháu con nhớ lấy cội nguồn, nên cái tên “Sáu xã Vạn Phước” trải qua mấy trăm năm thăng trầm, giờ vẫn còn mãi với thời gian...

Bài, ảnh: Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét