Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu – Bạc Liêu

Nhắc đến Đờn ca tài tử Nam Bộ, bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất. Vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhiều biến cố lịch sử bản nhạc vẫn sống trong lòng cuộc đời. Trong chuyến du lịch miền Tây, nếu có dịp dừng chân trên mảnh đất Bạc Liêu bạn đừng quên dành thời gian thăm khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu để nghe những câu chuyện về sự ra đời của bản nhạc.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thuộc phường 2, TP. Bạc Liêu. Được biệt, khu lưu niệm trước đây là khu mộ của gia đình nhạc sĩ, sau được tu bổ và xây dựng thêm các công trình nhằm mục đích tổ chức các sự kiện quan trọng, đồng thời làm nơi tiếp đón du khách phương xa.

Cổng vào

Với tổng diện tích hơn 12.000 m2, khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đuợc xem là điểm du lịch Bạc Liêu thú vị, nơi khẳng định vị thế của bản Dạ cổ Hoài lang và tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (hay Sáu Lầu), sinh ngày 22/12/1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, quận Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông trôi dạt nhiều nơi trước khi dừng chân tại Bạc Liêu. Với sự hướng dẫn những bước đi đầu tiên của nhạc sĩ cổ nhạc Lê Tài Khị, tài năng của một người nhạc sĩ lớn trong ông đã được phát triển.

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu bao gồm nhiều công trình như khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những người thân, tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ của nền cải lương Nam Bộ, khu vực biểu tượng cây đàn kìm, sân khấu ngoài trời,…

Khi vừa đi qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp tượng đài ống tre hiện ra sừng sững nằm ngay chính giữa khu lưu niệm, phía sau đài phun nước. Tượng đài này chính là chiếc đàn kìm – biểu tượng của Đờn ca tài tử Nam Bộ – gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người con của tỉnh Bạc Liêu. Đàn kìm được cách điệu từ đốt tre, phần đàn kìm được đục lõm tạo sự huyền bí, thiêng liêng, gợi lên sự hoài niệm và tưởng nhớ về những người đã khuất. Đây cũng là nơi du khách thắp hương tưởng niệm.

Tượng đài là chiếc đàn kìm – biểu tượng của Đờn ca tài tử Nam Bộ

Điểm nổi bật tại đây để tạo thêm tính thiêng liêng, huyền bí là các bậc thang lên đài ống tre được bố trí các số bậc: 2,4,8,16,32 và 64, tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đó là: nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi.

Đàn kìm được cách điệu từ đốt tre

Dẫn lên đài tre là lan can cầu thang bằng đá xanh Thanh Hóa được khắc họa hình dáng rồng hướng lên theo bậc thang kết hợp với vân mây tạo nên sự sinh động hài hòa vì Bạc Liêu được ví như là cái nôi đờn ca tài tử, phát triển mạnh nhất của Nam bộ, sức mạnh này được ví như rồng.

Xung quanh tượng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ như 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn.

Xung quanh tượng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ

Đằng sau biểu tượng chiếc đàn Kìm là tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu với nhạc phẩm “Dạ cổ hoài lang” được khắc ngay phía sau.

Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Sau biểu tượng đàn kìm là khu công viên với các biểu tượng các loại nhạc cụ trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ , như sáo, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, ghuitar phím lõm, … Điểm khác biệt của vườn nhạc cụ này là các nhạc cụ hoàn toàn được tạc bằng đá xanh, nhìn rất vững chắc và có hồn.

Công viên các biểu tượng các loại nhạc cụ

Các nhạc cụ hoàn toàn được tạc bằng đá xanh, nhìn rất vững chắc và có hồn


Bên trái là nhà trưng bày lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; bên phải là các khối phục vụ; phía cuối của dự án là khối nhà biểu diễn loại hình đờn ca tài tử bố trí nằm trên hồ sen

Nếu muốn chiêm ngưỡng những tư liệu quý về nghệ thuật đờn ca tài tử hay ngắm nhìn hình ảnh của các nghệ sĩ, nghệ nhân cải lương tiêu biểu của Bạc Liêu thì khu trưng bày là nơi du khách nhất định phải tham quan. Tại đây, phục trang sân khấu của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, những cảnh phục dựng đờn ca tài tử bằng sáp hay những nhạc cụ cổ của các nghệ nhân đều có mặt.

Khu trưng bày

Tượng sáp cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sống động





Du khách sẽ được tìm hiểu về một thời hưng thịnh của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Việt Nam cũng như tìm hiểu đôi chút về hoản cảnh lịch sử của bản “Dạ Cổ Hoài Lang”. Dạ Cổ Hoài Lang (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng). Bản nhạc được ông viết khi ông và vợ buộc phải xa cách sau 3 năm chung sống mà không có con. Trong thời gian này vì nhớ thương vợ, đêm đêm ông ôm đàn ra gảy, những giai điệu những ca từ đều nói lên tiếng lòng của ông dành cho người vợ của mình. Và ông tin rằng là một người phụ nữ, vợ còn nhớ thương ông hơn nữa nên ông mới đặt tên cho bản nhạc lòng này là Hoài Lang. Sau hơn 100 năm từ khi ra đời, bản tình ca bất hủ Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đến giờ vẫn làm rung động hàng triệu con tim người Việt vì chứa đựng những tình cảm, nghĩa phu thê sâu đậm.


Song cùng với nhiều hạng mục kể trên, một trong những nơi tại khu lưu niệm cố nhạc sĩ không thể không nhắc tới, đó chính là khu mộ của gia đình cố nhạc sĩ. Khu mộ là nơi nằm cạnh nhau của thân sinh, thân mẫu và người vợ đoan trang của cố nhạc sĩ. Đến viếng ngôi mộ điệu nhạc nhẹ buồn, không gian như làm cho người ta thấy yêu và khâm phục hơn trước tài đức của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. 

Khu mộ của gia đình cố nhạc sĩ

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu luôn là điểm đến mà nhiều du khách lựa chọn mỗi khi có dịp ghé thăm Bạc Liêu. Không chỉ để bày tỏ tình cảm với vị nhạc sĩ tài hoa, mà còn là cách để những người yêu thích môn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tìm hiểu sâu hơn những giá trị của môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Với khu lưu niệm này, Bạc Liêu tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sinh ra và nuôi nấng những lớp nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét