Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 30 km, làng cổ Yên Trường còn lưu giữ nhiều ngôi nhà làm bằng đá ong hàng trăm năm tuổi và nhiều giếng cổ mát lành
Trong một buổi sáng ngày hè oi ả, chúng tôi tìm về Yên Trường (thuộc xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ), sau khi nghe danh ngôi làng cổ xây bằng đá ong tồn tại hàng trăm năm nay ở ngoại thành TP Hà Nội. Con đường dẫn vào làng với hàng phượng vĩ chạy dài, đỏ rực bên cạnh hồ nước xanh mát, xua tan mọi oi nóng và ồn ào của đô thị.
Hàng phượng vĩ dẫn vào làng Yên Trường
Phượng yên ả soi bóng bên hồ nước dẫn vào làng Yên Trường
Vững chãi với thời gian
Cũng như mọi ngôi làng khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Yên Trường gây ấn tượng với du khách bởi không gian thoáng đãng, yên ả với những hình ảnh quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình và những con người hiền lành, chăm chỉ.
Đi sâu vào làng, chúng tôi bắt gặp những con ngõ nhỏ chạy xiêu vẹo, đan xen vào nhau sâu hun hút. Trong đó là những ngôi nhà cổ, cũ và có kiến trúc độc đáo. Nhà ở Yên Trường gây ấn tượng vì chúng được xây dựng bởi vật liệu làm từ đá ong vàng đậm. Viên gạch xây tường có kích thước đều nhau, hình thù giống với các lỗ của tổ ong, có tác dụng giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.
Tường nhà, tường rào, cổng nhà trong làng không màu mè, cầu kỳ, hoa mỹ. Người thợ xưa đã khéo léo xếp những viên gạch khít vào nhau đến từng chi tiết, kết dính chúng bằng hỗn hợp từ mật mía và một số phụ gia. Đến nay, sau hàng trăm năm, tuy nhiều chỗ trên các bức tường đã nhuốm màu thời gian, chỗ vàng, chỗ đen, chỗ xanh rêu nhưng vẫn vững chãi, chưa có dấu hiệu xuống cấp.
Đi sâu vào làng, chúng tôi bắt gặp những con ngõ nhỏ chạy xiêu vẹo, đan xen vào nhau sâu hun hút. Trong đó là những ngôi nhà cổ, cũ và có kiến trúc độc đáo. Nhà ở Yên Trường gây ấn tượng vì chúng được xây dựng bởi vật liệu làm từ đá ong vàng đậm. Viên gạch xây tường có kích thước đều nhau, hình thù giống với các lỗ của tổ ong, có tác dụng giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.
Tường nhà, tường rào, cổng nhà trong làng không màu mè, cầu kỳ, hoa mỹ. Người thợ xưa đã khéo léo xếp những viên gạch khít vào nhau đến từng chi tiết, kết dính chúng bằng hỗn hợp từ mật mía và một số phụ gia. Đến nay, sau hàng trăm năm, tuy nhiều chỗ trên các bức tường đã nhuốm màu thời gian, chỗ vàng, chỗ đen, chỗ xanh rêu nhưng vẫn vững chãi, chưa có dấu hiệu xuống cấp.
Bức tường làm bằng đá ong đặc trưng ở Yên Trường
Trao đổi với một cao niên trong làng, ông nói rằng sở dĩ nhiều ngôi nhà tại Yên Trường xây bằng đá ong do đây là nguồn nguyên liệu sẵn có của làng và rất được coi trọng. Đá ong chỉ được xây dựng những nơi thể hiện sự khang trang, thịnh vượng của mỗi nhà như tường bao, cổng hoặc giếng làng. Tuy đến nay nguồn đá ong tự nhiên không còn nhưng chúng vẫn hiển hiện ngay trên từng con đường làng đầy hoài niệm.
Bên cạnh tường đá ong là những cánh cổng cổ kính, thiết kế mái vòm đặc trưng văn hóa Việt. Trên mái vòm thường là biểu tượng bức cuốn thư ghi vài câu chữ Hán Nôm như "Ngũ phúc lâm môn" để mong sự ấm no, hạnh phúc cho gia đình hoặc đơn giản chỉ là hình bông hoa, cây lúa. Tất cả các cánh cổng cổ ở Yên Trường có điểm chung là thấp, phù hợp với chiều cao của người Việt xưa kia. Nhiều cổng có niên đại đến hàng trăm năm.
Chiếc cổng và giếng cổ nhuốm màu thời gian
Cần lắm một kế hoạch bảo tồn
Một phần không thể không nói đến Yên Trường là trong làng còn giữ được nhiều giếng cổ bằng đá ong có hình thù kỳ lạ. Miệng giếng vẫn hình tròn nhưng lòng giếng thì khúc khuỷu, hình dáng như bàn chân con người. Nhiều người lý giải giếng có hình lạ như vậy vì được hình thành trên nền đá ong. Do phần lớp đá ong cứng nên thợ chỉ có thể đào quanh lớp đất mềm hơn, để lại thân giếng có những chỗ lồi lõm, gồ ghề.
Trước đây, ngôi làng có hơn 20 giếng nước như thế. Qua thời gian, nhiều giếng bị vùi lấp, giờ còn 7 giếng, nằm rải rác ở các xóm. Bên mỗi giếng nước đều có cổ thụ soi bóng mát và am nhỏ để thờ.
Để tránh lá cây rụng xuống làm ô nhiễm nguồn nước, người dân xây tường bao quanh miệng giếng và căng bạt để làm mái che. Nước giếng được lọc qua đá ong trong vắt, không bao giờ cạn. Trước kia, người dân sử dụng nước giếng để đồ xôi, rửa lá gói bánh chưng... phục vụ cho ngày lễ quan trọng của làng.
So với "Tứ cựu danh thôn" (Đường Lâm, Cự Đà, Cựu Lễ, Ước Lễ), Yên Trường có phần nhỏ bé hơn nhưng vẫn giữ trong mình vẻ đẹp làng quê yên bình đến nao lòng, bất kỳ ai đến đây hoặc nhìn qua hình ảnh cũng cảm thấy xao xuyến. Tuy nhiên, hiện nay làng chưa thu hút được khách du lịch mà hầu hết đều tự phát, manh mún do các nhóm phượt hoặc nhiếp ảnh gia thỉnh thoảng ghé thăm.
Nhiều người dân cho biết do thiếu quy hoạch và chiến lược phát triển nên số lượng nhà cổ bằng đá ong hiện nay không còn nhiều vì các gia đình đã tu sửa, mua bán hoặc phân chia lại cho con cháu. Nhiều nhà bị biến dạng hoặc bỏ trống không ai chăm sóc.
Hy vọng trong tương lai gần, kế hoạch phát triển làng Yên Trường thành làng du lịch nổi tiếng như một số địa phương khác sẽ được hình thành, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc.
Bài và ảnh: Huy Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét