Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Ám ảnh cõi Thanh Chiêm

Một thuở con đường ấy lầy lội trệu trạo sỏi đá dưới bánh xe ngựa thồ hàng. Nó mở đầu cho dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Bàn) trên đất Quảng Nam cách đó chừng hai dặm. Làng nhỏ Thanh Chiêm mọc lên dãy nhà vạn chài đơn sơ cùng với bễ lò phì phò thổi bùng những ngọn lửa âm thầm cháy bên sông Thu Bồn. Một ngôi nhà thờ nhỏ bất ngờ hiện bên vệ đường lẻ loi u hoài và lầm lũi trong những con gió biển tràn về... 

Những bí ẩn bên sông Thu Bồn 

Miền đất cổ Thanh Chiêm bên cảng Hội An bất ngờ sầm uất. Đây là nơi dừng chân của chúa Nguyễn trước sức lụi tàn của những đế chế Chăm chừng hơn 400 năm trước. Chúa Nguyễn Hoàng đã cử con trai là Nguyễn Phúc Nguyên vào dựng thành trấn thủ tại Thanh Chiêm như một sự khẳng định bờ cõi nước Việt (1602). Dinh trấn Thanh Chiêm chính là dấu tích còn lại của trung tâm thị trấn Điện Bàn, Quảng Nam hiện nay. 


Cũng từ đây nhà Nguyễn tạo nên bàn đạp mở rộng giang sơn về phía Nam. Trên văn bia ở làng Thanh Chiêm đã khắc ghi: “Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn/ Hậu cần cho chúa Nguyễn khai cơ/ Đất phương Nam cò bay thẳng cánh/ Phố sông Hoài thuyền đậu buồm giăng…”. 

Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là kinh đô thứ hai sau Huế. Cảng Cửa Đại (Hội An) là nơi giao thương giữa nhà Nguyễn với tàu thuyền buôn bán của các nước phương Tây, Trung Quốc và Nhật Bản. Thanh Chiêm trở thành một trung tâm thương mại giao lưu hàng hóa khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Dân từ khắp nơi đổ về Thanh Chiêm làm ăn buôn bán trở nên thịnh vượng và sầm uất. Không khí làm ăn nơi đây còn sôi động hơn cả kinh thành Huế bên sông Hương. 

Nhưng có chuyện mà các Chúa Nguyễn không thể ngờ đã xảy ra. Đó là sự len lỏi của các nhà truyền giáo phương Tây thâm nhập qua các con tàu viễn dương chở hàng. Những cha cố âm thầm hoạt động tại các vùng thôn quê nhỏ bé từ miền biển cho lên tới vùng thượng Tây Nguyên.

Nghệ nhân Lê Đức Hạ với tác phẩm.

Nhà thờ Phước Kiều sớm được xây dựng tại Thanh Chiêm là một hình ảnh tạo dấu mốc rất sớm cùng với sự ra đời của Dinh trấn cổ bên đường số 1. Tại ngôi nhà thờ này, một câu chuyện cổ tích đã bắt đầu hình thành từ giáo sĩ Pina (1585-1625), người Bồ Đào Nha. Triều đại Chúa Nguyễn rất kỳ thị các nhà truyền giáo phương Tây nhưng lúc này chưa kiểm soát hết được. 

Giáo sĩ Pina sống ẩn dật nay đây mai đó và hết sức kín đáo. Việc truyền đạo ngày đó không dễ dàng gì vì đến đâu cũng phải dẫn theo nhân viên thông ngôn. Nếu bại lộ dễ bị bắt và trục xuất khỏi địa phương. Ông len lỏi vào các thôn làng truyền đạo và chịu khó học tiếng việt. Chẳng bao lâu Pina có thể giao tiếp với người bản địa như người nhà. Những bài giảng của ông rất hiệu quả với giọng nói truyền cảm và sự hài hước mang phong cách dân gian. Từ đó Pina nghĩ tới việc biên soạn một cuốn sách học tiếng Việt. Ông dùng những ký tự Latinh phiên âm từ tiếng Bồ sang tiếng Việt để thay cho những văn bản chữ Nôm rắc rối. 

Công việc biên soạn phiên âm Latinh tiếng Việt được giáo sĩ Pina hoàn thành vào năm 1622. Từ đó cha cố Pina mở lớp học cho các nhà truyền giáo mỗi khi đến Thanh Chiêm. Trong số học trò của Pina có giáo sĩ trẻ Alexandre de Rhodes (1591-1660), người Pháp. Rhodes có năng khiếu ngoại ngữ và học tiếng Việt rất nhanh. Ông còn đi sâu vào dân chúng học thực hành ngữ điệu địa phương thành thạo. Sau đó Rhodes được cử ra hoạt động phía Bắc (xứ Đàng Ngoài-năm 1626) thời chúa Trịnh Tráng. 

Sự trầm luân của con chữ 


Hoạt động chưa được bao lâu Alexandre de Rhodes bị chính quyền Đàng Ngoài bắt và trục xuất. Kèm theo đó giáo sĩ Pina đột nhiên bị chết trong một tai nạn ở biển ở Đàng Trong. Ông đi theo một chiếc ghe để tới một vùng dân chài lưới thì bị gió cuốn. Trong chiếc túi vải của Pina vẫn còn bản thảo dở dang đang chỉnh sửa những âm sắc của phương ngữ Quảng Nam và Quảng Ngãi. Sự nghiệp truyền giáo của các cha đạo vẫn bí mật tiếp tục, Rodhes lại đột nhập qua đường biển vào xứ Đàng Trong. Ông được trao những tài liệu phiên âm tiếng Việt của Pina và ở lại nhà thờ Phước Kiều (Thanh Chiêm). 

Từ đó Rodhes tiếp tục công việc hoàn chỉnh giáo trình cơ bản “Học nói tiếng Việt”. Rodhes đã biên soạn gồm 8 bài cơ bản theo chủ đề cho các giáo sĩ trẻ học theo. Ông đã mở hàng chục lớp học đào tạo giáo sĩ theo sách của mình. Nhưng công việc truyền giáo đâu có thuận lợi, triều đình nhà Nguyễn đã bắt Rodhes và đưa lên tàu ra khỏi hải phận. Rodhes lại tiếp tục nhập cảnh trái phép vào Thanh Chiêm. 

Mỗi lần như vậy Rodhes đều hoàn chỉnh cuốn sách của mình và ông bắt đầu khởi thảo cuốn tự điển Việt-Bồ-La. Nhưng rủi thay Rodhes luôn bị chính quyền xứ Đàng Trong bắt đi bắt lại gây gián đoạn mọi việc. Bị bắt đến lần thứ 6 thì chúa Nguyễn cấm Rodhes vĩnh viễn không được nhập cảnh vào Việt Nam (năm 1645). 

Nhưng cuộc sống của Rodhes không thể bứt khỏi những ngữ điệu kỳ thú của tiếng Việt mà ông đã gắn bó hai mươi năm. Đó là một sứ mệnh trời trao, ông miệt mài trong mấy năm để biên soạn cuốn từ điển lớn “Việt-Bồ-La” và hoàn chỉnh cuốn sách học tiếng Việt có tên “Bài giảng tám ngày”. Những cuốn sách này được xuất bản ở Rom vào năm 1651. Chúng đã trở thành bửu bối giáo khoa dạy tiếng Việt cho hàng trăm giáo sĩ trẻ mỗi khi tới nhà thờ Thanh Chiêm. 

Tuy nhiên bộ sách này chỉ được lưu dùng trong giới truyền giáo chứ không được phổ cập rộng rãi. Bởi lẽ trong suốt thế kỷ 17 và 18, các triều đại phong kiến Trịnh, Nguyễn chỉ dùng chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt tầng lớp trí thức nho học càng muốn tẩy chay chữ Latinh do các giáo sĩ nhà thờ dùng và dậy cho dân chúng. Vậy là tới ba thế kỷ bộ sách của Rodhes bị cấm cửa.

Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng bên hai súng thần công bằng đồng.

Đến triều Nguyễn (1802-1945) và nhất là khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1883) thì các văn bản viết bằng chữ Latinh mới được khởi động. Thực dân Pháp tăng cường áp lực ép các vua Nguyễn dần dần phải bỏ các văn bản chữ Nôm. Chúng đã cho đào tạo những thông ngôn người Pháp bằng ký tự phiên âm Latinh vào năm 1861 tại Sài Gòn. Đây có thể coi là lớp học tiếng Việt mới đầu tiên ở nước ta. 

Mẫu chữ Latinh do Alexandre de Rodhes biên soạn về cơ bản đã trở thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam vào năm 1869. Hầu như tất cả văn bản của các triều Nguyễn sau đó đều phải dùng chữ Quốc ngữ. Số phận chữ Nôm coi như chấm dứt từ năm 1882. 

Đáng chú ý tầng lớp trí thức trẻ khi đó lại rất ủng hộ việc dùng chữ Quốc ngữ vì sự tiện lợi của nó. Đặc biệt các nhà báo, nhà văn càng muốn đổi mới để thoát khỏi những sự trì trệ của giới Nho học và chữ Nôm gốc Hán, họ đi đầu trong việc phổ cập chữ Quốc ngữ ở mọi tầng lớp dân chúng. Đặc biệt trong thời gian này tờ “Gia Định báo” viết bằng tiếng Quốc ngữ đầu tiên được phát hành hàng tuần ở Sài Gòn vào tháng 4-1865. 

Tờ báo do Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đảm nhiệm. Phong trào học chữ Quốc ngữ lan truyền sâu rộng khắp nước. Trong đó phong trào Đông kinh nghĩa thục (1907) ở miền Bắc cũng dấy lên phong trào học chữ Quốc ngữ rầm rộ. Tờ nhật báo đầu tiên “Trung Bắc Tân Văn” được phát hành ở miền Bắc vào năm 1919. Từ đây chữ Quốc ngữ chính thức được phổ cập trong dời sống, học đường và cơ quan hành chính trên toàn quốc (1920). 

Trấn Thanh Chiêm một ngày mai 

Những hình ảnh của di trấn bị chôn vùi theo thời gian, nhưng ký ức và nền tảng của một dấu ấn lịch sử và văn hóa không bao giờ phai mờ. Huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã có chương trình phục dựng lại khu thành cổ này. Một di trấn huy hoàng với những kỳ tích trên sông Thu Bồn vẫn còn được lưu giữ hơn 400 năm qua. 

Ngoài nhà thờ Phước Kiều (Thanh Chiêm), cái nôi ra đời chữ Quốc ngữ thì vẫn còn đó làng đúc đồng Phước Kiều ở Thanh Chiêm. Đây là nơi rèn đúc vũ khí và những công trình cho quân đội triều Nguyễn ở Huế. Cùng với đó là ngôi nhà gốm Lê Đức Hạ, người đã phục dựng lại một quá khứ bốn trăm năm gốm đỏ của dân tộc Chăm lừng lẫy. Dinh Trấn Thanh Chiêm nằm ở giữa Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, tạo nên một tam giác di sản lịch sử-văn hóa luôn luôn kỳ bí và tỏa sáng.

Vương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét