Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

Không gian văn hoá dân tộc S’tiêng

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo nằm tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), một nơi có ý nghĩa đặc biệt góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của người S'tiêng nói chung và đồng bào sóc Bom Bo nói riêng. 

Điều ấn tượng của khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo là sự thay đổi trong cách thức trưng bày, đa dạng hóa các sản phẩm hay cách trang trí độc đáo của nhà dài truyền thống và khu phục dựng bản làng người sóc Bom Bo đều thể hiện rất rõ nét những đặc trưng của đồng bào nơi đây, góp phần quảng bá nét văn hóa dân tộc S’Tiêng đến với du khách khắp mọi miền.

Du khách chắc hẳn sẽ cảm thấy vô cùng thích thú khi thưởng lãm những chiếc chày giã gạo đơn sơ nhưng chắc chắn, chiếc bẫy chông nhỏ bé nhưng lại rất hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hay chiếc bầu hồ lô chứa nước uống hết sức tiện lợi... Các sản phẩm thủ công đã tạo thành yếu tố cơ bản trong văn hóa vật thể của cộng đồng người Stiêng, đáp ứng nhu cầu cơ bản về thẩm mỹ và nhu cầu an toàn trong sinh hoạt… Đây cũng là những mảnh ghép văn hoá đời sống đầy màu sắc của đồng bào S’Tiêng được đông đảo du khách trong và ngoài nước muốn khám phá và trải nghiệm.


Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo nằm tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng.

Chày giã gạo của người S’Tiêng trưng bày trong khu bảo tồn.

Đàn đá được phục chế trưng bày tại khu bảo tồn.


Bộ khung dệt thổ cẩm cầm tay của đồng bào S’Tiêng.

Dụng cụ sinh hoạt đi rừng của người S’Tiêng.

Gùi trên lưng voi chở người được đan bằng mây tre.

Trang sức của đồng bào S’Tiêng.

Khố dệt thổ cẩm của người S’Tiêng.

Khung dệt quay của người S’Tiêng.

Bẫy chông treo trên cây, dùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm của người S’Tiêng.

Nỏ dùng trong săn bắn và chiến đấu.

Ly uống rượu của người S’Tiêng.

Khung cảnh tái hiện cảnh giã gạo nuôi quân của người S’Tiêng.

Bên trong nhà dài của người S’Tiêng.

Khu tái hiện cuộc sống sinh hoạt làng mạc của người S’Tiêng trong khuôn viên khu bảo tồn.

Đội nhân viên chơi nhạc cụ đàn đá phục vụ khách tham quan.

Du khách tham quan phía trong bảo tàng. 


Nổi bật nhất tại khu vực trưng bày chắc chắn phải kể đến là chiếc khung dệt vải. Bởi lẽ, những bộ trang phục lễ hội rực rỡ được dệt bằng thổ cẩm chính là nét đẹp văn hoá hình thành lên sự độc đáo trong bản sắc của người S’tiêng. Theo đó, để có một tấm khố dài với chất lượng tốt và đẹp mắt, người phụ nữ S’tiêng phải mất ít nhất một vài tháng cặm cụi ngồi dệt thủ công mới làm lên một chiếc khố tinh tế đến từng hoa văn. Loại khố này thường dùng để sử dụng trong một số hoạt động sinh hoạt ở các mùa hội cũng như trong mỗi dịp phum sóc tổ chức các nghi lễ. Tất cả đều góp phần tạo lên sự đa dạng văn hóa của tỉnh có thành phố trẻ nhất ở vùng đất miền Đông Nam Bộ đầy tiềm năng này.

Bên cạnh ý thức về việc giữ gìn, phát huy những hiện vật văn hoá, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo cũng có những đội văn nghệ, đội cồng chiêng thường xuyên tập luyện và để biểu diễn phục vụ du khách tham quan. Ngoài ra, khu bảo tồn còn thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tổ chức các làng nghề truyền thống theo mô hình du lịch cộng đồng, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng.

Bài và ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét