Làng Kon Bưu (thôn 4, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) nằm dọc Quốc lộ 24, bên dòng suối Đăk Biêu rì rầm chảy. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, làng Kon Bưu hiền hòa vẫn mang sức hút kỳ lạ đối với tôi.
Chuyện kể ở Kon BưuLàng Kon Bưu hôm nay thật đông vui, bởi người và phương tiện giao thông qua lại nườm nượp. Ngồi trong căn nhà sàn bằng gỗ của già làng A Nhất, chúng tôi vô cùng thích thú khi được nghe ông kể về quá trình di dời làng từ rừng sâu, núi thẳm về bên dòng Đăk Biêu.
Xoay xoay ly trà đặc trong tay, già làng A Nhất cho biết, tên gọi chính thức của làng là Kon Biêu, do lấy tên từ con suối Đăk Biêu chảy qua làng với ý nghĩa là dòng nước mát quanh năm như mong muốn của dân làng là luôn thuận hòa, êm ấm. Nhưng trong quá trình giao tiếp, người dân từ đời này qua đời khác nói trại ra thành Kon Bưu. Mặc dù tên cũ của làng không còn nằm trong văn bản hành chính, nhưng nó còn đọng lại mãi trong lòng người dân, tựa hồ như dòng nước Đăk Biêu vẫn đem lại nguồn nước mát cho dân làng.
Theo lời già làng A Nhất, cách đây khoảng 400 năm về trước, làng Kon Biêu tách ra từ làng Kon Vi Vàng (nay thuộc xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy) nằm bờ Tây sông Đăk Snghé. Trải qua bao thăng trầm, người dân sống du canh, du cư từ núi này qua núi nọ, theo đó làng cũng 5 lần chuyển dời và cuối cùng bám trụ tại đây.
Chỉ riêng năm 1974, dân làng Kon Bưu phải chuyển lên thôn Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông bây giờ) sinh sống trong sự kìm kẹp của quân thù. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, dân làng Kon Bưu trở về làng cũ và sinh sống cho đến ngày nay.
Đường vào nhà rông làng Kon Bưu, xã Tân lập, huyện Kon Rẫy. Ảnh: TVP
Cách làng 2 km, giáp với sông Đăk Snghé, còn có núi Ngọk Vi Lan. Đây là ngọn núi rất linh thiêng đối với làng, nên hàng năm, mỗi khi cúng làng hay cúng các lễ khác, người dân đều hướng về ngọn núi này để cầu xin thần núi phù hộ cho dân làng sức khỏe, làm ăn phát đạt. Vì được xem ngọn núi linh thiêng, nên dân làng ít khi lên núi chặt cây, hái trái, săn bắn các loại thú rừng và người dân còn gọi là “rú cấm”.
Làng Kon Bưu nằm cách sông Đăk Snghé khoảng 8km. Trên sông này có thác Ha Blu và thác Hná nằm cách nhau khoảng 700m, quanh năm nước chảy rì rầm. Nước sông trong xanh và mát rượi. Hơi nước từ sông, từ thác theo gió đưa đi xa, làm cho đời sống dân làng như có thêm hương vị mới. Mỗi khi đi làm rẫy về, dân làng thường ghé lại các thác này tắm mát, vui đùa. Trai gái cũng thường đến đây tình tự và nên vợ nên chồng.
“Ngày ấy, ở cái vùng này rừng núi thâm u, người dân ở tít trong rừng và ven các dòng suối. Khi tách ra, cả làng không biết có bao nhiêu gia đình, nhưng mình nghe ông cha truyền lại là chỉ có 3 dãy nhà sàn dài, trong đó có nhiều thế hệ cùng chung sống. Dân làng tự rèn công cụ bằng sắt để sử dụng trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả với nhiều chướng khí, nhưng người dân vẫn quần tụ bên nhau dựng xây làng xóm, đoàn kết một lòng để chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, bệnh tật”- già làng A Nhất tự hào kể.
Kon Bưu bây giờ
Thôn trưởng A Brú cho biết, Kon Bưu hiện có 144 hộ, với 496 nhân khẩu, trong đó có 38 hộ với 125 nhân khẩu là dân tộc Kinh, còn lại là dân tộc Xơ Đăng (nhánh Xơ Đrá). Những năm qua, Ban quản lý thôn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời triển khai các mô hình, dự án nông nghiệp, giảm nghèo để người dân phát triển sản xuất kinh tế gia đình, tiến tới giảm nghèo bền vững.
Trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, đến nay, toàn thôn phát triển 11,2 ha lúa, 24,9 ha cao su, 0,91 ha tiêu, 26,3 ha cà phê, 34,4 ha bời lời, 3,2 ha cây ăn quả các loại, 1,5 ha rau các loại… Tổng đàn gia súc có 380 con (130 con bò, 150 con lợn, 100 con dê); tổng đàn gia cầm có 1.540 con và 0,8 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, bà con trong thôn nhận khoán quản lý, bảo vệ 33,9 ha rừng.
Già làng A Nhất - làng Kon Bưu (thôn 4, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) bên cây đàn ting ning. Ảnh: T.V.P
Bên cạnh sản xuất, trong thôn còn có 10 hộ gia đình buôn bán nhỏ với các mặt hàng tạp hóa (lương thực, thực phẩm tươi sống...) và nhiều người mở dịch vụ như sửa chữa xe máy, máy xay xát, mua bán hàng nông sản…
Từ nhiều năm nay, Ban quản lý thôn vận động nhân dân duy trì lễ chào cờ vào buổi sáng đầu tuần, lồng ghép triển khai công tác của thôn, xã; thường xuyên sửa chữa, tu bổ đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, trồng cây xanh trên các tuyến đường trong thôn và khu vực nhà rông; phối hợp với các trường học tuyên truyền, vận động học sinh đi học chuyên cần, duy trì tỷ lệ 100% cháu trong độ tuổi được đi học.
Người dân trong thôn có ý thức chăm sóc sức khỏe cho mình, không còn tin vào thầy cúng như trước. Vì vậy, khi ốm đau, 100% người dân được khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã. Các hội viên cựu chiến binh, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi và các hộ nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.
Đặc biệt, người dân trong thôn có ý thức xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác tuyên truyền của Ban quản lý thôn và chính quyền địa phương, người dân chú trọng công tác giữ gìn môi trường “xanh, sạch đẹp”, xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, không vi phạm an toàn giao thông đường bộ, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình văn hóa và thi đua phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, trong thôn giữ vững và củng cố việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Trong quá trình phát triển, bên cạnh việc tiếp thu các giá trị văn hóa mới, dân làng giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình. Nhà rông là biểu tượng thiêng liêng cho sự trường tồn văn hóa của tộc người Xơ Đrá của dân làng. Nơi ấy thường diễn ra sinh hoạt dân gian; hòa giải những mâu thuẫn cá nhân của cộng đồng khi “cơm không lành, canh không ngọt”...
“Đến nay, dân làng vẫn còn lưu giữ các phong tục, lễ nghi, như: lễ đâm trâu, lễ làm neo, lễ hội đánh trống, lễ cúng máng nước, lễ ăn cơm mới, lễ trỉa lúa, lễ cúng làng… Tất cả các lễ này đều tổ chức tại nhà rông của làng. Làng hiện có 1 bộ cồng chiêng gồm 12 cái; duy trì đội cồng chiêng, đội múa xoang gồm 20 nghệ nhân. Các lễ hội nói trên thể hiện quan niệm của bà con dân làng trong việc nhớ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên ông bà đã phù hộ con cháu có sức khỏe, làm ăn phát đạt, xóm làng yên ổn, phòng tránh bệnh tật...; nhắc dân làng, nhất là thế hệ trẻ biết về cội nguồn của dân tộc mình, biết bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống cho muôn đời sau”- già làng A Nhất giải thích.
Rời làng Kon Bưu trong chiều nhạt nắng, tôi như thấy sức sống mới đang ngời lên nơi đây.
TRẦN VĂN PHÚC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét