Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Tinh hoa gốm Chăm

Những bức phù điêu, họa tiết trang trí, tượng vũ nữ apsara... bằng gốm được trang trí trong những đền đài rêu phong, cổ của người Chăm ở vùng Nam Trung Bộ vẫn tồn tại hơn 1000 năm nay; những điệu múa cổ xưa như múa lu, múa đội nước... cũng được các vũ nữ sử dụng gốm làm đạo cụ mô phỏng lại những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm đang thu hút du khách gần xa. Có thể nói, gốm không chỉ là dụng cụ phục vụ đời sống mà nó còn được ví như “vật trung gian” để người Chăm giao tiếp với thế giới thần linh. Từ những thông tin trên đã thu hút chúng tôi về với làng gốm cổ Bàu Trúc ở Ninh Thuận để khám phá tinh hoa nghề làm gốm của người Chăm. 

Độc đáo Gốm Bàu Trúc 

Chúng tôi về Ninh Thuận, vùng đất khô hạn nhất Việt Nam giữa những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Nhiều hoạt động kinh tế, du lịch bị đình trệ do dịch COVID -19 và hạn hán nhưng tại làng gốm cổ Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vẫn nhộn nhịp các hoạt động sản xuất. Tại các gia đình, các nghệ nhân vẫn cần cù nặn và các lò nung vẫn đỏ lửa để cho ra lò những mẻ gốm mới.

Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc có khoảng 500 hộ dân thì có đến hơn 90% trong số đó vẫn làm nghề gốm.

Theo dân gian vùng Bàu Trúc truyền lại, tổ nghề của gốm làng là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông Poklong Chanh từ chối làm quan về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê, lễ hội lớn nhất của người Chăm. Và nghề làm gốm được truyền đời ở Bàu Trúc cho đến tận ngày nay.

Chúng tôi gặp bà Trương Thị Gạch (80 tuổi) ở làng Bàu Trúc – người phụ nữ đã học nghề làm gốm truyền thống từ năm 10 tuổi. Bà Gạch cho biết: “Tôi học được nghề là do bà nội để lại cho mẹ, rồi mẹ dạy cho tôi, bây giờ tôi truyền lại cho các con. Nghề nặn gốm ở Bàu Trúc chỉ dành cho người phụ nữ làm, đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm thôi”. Theo bà Gạch, gốm ở Bàu Trúc được làm thủ công ở tất cả các công đoạn và khác biệt so với bất kỳ loại gốm nào trên thế giới.

Nghệ nhân Trương Thị Gạch (80 tuổi) hoàn thiện tác phẩm gốm nghệ thuật Vũ nữ apsara. ảnh: Nguyễn Luân

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc với đôi bàn tay lấm lem đất, vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất sét thành những sản phẩm độc đáo. Ảnh: Nguyễn Luân

Nghệ nhân Đàng Thị Trắng (48 tuổi) dùng vải cuộn thấm nước, quấn vào tay chà láng thân gốm và tạo hình miệng. Ảnh: Lê Minh 

Gốm nặn xong, đem phơi nơi râm mát, khi khô ráo thì nghệ nhân chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Ảnh: Lê Minh

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc chỉnh sửa hình thể, bố cục trên tác phẩm. Ảnh: Lê Minh


Gốm Bàu Trúc không cần lò nung, phương pháp truyền thống nơi đây là chất rơm rạ, củi và nung gốm ngay ngoài trời. Ảnh: Nguyễn Luân

Một lần nung gốm ở Bàu Trúc thường kéo dài từ 5 - 8 tiếng, tùy vào kích cỡ gốm nung. Ảnh: Lê Minh

Những sản phẩm gốm nghệ thuật để nguội sau khi nung trong rơm rạ. Ảnh: Nguyễn Luân

Những sản phẩm gốm sau khi nung để nguội sẽ có màu tự nhiên của đất. Ảnh: Nguyễn Luân 

Chỉ vào cái bình gốm nhỏ đang làm dở tay, bà Gạch lý giải bí quyết làm gốm ở Bàu Trúc: “Có nhiều công đoạn làm gốm, trước hết và quan trọng nhất là công đoạn chọn nguồn đất làm nguyên liệu. Đất dùng làm gốm phải là đất ở con sông gần làng mang về phơi khô, rồi đổ nước vào ngâm cho đất mềm ra rồi lọc các tạp chất như rác, đá sỏi. Sau đó đất được trộn với cát và nước theo một tỉ lệ nhất định, dùng chân nhồi, trộn sao cho đất trở nên thật dẽo và thật nhuyễn, người ta gọi là “đất chín” thì mới dùng để nặn gốm được”.

Nét độc đáo trong công đoạn làm gốm ở Bàu Trúc là người thợ không dùng bàn xoay như ở các vùng làm gốm khác mà dùng đôi chân di chuyển quanh khối đất cùng đôi tay khéo léo của mình để uốn nắn. Ở Bàu Trúc không có bất kỳ một khuôn đúc nào để làm gốm, mà tất cả các sản phẩm đều được làm từ đôi bàn tay điêu luyện.

Đa phần, gốm Bàu Trúc đều có hoa văn thể hiện về sông nước, chấm vỏ sò, thực vật hay những hình ảnh thể hiện về tự nhiên, đất trời, tôn giáo. Cách nung gốm ở Bàu Trúc cũng mang nét rất riêng, chủ nung bằng củi với rơm. Một lần nung như vậy kéo dài từ 5 – 8 tiếng, tùy vào kích cỡ sản phẩm.

Đặc biệt, từ xưa truyền lại thì trước khi nung gốm gia chủ sẽ chọn ngày tốt và phải sắm một ít lễ vật để cúng ông tổ nghề và giới thần linh, nhằm thể hiện ước nguyện các sản phẩm gốm nung được “chín” đều, không bị hư hỏng, thiệt hại.

Các sản phẩm đặc trưng của gốm Bàu Trúc mang đậm tính văn hóa địa phương nhằm phục vụ cho đời sống của người dân. Có thể kể đến một số sản phẩm truyền thống như: cái khương để nấu bánh tét, cái lu đựng nước, cái nồi nấu cơm, cái trả để kho cá, cái ấm để nấu nước, đụng nước uống…

Gốm trong dòng chảy văn hóa của người Chăm

Ngày nay, làng gốm Bàu Trúc không chỉ là một làng nghề truyền thống đơn thuần mà đã trở thành một địa điểm văn hóa, du lịch khám phá hấp dẫn của địa phương. Hợp tác xã Làng gốm Bàu Trúc được thành lập vào năm 2008 như một đòn bẫy trong việc nâng tầm chất lượng và sự đa dạng trong chế tạo gốm, đồng thời, cũng là nơi trình diễn nghề làm gốm Chăm cho khách du lịch khi đến Ninh Thuận. Hàng ngàn mẫu mã gốm của làng Bàu Trúc được trưng bày, giới thiệu tập trung tại HTX để du khách thưởng lãm, hoặc chọn mua cho mình những sản phẩm ưng ý nhất. 
 "Tôi đã bắt gặp trong các đền đài ở vùng đông bắc Thái Lan hàng loạt sản  phẩm bằng gốm Chăm của Việt Nam. Việc xuất hiện ở những nơi linh thiêng ấy chứng tỏ sự lôi cuốn của các loại gốm người Chăm trong thế giới tâm linh không chỉ ở Thái Lan mà cả vùng Đông Nam Á".


Tiến sỹ Atthasit Sukkham (Thái Lan)

Với các nhà nghiên cứu, người Chăm và các di sản văn hóa của họ luôn bí ẩn và độc đáo. Nghề làm gốm là một ví dụ.

Phó giáo sư-tiến sỹ Shimoka Sakaya, đại diện nhóm nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Điều đặc biệt, nhiều làng gốm cổ trên thế giới đã mất thế nhưng gốm Chăm Việt Nam vẫn còn tồn tại, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm, xứng đáng được UNESCO công nhận. Hy vọng một lần nữa gốm Chăm lại hồi sinh và tiếp tục lan tỏa”.

Quần thể tháp Pô Klong Garai (Ninh Thuận) được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia có sự trang trí nhiều họa tiết gốm Chăm đặc sắc. Ảnh: Nguyễn Luân



Sản phẩm gốm gia dụng ở làng gốm Bàu Trúc phục vụ đời sống của người Chăm trong vùng. Ảnh: Nguyễn Luân

Sản phẩm gốm Bàu Trúc ém khói khi nung, các nghệ nhân tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu… Ảnh: Nguyễn Luân 






Những bức tượng gốm và lọ gốm phản ánh đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng của người Chăm ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Luân 

Các cô gái Chăm đội trên đầu bình gốm, trong bình gốm thường chứa nước lạnh hoặc nước chè xanh múa đội nước để dâng cúng thần hoặc mời khách quý. Ảnh: Tư liệu

Du khách thích thú trải nghiệm với cách làm gốm Bàu Trúc. Ảnh: Tư liệu 

Giáo sư Leedom Lefferts (Mỹ) đã bỏ công hơn 20 năm qua đi điền dã về tận các làng nghề ven biển miền Trung chỉ để tìm hiểu gốm Chăm. Vị giáo sư 80 tuổi này đánh giá: “Mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc lập, không cái nào giống cái nào, đó là sự khác biệt giữa gốm Chăm với các dòng gốm khác”.

Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ VHTTDL làm Hồ sơ "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi thì cho rằng, có sự tiếp biến trong dòng chảy văn hóa từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chăm, nhưng sự độc đáo trong nghề làm gốm của người Chăm còn thể hiện ở chỗ, 300 người ở Bàu Trúc cùng làm một sản phẩm (lọ hoa chẳng hạn), nhưng nếu đem trộn lẫn vào nhau, sau đó mỗi người vẫn nhận ra “đứa con” của mình, dù chúng na ná nhau. Dấu ấn để lại trong từng sản phẩm của mỗi người luôn hiện hữu.

Cách đây vài năm, trong một lần đến Bàu Trúc tham quan, kiến trúc sư Trần Hùng (Việt kiều Mỹ) đã có ý tưởng và cho khởi động dự án đưa gốm Bàu Trúc vào trang trí tại khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Mỹ. Chuyến hàng đầu tiên với hơn 500 mặt hàng gốm mỹ nghệ (như tượng thần Siva, tượng thần Ganesa, phụ nữ cầu mưa, phù điêu Apsara, thiếu nữ múa Apsara, đèn lồng các loại...) đã được đóng kiện xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện nay, gian trưng bày và bán các sản phẩm gốm Bàu Trúc tại California, Texas và Arizona (Mỹ) vẫn thu hút lượng lớn người dân đến xem và mua hàng.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh, Nguyễn Luân và tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét