Những người nông dân tất bật thu hoạch hoa
Huyện Chợ Lách là vùng đất mang nặng phù sa, thời tiết mát mẻ, sông nước êm đềm, rất thích hợp với mô hình trồng hoa kiểng. Trong đó, Làng hoa Cái Mơn là tên gọi chung cho các xã tập trung trồng nhiều hoa như: Vĩnh Thành, Long Thới, Phú Sơn…Đây là một trong hai vựa hoa lớn nhất cùng với làng hoa Sa Đéc – tỉnh Đồng Tháp chuyên cung cấp hoa tết trong vùng và các tỉnh lân cận.
Làng có đến hàng ngàn hộ tham gia trồng các loại hoa truyền thống
Nằm giữa dòng sông Tiền thơ mộng có diện tích khoảng 40 ha, làng có đến hàng ngàn hộ tham gia trồng các loại hoa truyền thống như: vạn thọ, hoa giấy, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, cẩm chướng… Một số nghệ nhân còn dùng cây tắc, cây xanh, uốn thành hình “12 con giáp” hay Tứ linh rất độc đáo.
Xuân cận kề, sắc hoa nơi đây lại thêm phần rực rỡ
Xuân cận kề, sắc hoa nơi đây lại thêm phần rực rỡ, làng hoa kiểng Cái Mơn như một bức tranh mang màu sắc của hàng trăm loại hoa, hương thơm ngát cả cùng trời. Chính vì thế, cứ đến tháng Chạp, nhiều du khách từ mọi nơi đến đây để tham quan, mua sắm các loại hoa, cây kiểng mang về để trang trí nhà cửa, tận hưởng không khí tươi vui, ngàn ngập màu sắc, lưu lại những bức ảnh lung linh mà chỉ có mùa xuân mới có thể tìm thấy tại nơi đây.
Hoa cúc khoe sắc
Điểm nhấn của chuyến khám phá làng hoa Cái Mơn Bến Tre chắc chắn sẽ không trọn vẹn nếu bỏ qua 1 điểm chụp hình rất có tiếng là lò gạch cũ K26 thuộc xã Phú Sơn. Vị trí lò gạch cũ này khá đẹp với bố cục mặt nhà hướng ra sông, phía sau là hàng dừa, phía trước là những luống hoa cúc thẳng tắp. Hai bên là hoa cỏ phủ xanh tạo nên một không giang lãng mạn rất thích hợp để mọi người đến thưởng ngoạn.
Lò gạch cũ
Chỉ nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 35km, cách Sài Gòn chừng 120km nên các bạn có thể tới đây dễ dàng bằng xe máy hoặc xe khách. Xuất phát từ TP. HCM để đến làng hoa kiểng Cái Mơn, bạn theo hướng trục đường chính cao tốc Trung Lương hoặc quốc lộ 1A – qua Long An – qua Mỹ Tho đến TP. Bến Tre – qua cầu Hàm Luông – quốc lộ 60 vào địa phận thị trấn Mỏ Cày, rẽ phải quốc lộ 57. Đi theo con đường trải nhựa chạy vào các xã này, dễ dàng bắt gặp những chậu cây, hoa cảnh bày dọc 2 bên đường khoe sắc trong nắng, nhuộm lên một màu đẹp không thể tả hết.
Điểm chụp hình lý tưởng cho du khách
Thông thường, công việc chăm sóc cây cảnh, hoa được người dân nơi đây tập trung từ 3 tháng trước tết. Sau tết, bà con chủ yếu ươm và bán các loại cây giống ăn quả như: Sầu riêng, mít thái, măng cụt, dừa, roi. Các loại hoa cũng thường được phân theo từng khu. Ví dụ khu Phước Mỹ Trung hoa vạn thọ chiếm số lượng lớn, trong khi ở Long Thới lại trồng nhiều cúc hơn. Còn ngắm hoa giấy rực rỡ thì đến Phú Sơn, đỏ rực cả một vùng, bắt mắt đẹp đến mê mẩn.
Sắc hoa giấy đỏ thắm
Thông thường, sau rằm tháng 12 âm lịch là thời điểm hoa bắt đầu hé nụ. Người trồng hoa ở đây cho biết, sát tết, từ huyện Chợ Lách, các loại hoa sẽ được thương lái đến thu mua, rồi chuyển đi Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… Tùy theo loại hoa tươi mà giá dao động từ 70.000 – 200.000 đồng/cặp. Cây cảnh giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/cây; thậm chí cây mai vàng cổ thụ giá đến vài trăm triệu đồng/cây.
Giai đoạn từ khoảng 22 Tết trở đi là lúc xe tải tấp nập đổ về, thương lái thu mua rất xôm tụ. Từ khoảng 25 Tết trở đi là thời điểm “hốt vườn”, khi đó tất cả các chậu hoa còn lại sẽ được mang lên bày trên mặt đường để bán trực tiếp cho người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét