Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Nhà báo người Nghệ An từng làm thư ký cho cụ Phan và cụ Huỳnh

Ở Nghệ An thời thuộc Pháp có một người vừa là ông chủ, vừa là chủ bút một tờ báo. Ông chủ báo trẻ tuổi đó đã từng là thư ký cho cụ Phan Bội Châu và sau đó là Thư ký tòa soạn cho cụ Huỳnh Thúc Kháng ở báo Tiếng Dân. Đó là Vương Đình Quang, bút hiệu Quan Chi. 

1. Thư ký cho cụ Phan Bội Châu

Vương Đình Quang sinh năm 1908, trong một gia đình danh gia vọng tộc, ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cha ông là tiến sĩ đình nguyên Vương Hữu Phu (1880- 1941), từng làm quan đến chức Thừa chỉ hậu bổ, Trước tác xung Cơ mật viện. Nhưng cha ông từ chức sau 10 năm “lạc” vào chốn quan trường. 


Cuộc đời đã đưa đẩy Vương Đình Quang vào một cuộc dấn thân lận đận và bí bách. Mười sáu tuổi, với mảnh bằng tiểu học Pháp – Việt trường huyện, cậu bắt đầu ra đi. Thực ra, cậu ra đi không phải vì có máu me xê dịch, mà đơn giản vì gia đình vị hưu quan lâm vào cảnh túng quẫn, lại đông con. Sau khi tính toán, Quang được cha mẹ gửi vào làm gia sư cho một gia đình người bạn ở Ninh Thuận. Không chỉ là gia sư, cậu còn phải làm các việc khác trong nhà như một người ở, thế nhưng ăn cũng không đủ no, mặc không đủ ấm. Có đêm rét quá, cậu phải đổ cả bao tải than ra, chui vào bao tải cho đỡ rét. Cực quá, sau đó cậu chuyển sang nhà một người bạn khác của cha. Ở đây, ngược lại cậu quá sung sướng và nhàn hạ, do đó nguy cơ “nhàn cư vi bất thiện” lại cận kề… 

Lúc này cụ Phan Bội Châu được đưa về giam lỏng ở Bến Ngự. Dân chúng, nhất là đám thanh niên, nô nức tìm đến, ban đầu chỉ tò mò rồi khâm phục. Quang cũng lân la tìm đến thăm cụ Phan. Là đồng hương Nam Đàn, lại là con nhà khoa bảng danh giá, nên Quang nhanh chóng được cụ Phan quý mến. Không chịu sống cảnh nhàn rỗi ở nhà ông quan bạn của cha, Quang tự nguyện đến làm thư ký cho cụ Phan. Công việc thường ngày của cậu là đọc báo chữ Pháp và báo Quốc ngữ cho cụ nghe, chép lại các sáng tác bằng quốc âm của cụ. 

Việc làm thư ký cho cụ Phan không được lâu, vì ở quê, bọn mật thám từ Vinh kéo lên khám nhà cha mẹ Quang để kiếm chuyện. Quang đành chia tay với cụ Phan. Tuy chỉ ở với cụ Phan một thời gian ngắn, nhưng đó là hành trang quý giá mà suốt đời cậu mang theo. 

2. Mở báo Trung Kỳ 

Từ giã cụ Phan, về Nam Đàn một thời gian ngắn, Quang lại vào Tuy Hòa, Sài Gòn, rồi lại trở ra Phan Thiết, Nha Trang, sau đó về Vinh, làm đủ mọi nghề từ gia sư đến viết báo, vẽ truyền thần, thư ký đường sắt, kể cả chăn vịt nhưng cũng chỉ “tay vo miệng lúm”. 

Sau khi bỏ nghề đường sắt, Quang có một ý định mới thật táo bạo: Tự ra một tờ báo ở Vinh. Ngày 5/3/1935 anh gửi đơn cho Khâm sứ Trung Kỳ xin mở báo. 

Đơn của Vương Đình Quang xin mở báo Trung Kỳ (phải) và con dấu báo Trung Kỳ, hiện gia đình đang lưu giữ. 

Mấy tháng sau, Vương Đình Quang được cấp phép. Báo được đặt tên là “Trung Kỳ”, đóng ở nhà số 184 - 186 avenue Maréchal Foch, nay là đường Quang Trung, thành phố Vinh. Ban đầu một mình Quang kiêm cả chủ nhiệm, chủ bút và phát hành. Báo Trung Kỳ ra số đầu tiên vào ngày 9/10/1935.

Ngay số đầu tiên và số 4, Trung Kỳ đã đăng bài tiểu luận nổi tiếng “Nghệ thuật với nhân sinh” của nhà văn, nhà báo Mác xít Hải Triều, trong loạt bài bút chiến “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” kéo dài mấy năm thời đó. Về văn chương báo cũng đăng thơ, văn phản ánh cuộc sống lầm than của các tầng lớp nhân dân. Với nội dung phong phú và khá gai góc, báo Trung Kỳ bán khá chạy và được sự quan tâm của bạn đọc gần xa. Vì thế, nó cũng đã nhanh chóng được sự “quan tâm” của chính quyền. Có lần báo đã được chánh mật thám của tỉnh “ghé thăm” và “nhân tiện bảo nhỏ” rằng: “Đừng đăng những bài và tranh về việc rượu”, để “Phủ Toàn quyền dễ làm việc”, nếu không sẽ không tránh khỏi “nỗi buồn về sau”… 

Báo bán chạy, nhưng ông chủ trẻ không có vốn để tăng lượng phát hành, cũng như thuê thêm người để quản lý và lo các khâu, nên cứ sa sút dần. Một số người có tiền của ở Huế biết sự tình, bàn với Vương Đình Quang nên chuyển tờ Trung Kỳ vào Huế, để họ đầu tư và chia nhau lợi nhuận. Thế nhưng, văn bản của mật thám Trung Kỳ đã dành cho tờ Trung Kỳ và Vương Đình Quang những nhận xét khá nặng nề. Họ cho rằng Vương Đình Quang chỉ là người đứng tên chủ báo, còn thực chất Trung Kỳ được vận hành bởi những phần tử cực đoan. Nếu tờ Trung Kỳ chuyển vào Huế sẽ càng thuận lợi hơn cho nhóm cộng sản của Nguyễn Khoa Văn, tức nhà báo Mác xít Hải Triều. Khi mật thám Pháp đã nhận xét như vậy thì Khâm sứ Trung Kỳ cũng không có cách nào khác là từ chối. 

Không thể chuyển báo vào Huế, cùng bất đắc dĩ, tháng 7 năm 1937, Vương Đình Quang đành tự đình chỉ tờ Trung Kỳ, sau hai năm dấn thân vào chốn “rừng văn trận bút”. 

3. Làm “đệ tử” cụ Huỳnh 

Bản khắc gỗ chân dung cụ Huỳnh, do Vương Đình Quang khắc để in sách 'Huỳnh Thúc Kháng- Chân dung và Tiểu sử' năm 1946. 

Sau khi tự đình bản báo Trung Kỳ, Vương Đình Quang vào Huế làm nghề dạy học tư, đồng thời thử viết báo bằng tiếng Pháp. Các bài báo của ông được báo đăng đều đặn. Từ năm 1939, một cơ duyên lớn đã đưa ông đến giữ chân Thư ký tòa soạn cho báo Tiếng Dân và có bốn năm gắn bó với một tượng đài nữa của lịch sử Việt Nam: Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Báo Tiếng Dân ra đời từ năm 1927, là tờ báo đầu tiên của Trung Kỳ, do Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ chủ trương. Đây được coi là tờ báo đối lập với chính quyền, nêu cao tinh thần dân tộc, công khai đấu tranh bảo vệ dân chúng, chống áp bức, bóc lột. Cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn đã biết Vương Đình Quang từ hồi anh còn làm thư ký cho cụ Phan Bội Châu, nên hết lòng tin tưởng. Ngoài công việc của một thư ký tòa soạn, ông còn viết văn, làm thơ. 

Nhưng, Báo Tiếng Dân bị chính quyền Nhật đóng cửa, rồi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Năm 1946, sau khi tự tay mình xuất bản cuốn sách đầu tiên dưới chế độ mới: “Huỳnh Thúc Kháng- Chân dung và Tiểu sử”, Vương Đình Quang lại dắt díu vợ con về quê Nam Đàn tham gia kháng chiến. Hơn hai chục năm sau, có bạn đọc còn gửi thư cho ông, nhắc lại những tiểu thuyết của ông đăng nhiều kỳ trên báo khi đó mà họ rất thích, như “Chuyến xe ngựa”, “Khách viễn phương”, “Thủ phạm”… 

Đầu năm 1946, Vương Đình Quang ra Hà Nội thăm cụ Huỳnh, bấy giờ đã là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. “Cụ Huỳnh cùng Hồ Chủ tịch ở Bắc bộ phủ, hiện nay là nhà khách Chính phủ. Hai cụ ở hai phòng riêng cách nhau. Cụ Huỳnh đưa tôi sang chào Hồ Chủ tịch. Lần đầu tiên tôi được vinh dự gặp vị lãnh tụ kính mến lúc đó tuy hơi gầy nhưng râu tóc chưa bạc, phong độ ung dung… Khó mà quên được hình ảnh hai cụ già tuổi tác chênh lệch, gần gũi nhau, trìu mến nhau bởi một lòng vì dân vì nước” (Vương Đình Quang, Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh, NXB Văn học). 

Bút tích thư cụ Huỳnh gửi Vương Đình Quang năm 1946. 

Trong kháng chiến chống Pháp, có một thời gian ngắn Vương Đình Quang tái xuất làng báo, khi làm Thư ký tòa soạn báo “Đại đoàn kết” cho Mặt trận Liên Việt tỉnh Nghệ An. Nhưng, mối lương duyên đó kéo dài không lâu, ông lại trở về quê, làm thuốc, làm nông, làm nón, làm kế toán hợp tác xã…Cuộc sống rất khó khăn, nhưng không làm Vương Đình Quang nhụt chí văn chương. Trong đó, ông dành nhiều tâm huyết cho hai người thầy lớn của mình, với những tác phẩm: Huỳnh Thúc Kháng, chân dung và tiểu sử (Nxb Ích Trí, Huế, 1946) ; Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng (Nxb Văn học, Hà Nội, 1965) ; Huỳnh Thúc Kháng, con người và sự nghiệp (lưu trữ tại Viện Văn học, chưa xuất bản) ; Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh (Nxb Văn học, 1992). Ngoài ra, ông còn để lại một cuốn Nhật ký và nhiều ghi chép có giá trị nghiên cứu về lịch sử và văn học. 

Phạm Xuân Cần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét