Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Cầu ngói Phát Diệm – Nét kiến trúc cổ xưa

Cầu ngói Phát Diệm (Ninh Bình) là công trình kiến trúc độc đáo, giữ gìn tương đối nguyên vẹn hình dáng và kỹ thuật cổ truyền. Các kỹ thuật truyền thống tạo nên một công trình tồn tại bền vững qua hàng trăm năm, trở thành một di sản thắng tích quý giá, đánh dấu một bước phát triển của nền kiến trúc cổ Việt Nam. 

Huyện Kim Sơn – Ninh Bình thuở sơ khai là vùng đất sình lầy ven biển do nhà Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ chiêu dân, lập ấp, quai đê, lấn biển, lập nên từ năm 1829. Công cuộc ấy diễn ra trong thời gian dài, cùng với việc lấn đất bãi bồi ven biển mở làng, Dinh điền sứ đã cho xây dựng hệ thống thủy lợi, sông ngòi, kênh rạch dọc ngang dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn. Trong đó, dòng sông Ân chảy qua thị trấn Phát Diệm là công trình thủy lợi được xây dựng trong nhiều năm, là dòng sông chính cung cấp nước tưới tiêu ruộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống dân sinh. 

Chiều dài của cây cầu này là 36 m, chiều rộng là 3 m. 

Để thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân giữa hai bên bờ nam bắc, cụ Nguyễn Công Trứ đã cho xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông Ân. Ban đầu cầu được dựng bằng thân những cây gỗ to, những tấm gỗ lớn, cầu rộng để người dân đi lại thoải mái. Do thời gian bị hư hại, đến năm 1902 cây cầu được thay thế bằng cây cầu ngói. Trong suốt chiều dài lịch sử, cây cầu ngói được chính quyền, nhân dân Kim Sơn quan tâm gìn giữ, tuy đã qua nhiều lần tu sửa nhưng cơ bản vẫn giữ được hình dáng, kiến trúc cổ, tạo thêm vẻ đẹp của dòng sông Ân Giang và không gian nơi phố huyện. 

Cây cầu mang kiến trúc độc đáo của khu vực Bắc Bộ và được xây theo kiểu Thượng Gia Hạ Kiều (tức trên là nhà, dưới là cầu). Cây cầu có dáng cong cầu vồng, bên trên lợp ngói, hai bên là hai hàng cột gỗ và những song gỗ lim làm lan can rất chắc chắn. Cầu có 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian. Các gian nhà trên cầu được bố trí rất thoáng. Cột, kèo, vì, khóa gian, dui, mè… đều được làm bằng gỗ lim. Chiều dài của cây cầu này là 36 m, chiều rộng là 3 m. Hai đầu cầu ngói Phát Diệm được xây dựng giống hình ngôi đình làng, ở mỗi bên là các bậc tam cấp, chỉ người đi bộ mới qua được cầu. Trên cầu là mái che cầu phong li tô, lợp ngói. 

Cây cầu mang kiến trúc độc đáo của khu vực Bắc Bộ và được xây theo kiểu Thượng Gia Hạ Kiều (tức trên là nhà, dưới là cầu). 

Cầu ngói Phát Diệm khá tiết chế trong trang trí kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Hầu như trên bộ vì kèo cầu không có đồ án chạm khắc trang trí nào, chỉ có các đường gờ chỉ soi nhỏ, đơn giản mà chắc khỏe. Phần bờ nóc, bờ guột ở phía đầu cầu cũng chỉ được soi chỉ, trang trí bằng các đường triện đơn giản. Các đấu trụ trên bờ nóc tạo dáng má chai theo phong cách thời Nguyễn đầu thế kỷ XX. 

Từ xa, cây cầu nhìn cong cong như một chiếc cầu vồng, uốn mình qua dòng sông Ân nối nhịp cho đôi bờ thêm gần nhau hơn. Dưới cầu, sóng nước lấp lánh, những hàng cây ven sông như nghiêng mình soi bóng xuống dòng Ân Giang, dọc hai bên bờ, vài người buông cần câu cá, thư thái đợi chờ và ngắm nhìn thị trấn nhỏ, khung cảnh đẹp tựa bức tranh ấy thân thương, gần gũi và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân Kim Sơn. Cầu còn là nơi dừng chân nghỉ mát lúc người dân đi làm đồng về; nơi hội họp, vui chơi của con trẻ, nơi tìm về của những người con xa quê. 

Hầu như trên bộ vì kèo cầu không có đồ án chạm khắc trang trí nào, chỉ có các đường gờ chỉ soi nhỏ, đơn giản mà chắc khỏe. 

Với giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cao, cầu ngói Phát Diệm đã từng được chọn làm hình ảnh để in trên tem bưu chính viễn thông của Việt Nam, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của người dân nơi đây. 

Ngọc Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét