Cô dâu phải rời nhà từ lúc 2h sáng và sẽ tới nhà chú rể lúc 3h, khi cả bản làng vẫn chìm trong giấc ngủ.
Mẫu Sơn tập trung gần 80 đỉnh núi, đồi lớn nhỏ, trải dài từ xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đến xã Công Sơn, Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc. Dân tộc Dao Lù Gang ở Mẫu Sơn giữ gìn văn hóa Dao thuần túy, từ cách ăn, nếp ở, trang phục cho tới phong tục thờ cúng và lễ hội, bao gồm nghi lễ đám cưới truyền thống.
Trong ảnh là cô dâu Dương Hoa, kế bên là hai phụ dâu ăn bữa cơm lúc 11 giờ đêm trước khi về nhà chú rể Hoàng Dàu Hương, cả cô dâu và chú rể đều ở xã Công Sơn. Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng, sống và làm việc tại TP Lạng Sơn, thực hiện. Anh thường được bạn bè gọi là Tùng “Dao” bởi ghi dấu ấn qua các tác phẩm, câu chuyện qua ảnh về chân dung, trang phục và nếp sống truyền thống của dân tộc Dao.
Trong ảnh là cô dâu Dương Hoa, kế bên là hai phụ dâu ăn bữa cơm lúc 11 giờ đêm trước khi về nhà chú rể Hoàng Dàu Hương, cả cô dâu và chú rể đều ở xã Công Sơn. Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng, sống và làm việc tại TP Lạng Sơn, thực hiện. Anh thường được bạn bè gọi là Tùng “Dao” bởi ghi dấu ấn qua các tác phẩm, câu chuyện qua ảnh về chân dung, trang phục và nếp sống truyền thống của dân tộc Dao.
Cô dâu người Dao Lù Gang trong trang phục rực rỡ sắc màu.
Mẫu Sơn có 3 dân tộc cùng sinh sống, Dao, Tày, Nùng, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 95% dân số. Các giai đoạn trong nghi lễ đám cưới người Dao độc đáo, nhiều sắc màu và có nét riêng. Nếu như đám cưới người Dao Lù Gang ở Bắc Sơn diễn ra ban ngày thì đám cưới người Dao Lù Gang ở Mẫu Sơn diễn ra ban đêm. Sau khi hoàn tất các thủ tục bên nhà gái, đoàn nhà gái đi bằng xe máy đến nhà trai.
Người Dao Lù Gang ở Mẫu Sơn quan niệm mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu khi ông mặt trời còn chưa thức dậy. Giờ cô dâu khởi hành, bước ra khỏi nhà và bước vào nhà chồng nằm trong những nghi lễ quan trọng và giờ giấc phụ thuộc vào thầy cúng.
Cô dâu Dương Hoa phải rời nhà từ lúc 2 giờ sáng và sẽ vào nhà chú rể lúc 3 giờ sáng, khi cả bản làng đang chìm trong giấc ngủ.
Ngoài của hồi môn, cô dâu Dao Lù Gang chuẩn bị 2 bộ trang phục. Một bộ lúc rời nhà bố mẹ đẻ và một bộ thay trước khi bước vào nhà trai. Trang phục của cô dâu gồm khăn che mặt, áo dài nhiều lớp và đeo 4 thắt lưng. Tất cả thêu chỉ màu rực rỡ.
Đoàn nhà gái dừng lại dọc đường – cách nhà trai khoảng 300 m, các mế (mẹ), người thân đoàn nhà gái phụ giúp thay đồ mới cho cô dâu. Lúc này, cô dâu đeo thêm vòng cổ, vòng tay và trang sức.
Đến giờ đẹp, đoàn đưa dâu đến trước cổng nhà trai. Mọi hoạt động của cô dâu lúc này phụ thuộc vào phụ dâu bên cạnh, phụ dâu trước và sau sẽ che ô còn cô dâu phủ khăn đi giữa.
“Gần tới nơi, ánh sáng phát ra trong nhà chú rể tạo không khí ấm cúng giữa vùng cao Mẫu Sơn có mây mù và màn đêm tĩnh mịch”, anh Tùng chia sẻ cảm xúc trong quá trình thực hiện bộ ảnh.
Phần lễ đón dâu được tổ chức long trọng nhất, có đội trống kèn và đông đảo họ hàng hai bên chứng kiến. Họ hàng nhà trai đứng hai bên, đón đoàn nhà gái cùng hai người thổi kèn Pí Lè cho đến khi mọi người vào hết trong nhà.
Sau đó là lễ tơ hồng – nghi thức quan trọng nhất của đám cưới. Chú rể bước ra, đến bàn thờ tổ tiên trên đó sắp xếp 12 đôi đũa, 12 bát và 12 chén rượu.
Phần lễ đón dâu được tổ chức long trọng nhất, có đội trống kèn và đông đảo họ hàng hai bên chứng kiến. Họ hàng nhà trai đứng hai bên, đón đoàn nhà gái cùng hai người thổi kèn Pí Lè cho đến khi mọi người vào hết trong nhà.
Sau đó là lễ tơ hồng – nghi thức quan trọng nhất của đám cưới. Chú rể bước ra, đến bàn thờ tổ tiên trên đó sắp xếp 12 đôi đũa, 12 bát và 12 chén rượu.
Chú rể cùng cô dâu bước vào chiếu hoa thực hiện lễ vái, gồm vái gia tiên, thầy cúng, bố mẹ, anh em họ hàng nhà trai và đoàn đưa dâu họ nhà gái.
Theo phong tục của người Dao Lù Gang, chú rể không được nhìn mặt cô dâu mà phải chờ cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ lạy tạ tổ tiên, lúc đó cô dâu mới hạ khăn che mặt. Tập tục này nhằm tránh nhiều điều xấu.
Thầy cúng thực hiện các nghi lễ xong, người thân hai nhà mang nhiều rượu ra, đong thành chén để trên một cái sàng gạo và thực hiện lễ uống rượu nhập tổ, tạ ơn bà con họ hàng đến giúp đám cưới. Mỗi người được mời một chén rượu kèm theo miếng gan lợn luộc. Ai cũng phải uống hết để chúc mừng hạnh phúc cho chú rể, cô dâu và gia đình.
Kết thúc nghi lễ tơ hồng, gia đình chú rể dọn cỗ cưới được chuẩn bị khá chu đáo và thịnh soạn để mời khách. Tiếp đó, thầy kèn thổi lên khúc nhạc mừng cô dâu cho đến hết đám cưới, lúc 4 giờ sáng.
Núi rừng Mẫu Sơn lúc này không còn ngủ yên, sự tĩnh lặng vốn có đã bị đánh thức bởi đám cưới giàu bản sắc, truyền thống văn hóa. Đám cưới cũng là lúc người già có dịp nhìn lại tuổi xuân tràn đầy sức sống. Trước đây, đám cưới người Dao với nhiều nghi thức có thể kéo dài ba ngày, ba đêm. Ngày nay, đám cưới được thu gọn chỉ tổ chức trong một ngày.
Huỳnh Phương - Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét