Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi ghi dấu lịch sử báo chí dân tộc

Tọa lạc trong khuôn viên tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội), bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc, đời sống xã hội nói chung. 

Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam và đã chính thức khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên và đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020. 

Hiện nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được trên 20.000 hiện vật, tài liệu. Trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo và quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Nội dung trưng bày bao gồm năm phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975 và Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.

Khu vực bên ngoài được trưng bày những bức tranh kính khổ lớn, thể hiện các giai đoạn của báo chí Việt Nam.


Hướng dẫn viên của Bảo tàng giới thiệu cho khách tham quan.

Khu trưng bày những dấu mốc đầu tiên của báo chí Việt Nam từ 1865 – 1925.

Không gian trưng bày các hiện vật của báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954.

Một góc khu vực trưng bày báo chí thời kỳ giải phóng.

Du khách đang xem niên biểu hành trình làm báo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

Chiếc loa đại, công suất 500W ở bờ bắc sông Bến Hải, vỹ tuyến 17 như một điểm nhấn, thu hút sự tìm hiểu của du khách.

Tái hiện lại một thời làm báo dưới hầm, 12 số báo Nhân dân đã ra đời trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Giới thiệu cho du khách về báo Thanh Niên, tờ báo Cách mạng đầu tiên.

Một góc khu trưng bày những ấn phẩm báo chí cổ của Thông tấn xã Việt Nam.

Các quy trình in, tráng ảnh trong buồng tối của Báo ảnh Việt Nam được tái hiện tại bảo tàng.

Đông đảo du khách đều tỏ ra rất tò mò và thích thú khi tham quan các quy trình in, tráng ảnh trong buồng tối của Báo ảnh Việt Nam.

Khách tham quan và những người yêu thích báo chí rất quan tâm đến những hiện vật ý nghĩa được trưng bày ở đây.

Các không gian trưng bày được thiết kế hợp lý, du khách có thể dễ dàng tham quan và tìm hiểu. 

Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500m2 và được trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay… thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh, truyền hình, số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng.

Bảo tàng sử dụng nhiều công nghệ thông minh như hệ thống màn hình tra cứu số hóa trải dài tại không gian trưng bày, có phòng tra cứu cho người muốn tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam có những hiện vật rất ấn tượng, như ở những trang đầu của lịch sử báo chí Việt Nam, các tờ báo như Gia Định báo, Nam Phong, Đông Pháp thời báo… Chúng ta cũng được đọc truyền đơn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cổ động mua báo Việt Nam Hồn, ngày 15.5.1923 tại Paris, Pháp. Trên đó có mẫu tờ khai “Tôi tên là… Ở số nhà… Tỉnh… Gửi lại 12 quan để mua báo Việt Nam Hồn 6 tháng”.

Ở tủ trưng bày về báo chí Trường Sơn, bên cạnh tờ báo ra đời thời kỳ đó, còn có chiếc ba lô và chiếc võng thủng của một nhà báo nằm ngủ và bị đạn bắn. Tờ báo có tên Trường Sơn, số 145 ra ngày 20.6.1972 có hình vẽ những đoàn người ra chiến trường.

Buồng tối của Báo ảnh Việt Nam cũng được tái dựng ở gian trưng bày về ảnh báo chí. Những bức ảnh thời chiến, những phóng viên ảnh chiến trường cũng được giới thiệu tại đây. Trong bảo tàng, có cả góc dành cho những tác phẩm ảnh báo chí nói về chiến tranh Việt Nam đã đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá.

“Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn so với các bảo tàng khác nên công tác sưu tầm, khai thác tư liệu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng thể hiện những hình ảnh chân thực nhất, đặc biệt đối với kỉ vật của các nhà báo. Chúng tôi đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ và những kỷ vật hiến tặng của các nhà báo lão thành”, nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết.

Báo Thanh Niên, xuất bản tháng 10/1926.

Báo Tiếng dân, xuất bản tháng 9/1937.

Báo Việt Nam Độc lập số 103, tháng 8/1941.

Máy in Typo, sản xuất năm 1966, được dùng để in truyền đơn, tài liệu và in báo Việt Nam Độc lập, tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Máy đánh chữ của nhà báo Giang Nam, tạp chí Văn Nghệ, sử dụng từ năm 1945.

Máy ảnh được nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, Hội Văn nghệ Việt Nam sử dụng trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Micro T-32 thường sử dụng trong phát thanh những năm 1940.

Máy in Typo dùng để in tài liệu trong kháng chiến chống Pháp.

Hình ảnh Việt Nam (nay là Báo ảnh Việt Nam) ra số đầu tiên vào ngày 15-10-1954, tức chỉ 5 ngày sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng.
Đây là tờ báo thông tin đối ngoại chính thức bằng hình ảnh của Việt Nam.

Bộ thiết bị phát sóng của đài phát sóng CK2 phục vụ chiến trường miền Nam từ 1965 – 1975.

Bộ máy thu phát tin của Thông tấn xã Giải Phóng sử dụng tại chiến trường miền Nam trong những năm chống Mỹ.

Thẻ tác nghiệp báo chí và hộ chiếu ngoại giao của các nhà báo lão thành.

Tái hiện buổi phát sóng truyền hình đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của truyền hình miền Bắc. 

Bài và ảnh: Thanh Giang – Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét