Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ, chị kia mất chồng..
Núi Đá Bia là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh, thuộc dãy núi Đèo Cả, thuộc tỉnh Phú Yên (giáp ranh Phú Yên - Khánh Hòa). Trên đường từ Nha Trang ra hướng Bắc theo quốc lộ 1, khi đến biển Đại Lãnh bạn nhìn xa xa sẽ thấy ngọn núi. Điều đặc biệt là trên đỉnh núi có một tảng đá khổng lồ, cao 80 met, từ rất xa có thể nhìn thấy - do đó có tên gọi là Đá Bia.
Núi Đá Bia nhìn từ phía Nam
Tương truyền rằng xưa kia đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Năm 1471, sau chiến thắng Đồ Bàn, vua Lê Thánh Tôn tiến quân đến đây và cho khắc lên đá, phân biệt lãnh thổ Việt - Chiêm. Từ đó núi có tên là Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia).
Xưa hơn nữa, người dân Chiêm Thành coi đây là một ngọn núi thiêng. Trong các bia ký cổ của người Chăm, núi có tên là Lingaparvata, có nghĩa là vị đại sơn thần Linga, vì hình dạng khối đá y chang như một linga khổng lồ (linga là cái gì thì khỏi giải thích nha - nếu hiểu theo nghĩa này thì khi linga bị mây phủ chị kia mất chồng nghe có vẻ... có lý!)
Khối đá giống như... linga!
Thời Pháp thuộc, người Pháp gọi núi là Le Doigt de Dieu (nghĩa là Ngón tay của Chúa) vì theo các nhà hàng hải người Pháp, từ ngoài biển trông vào, hòn đá trên đỉnh giống hình ngón tay chỉ lên trời. Đó là căn cứ cho tàu chạy dọc biển, trước khi có hải đăng Mũi Điện do Varella xây dựng năm 1890.
Vậy Đá Bia là... đá bia, là ngón tay của Chúa, mà cũng là linga. Bạn thích tên nào nhất? Tui thì thích nhất là tên...(mà thôi, hổng nói ra các bạn cũng đã biết rồi!).
Đèo Cả nhìn từ núi Đá Bia
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét