Trong một bài viết tiêu đề Chết cười với ảnh vui và lạ trên đường du lịch trên trang mạng afamily.vn có một bức ảnh và lời chú thích như sau:
Tên đường phố ở Pleiku (Gia Lai).
Thú thật là xem xong tôi cũng cười, vì tên đường gì mà... buồn cười quá. Cộc lốc, khó đọc và có vẻ như sai chính tả nữa!
Tôi đã đến Pleiku và đi trên đường Wừu, một con đường có khá nhiều quán cafe. Và điều quan trọng là đã trả lời câu hỏi: Wừu là gì? Wừu là ai mà lại được dùng tên để đặt tên đường?
Câu trả lời: Wừu là một anh hùng, một liệt sĩ của núi rừng Tây nguyên - và câu chuyện về ông khiến cho chúng ta phải nghiêng mình kính phục và xúc động không nguôi. Vâng, không đáng cười chút nào, cười là bất kính!
Wừu (1905-1952), còn gọi là Bok Wừu hay Anh hùng Wừu, là một liệt sĩ Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân người dân tộc Bana. Cùng với Đinh Núp, ông được xem là một trong những biểu tượng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên tham gia Kháng chiến chống Pháp.
Ông là người dân tộc Bana, sinh năm 1905, tại làng Đeđoa, tòa hành chính Kontum, tỉnh Pleiku Der (nay thuộc xã Đăk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai).
Năm 1939, ông đã là một trong những người đầu tiên tham gia phong trào “Đất nước đứng lên” chống bắt phu bắt lính ở địa phương. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia xây dựng chính quyền mới. Tháng 6 năm 1946, Pháp đánh chiếm Kon Tum, chính quyền Việt Minh do tập trung việc chống Pháp ở khu vực đồng bằng nên ông chủ động, bí mật làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong 2 năm. Tháng 3 năm 1949, đội tuyên truyền vũ trang về địa phương, ông bắt liên lạc được với đội và tiếp tục hoạt động trong tổ chức.
Trong những năm sau đó, khi người Pháp bắt đầu thiết lập được phần lớn quyền kiểm soát ở Tây Nguyên, ông vẫn tiếp tục vận động nhiều gia đình dân tộc tiếp tế cho đội vũ trang, cũng như tổ chức một số trận phục kích tiêu diệt các toán quân nhỏ của người Pháp. Ông 2 lần bị quân Pháp bắt được nhưng đều trốn thoát và tiếp tục hoạt động.
Tháng 8 năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và được cử làm Chủ tịch xã, tham gia xây dựng lực lượng dân quân du kích ở địa phương, giữ chức Xã đội trưởng. Tháng 4 năm 1952, ông bị bắt lần thứ 3, bị tra tấn cắt 2 tai, chặt 10 ngón tay, rồi xẻo mũi, tuy nhiên ông vẫn không khai mà còn lập mưu lừa quân Pháp vào các cạm bẫy, gây thương vong cho lính Pháp. Không khai thác được ông, lính Pháp đã khoét đôi mắt, bắn chết rồi vứt xác ông xuống sông.
(Tóm tắt từ Wikipedia)
Vậy cho nên cười với tên đường Wừu là bất kính rồi.
Có một điều khiến tôi phải thắc mắc: Cùng thời với anh hùng Wừu là một người ta rất quen tên, đó là anh hùng Núp cũng ở Pleiku. Pleiku cũng có con đường mang tên ông, nhưng đó là đường Anh hùng Núp chứ không phải là đường Núp (đặt tên đường Núp dễ nghĩ tới mấy anh công an đứng núp bắn tốc độ và thổi phạt!). Vậy tại sao không đặt tên đường là đường Anh hùng Wừu (thay vì chỉ là 3 chữ cái khó đọc WỪU) nhỉ?
Có một điều khiến tôi phải thắc mắc: Cùng thời với anh hùng Wừu là một người ta rất quen tên, đó là anh hùng Núp cũng ở Pleiku. Pleiku cũng có con đường mang tên ông, nhưng đó là đường Anh hùng Núp chứ không phải là đường Núp (đặt tên đường Núp dễ nghĩ tới mấy anh công an đứng núp bắn tốc độ và thổi phạt!). Vậy tại sao không đặt tên đường là đường Anh hùng Wừu (thay vì chỉ là 3 chữ cái khó đọc WỪU) nhỉ?
Pleiku có một ngôi trường mang tên ông, đó là trường Tiểu học - Trung học CS Anh hùng Wừu. Vâng, 3 chữ Anh hùng Wừu chứ không phải cộc lốc: Wừu!. Thế nhưng tên đường thì vẫn là Wừu!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét