Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Hoan Châu - Tiền đồn của Đại Việt

Dưới thời Lý - Trần, Hoan Châu/Nghệ An, từ một miền biên viễn xa xôi, đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ và mở mang bờ cõi đất nước. Giai đoạn này (khoảng 400 năm) cũng đánh dấu những phát triển hưng thịnh về kinh tế, văn hóa của Nghệ An lúc bấy giờ. 

ĐỊA DANH VÀ ĐỊA GIỚI

Thời Lý (1009- 1225), Lý Thái Tổ chia nước thành 24 lộ, phủ, huyện và cuối cùng là hương, giáp. Nghệ An, Thanh Hóa gọi là Trại. Năm Canh Tuất 1010, Hoan Châu và Diễn Châu được xưng là lộ. Năm 1025, Lý Thái Tổ lập trại Đinh Phiên gồm đất từ Nam giới đến Hoành Sơn. Theo một số tư liệu, năm Canh Ngọ (1030), Lý Thái Tổ đổi Hoan Châu thành châu Nghệ An. Năm Tân Tỵ (1101), Lý Nhân Tông lại nâng châu Nghệ An thành phủ Nghệ An. Lúc này Diễn Châu vẫn là một đơn vị hành chính độc lập với Nghệ An. 


Đời Trần (1225 - 1400), Nghệ - Tĩnh ngày nay vẫn bao gồm 2 phủ Nghệ An, Diễn Châu và trại Định Phiên. Năm Tân Mão (1231), đổi trại Định Phiên thành châu Nhật Nam. Năm Bính Thìn (1256), lại đổi Nghệ An thành trại. Năm Giáp Dần (1374) đổi Diễn Châu làm lộ. Năm Ất Mão (1375) “đổi Hoan châu làm lộ Nhật Nam và các lộ Nghệ An Nam, Bắc, Trung; Đổi Diễn Châu làm lộ Diễn Châu”; Ít lâu sau, theo Đại Nam nhất thống chí, lại đổi thành trấn. Năm Đinh Sửu (1397), đổi trấn Nghệ An làm trấn Lâm An và phủ Diễn Châu thành trấn Vọng Giang. Sau đó, Hồ Quý Ly đổi phủ Diễn Châu thành phủ Linh Nguyên.

SỨC SỐNG MIỀN BIÊN VIỄN

Tiếp tục sự nghiệp nhà Tiền Lê, thời Lý - Trần với nhiều chính sách tiến bộ, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Hoan - Diễn/Nghệ An đã có sự chuyển biến, phát triển.

Về chính trị, thời Lý, triều đình đã với tới tận làng, xã (hương và giáp). Thời Trần, triều đình từng bước xây dựng, củng cố bộ máy hành chính thành một hệ thống vững chắc. Lộ, phủ có chức phán phủ, huyện có chức chuyển vận sứ, xã tùy to nhỏ mà có chức đại tư đồ, tiểu tư mã, xã chính, xã giám, xã sử. Vì là vùng trọng yếu nên các triều đình thường cử các hoàng thân hoặc những người tài giỏi về cai quản như, nhà Lý cử Lý Nhật Quang vào thu thuế rồi làm tri châu Nghệ An…

Về kinh tế, thời Lý - Trần đáng nói nhất là công cuộc khai phá đất đai, mở rộng vùng cư trú. Cùng với công cuộc khẩn hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, đắp đê ngăn lũ là quá trình tụ cư, hình thành nhiều làng xóm mới ở khắp các địa bàn trung du, đồng bằng, ven biển, nhất là ở các vùng trung tâm của các huyện Đỗ Gia (Hương Sơn), Nha Nghi (Nghi Xuân), Phi Lộc (Can lộc), Chi La (Đức Thọ), Thổ Du (Thanh Chương), Diễn Châu… Một số làng lớn trù phú, đông đúc dân cư xuất hiện như: Ngọc Sơn (Đức Thuận - thị xã Hồng Lĩnh), Trảo Nha (Đại Lộc - Can Lộc), Tả Ao (Xuân Giang - Nghi Xuân), Phật Kệ (Đà Sơn – Đô Lương), Cao Xá (Diễn Châu), Trại Đầu (Ân Phú - Vũ Quang)... 

Vùng "cửa ngõ" phía Bắc của Nghệ An ngày nay. Ảnh: Hồ Long 

Giai đoạn này, thủy lợi được chú trọng xây dựng. Một số sông, kênh ngòi được khai thông, nạo vét, nhiều đoạn đê được đắp mới. Nhờ đó không những giao thông đường thủy thuận lợi mà nông nghiệp cũng phát triển.

Thủ công nghiệp thời kỳ này cũng có bước chuyển tiến bộ. Nghề luyện kim và rèn sắt ở Nho Lâm (Diễn Châu) phát triển, một số làng nghề mới xuất hiện như rèn ở Trung Lương, Vân Chàng (thị xã Hồng Lĩnh); đúc đồng ở Diễn Châu, Thạch Hà…; làm muối ở Nghi Lộc, Thạch Hà; Nghề trồng dâu nuôi, tằm phổ biến nhiều nơi ở Nam Đàn, Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn… với rất nhiều sản phẩm nổi tiếng. Nhiều nghề mới xuất hiện theo dòng di cư từ Bắc Bộ vào.

Giao thương buôn bán thời kỳ này cũng gia tăng. Chợ mọc lên nhiều và có nhiều chợ to nổi tiếng như chợ Sa Nam (Nam Đàn), chợ Lường (Đô Lương), chợ Tràng (Hưng Nguyên), chợ Phù Lưu, Trường Lưu (Can Lộc), Hà Hoàng (Thạch Hà)... Các cửa biển như Cửa Hội, Cửa Cờn (Nghệ An), Cửa Sót (Hà Tĩnh)… có nhiều tàu bè trong và ngoài nước vào buôn bán.

Về văn hóa, theo các thư tịch cổ thì từ thời Lý, Phật giáo đã thâm nhập khá sâu vào vùng này. Nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đã được xây dựng. Thời Trần tiếp tục cho lập nhiều công trình tôn giáo như chùa Hương Tích, Diên Quang, đền Cờn… Cùng đó, Nho giáo phát triển nhanh, bắt đầu hình thành tầng lớp nho sĩ. Năm Bính Thìn (1256), Bạch Liêu (Nguyên Xá – Yên Thành) đỗ đầu Trại Trạng Nguyên. Năm Ất Mão (1275), Đào Tiêu (Chi La – Đức Thọ) đỗ đầu khoa thi Tiến sĩ; Kế tiếp đó là Hồ Tông Thốc, Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy, Nguyễn Biểu… Lúc này cũng xuất hiện những tài năng văn học như thám hoa Đặng Bá Tĩnh…

TIỀN ĐỒN CỦA ĐẠI VIỆT

Thời Lý – Trần, Nghệ An là biên viễn của quốc gia Đại Việt, thường xuyên phải đối phó với Chiêm Thành, lúc này đang là một quốc gia hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Nghệ An là nơi bổ sung, cung quân cấp nhân tài, vật lực cho các cuộc tranh chấp, chiến tranh của triều đình với Chiêm Thành. Trên đất Hoan – Diễn/ Nghệ An, thời Lý, có khoảng 10 cuộc Đại Việt đụng độ, chiến tranh với Chiêm Thành. Xứ Nghệ trở thành tiền tuyến chống sự tiến công của Chiêm Thành, là bàn đạp phản công và mở mang bờ cõi của triều đình.

Các năm Nhâm Tý (1252), Tân Hợi (1311) các Vua Trần tự làm tướng sang đánh Chiêm Thành. Trong gần 30 năm cuối đời Trần, khi quân đội Đại Việt không còn hùng mạnh như trước, Đại Việt và Chiêm Thành giao tranh tất cả 13 lần, trong đó Chiêm Thành 4 lần tiến quân cướp phá Thăng Long. Hầu hết các cuộc giao tranh này đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Nghệ An và Diễn Châu, tiêu hao rất nhiều sức người, sức của của vùng đất này.

Cũng vào đời nhà Trần, quân Ai Lao thường sang quấy phá cướp bóc ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa. Các Vua Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông nhiều phen thân chinh đi dẹp giặc. 

Quang cảnh Cầu Cấm (Nghi Lộc). Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải 

CÙNG CẢ NƯỚC ĐÁNH GIẶC NGUYÊN MÔNG

Hoan - Diễn trong thời Trần còn gắn liền với các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của dân tộc. Trực tiếp và đáng kể nhất là trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (năm 1285). Lần đó, quân Nguyên Mông đã cho Toa Đô đưa thủy quân đánh chiếm Chiêm Thành từ trước (1282) để tạo gọng kìm từ phía Nam đối với Đại Việt.

Đánh giá đúng vị trí trọng yếu của Nghệ An – Diễn Châu, từ sau cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1258), nhà Trần đã cử nhiều tướng lĩnh vào trấn giữ, xây dựng lực lượng ở vùng đất này.

Đầu năm Ất Dậu (1285), quân Nguyên ồ ạt tấn công Đại Việt từ 2 phía: Thoát Hoan từ phía Bắc đánh xuống, Toa Đô từ đất Chiêm đánh lên. Để đối phó, nhà Trần cử Trần Nhật Duật vào trấn giữ Nghệ An. Ngày 28 tháng Giêng năm 1285, lại cử thêm Trần Quang Khải vào tăng viện. Từ cuối tháng Giêng 1285, Toa Đô tấn công Nghệ An. Lúc này viện binh của Trần Quang Khải chưa vào kịp nhưng quân dân Nghệ An, Diễn Châu dưới sự chỉ huy của Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, đã anh dũng chống trả. Trước thế giặc rất mạnh, Trần Kiện đầu hàng, Trần Quang Khải không chống được, mặt trận Nghệ An bị vỡ. Bị vỡ, nhưng mặt trận Nghệ An đã tiêu hao sinh lực và kìm được thế tiến quân của địch, tạo điều kiện cho quân Đại Việt phá thế bao vây và phản công thắng lợi.

Trong chiến thắng này, và trong cả 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần đều có công rất lớn của Nghệ An, Diễn Châu. Hoàng Tá Thốn, Lê Thạch, Hà Anh là những người trong rất nhiều người Hoan Diễn tiêu biểu góp vào chiến tích đó. Trần Nhân Tông đã từng có thơ rằng: “Cối Kê cựu sự quân tu ký/Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”.(Chuyện cũ Cối Kê ngươi nên nhớ/Hoan Diễn còn kia chục vạn quân).

Nguyên Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét