Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Hoàng Ân cổ tự

Trên con đường nhỏ ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), nếu chú ý bạn sẽ thấy một cổng chùa đơn sơ, mộc mạc như thế này:


Đi sâu vào con hẽm nhỏ, ngôi chùa hiện ra, cũng rất bình dị:


Như niên đại trên chùa cho thấy, chùa được xây dựng năm 1726, đã gần ba trăm năm.

Ngôi Hoàng Ân cổ tự này gắn với một truyền tích như sau:


Ngôi chùa làng Hoàng Ân nhỏ bé xưa có vị sư già sớm khuya kinh kệ cầu phước cho dân làng. Một hôm, trời nhá nhem tối, vị sư già cùng đệ tử đang tụng kinh thì có một đôi vợ chồng từ xa đến xin trú qua đêm. Hai người kể sự tình vì không có con cháu và ý nguyện phát tâm nên xin ở lại chùa làm công quả cho đến khi chết.

Ba năm trôi qua, đôi vợ chồng cho nhà sư biết cả hai đều bị bệnh phong (cùi). Không muốn cho những người xung quanh dị nghị, xa lánh, nhà sư bèn làm một cái chòi nhỏ cạnh chùa cho hai vợ chồng ra đó tá túc. Bệnh tình của hai người khởi phát và càng nặng thêm, họ không làm gì được nên ẩn ở chòi trông chờ vào thức bố thí của chùa hằng ngày. Hằng ngày, đích thân nhà sư đem cơm cho vợ chồng kia.

Ngày kia, trong làng có tang, nhà sư phải đi cúng. Trưa hôm đó, người đệ tử đem cơm đến. Nhìn thấy hai vợ chồng phong cùi ghẻ lỡ, người đệ tử tỏ vẻ gớm ghiếc, xem thường. Cơm được đưa qua một cái lỗ nhỏ bằng cành cây. Thấy vậy, đôi vợ chồng kia tủi thân, hai người cố lết ra cái giếng gần đó và gieo mình cùng chết. Khi tẩm liệm, thấy xác của người chồng thiếu một ngón chân, người vợ thiếu một ngón tay. Nhà sư bèn ra giếng và nhặt được, đem vào rửa sạch sẽ, phơi khô và cất giữ trong một cái hũ để thờ trong chùa.

Hai mươi năm sau, người đệ tử xưa trở thành vị sư trụ trì kế tiếp đón một đôi thanh nam nữ tú đến viếng chùa. Họ xin bái kiến Phật và Tổ sư. Đứng nhìn họ lạy Phật, sư trụ trì thấy bàn chân người thanh niên thiếu một ngón chân, thiếu nữ thiếu một ngón tay. Nhớ lời Tổ dặn, ông bèn đem cái hũ đưa cho đôi thanh niên và nói: “Tôi làm theo lời Tổ dặn, thí chủ hãy nhận cái hũ này”. Đôi thanh niên nam nữ ngạc nhiên nhận lấy hũ. Họ mở ra và thấy trong đó có một ngón chân và một ngón tay. Họ đem gắn vào bàn chân, bàn tay thiêu ngón của mình thì vừa vặn, da thịt kéo liền lại nguyên vẹn.

Đêm ấy, họ xin ở lại chùa. Họ cùng sư trụ trì nói chuyện. Khi kể về gốc tích của nhau, sư trụ trì mới biết họ chính là công chúa và hoàng tử của một vương quốc xa đến viếng. Nhà sư thầm nghĩ có thể họ là hậu thân của đôi đôi vợ chồng bị bệnh phong xưa kia từng trú náu nơi nhà chùa.

Câu chuyện cứ thế được truyền tụng trong dân gian như bài học về lòng từ bi hỉ xả của Phật và cách đối ứng tâm thành của con người.

(Bạn có thể xem thêm tại bài này: Di tích chùa Hoàng Ân ở Cù lao Phố và chuyện tích liên quan)

Bạn hãy bước tới, vào cổng chùa để chiêm ngưỡng không gian yên ắng và mặt tiền trang nghiêm của ngôi cổ tự này:


Chuyện kể ngày xưa được lưu dấu ở đây:



Tượng Phật Di Lặc bên cây cổ thụ thật to và cao ngút trời xanh




Quan Âm đài


Đóa sen trong chùa


Có một chi tiết mà các tài liệu, sách báo của tỉnh Đồng Nai không nói tới là: Khoảng 5 năm nay chùa Hoàng Ân còn được người dân gọi là chùa Xá Lợi.

Sở dĩ gọi như vậy là vì sư cô trụ trì chùa Huệ Tâm do cơ duyên đã thỉnh về chùa được rất nhiều Xá Lợi Phật. Phật tử từ nhiều nơi đã về đây để xin chiêm bái.

Ảnh tháp thờ Ngọc Xá Lợi trong chùa



Sư cô Huệ Tâm, trụ trì chùa Hoàng Ân


Bạn có thể xem thêm bài viết của sư cô Huệ Tâm kể về cơ duyên cung thỉnh được Xá Lợi Phật tại đây: https://docs.google.com/document/d/1fhkJiRmrorKfQLPrOMjdARhEZJTQs6RFwNghB3co07k/edit?hl=en


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét