Từ thị trấn Kim Tân đi xã Thành Mỹ (Thạch Thành) đến trung tâm di tích Mường Đòn ước chừng 26km. Hoặc đi bằng đường thủy, từ Hàm Rồng ngược sông Mã lên ngã Ba Bông vào sông Bưởi, rồi ngược sông Bưởi đến Mường Đòn cũng rất thuận tiện.
Đình Mường Đòn, xã Thành Mỹ (Thạch Thành) mới được trùng tu, tôn tạo.
Mường Đòn (hay còn gọi là Vân Đội) là làng có truyền thống lâu đời thuộc xã Thành Mỹ. Mường Đòn có 4 thôn: Vân Phong, Vân Phú, Vân Đình, Vân Tiến. Di tích đình Mường Đòn được xây dựng từ thời Hậu Lê, là nơi thờ tự Thành Hoàng làng của Mường Đòn là ông Vũ Duy Dương, người đã có công đánh giặc, tập hợp dân Mường tụ họp nghĩa binh chống lại quân Mạc, giúp dân giữ đất, giữ Mường. Và em gái ông là bà Vũ Thị Cao đã có công giúp Mường khai hoang trồng cấy, tỉa lúa, ngô. Sau khi hai người mất, nhân dân tôn là phúc thần – Thành Hoàng làng và được phối thờ tại đình Mường Đòn. Nhà Lê đã sắc phong cho ông Vũ Duy Dương là “Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần” và bà Vũ Thị Cao là Thổ Nương thành hoàng. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông Vũ Duy Dương và bà Vũ Thị Cao, hằng năm nhân dân lấy ngày 18 tháng giêng âm lịch là ngày tổ chức Lễ hội Mường Đòn.
Ngay từ sáng sớm, các gia đình trong làng đã chuẩn bị các mâm cỗ, gồm có: Xôi nếp nương, mâm ngũ quả, rượu gạo..., đặc biệt trong mâm cỗ bắt buộc phải có một con cá chép hấp hoặc rán. Kiệu cùng với các mâm cỗ và lễ vật được rước ra tập trung ở sân đình. Phần lễ được tổ chức trang trọng, với các nghi thức tế lễ do những người có chức sắc và cao tuổi trong làng đảm nhiệm. Sau đó là phần biểu diễn các nhạc cụ dân tộc như cồng, chiêng, múa lân. Xong phần lễ, dân làng nô nức tham gia vào phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Hát đúm, hát xường, hát giao duyên... và tham gia sôi nổi các trò chơi dân gian và thể thao như: Kéo co, đánh mảng, đấu vật, ném còn, bóng chuyền... Lễ hội cứ thế kéo dài đến hết đêm và bế mạc vào sáng ngày hôm sau bằng lệ phá cỗ. Mọi người tham gia lễ hội cùng nhau ăn cỗ vui vẻ và cầu chúc cho một năm đất trời yên ả, mùa màng tốt tươi, lúa ngô đầy đồng, dân làng no đủ.
Nói về đình Mường Đòn, có thể khẳng định đây là ngôi đền cổ biểu trưng cho nét văn hóa đặc sắc của người Mường Thạch Thành. Bởi, đình không chỉ là nơi lưu giữ các tư liệu và sinh hoạt văn hóa Mường qua bao thế hệ, mà còn bảo lưu vốn văn hóa cổ và phát huy nền văn hóa dân tộc về truyền thống yêu nước và lao động sáng tạo mang đậm đà bản sắc dân tộc. Đình được xây dựng trên một gò đồi đất cao, mặt chính hướng Nam. Khu trung tâm của đình gồm ngôi chính tẩm 3 gian và ngôi tiền đường 5 gian. Phía trước mặt đình khá thoáng đãng, rộng rãi nhằm phục vụ cho các hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân. Ngoài khu trung tâm, còn hai ngôi đền ở hai bên: Đền thờ Ông ở phía Tây Bắc và đền thờ Bà ở phía Tây Nam. Phía trước đình là một cánh đồng, tiếp đến là sông Bưởi. Ngày nay, phía trước (hướng Nam) là khu dân cư, có đường giao thông chạy qua. Phía sau (hướng Bắc) dựa vào núi đồi tạo thế vững chắc. Bên tả có dãy núi đá vôi, bên hữu có sông Bưởi uốn lượn, người xưa gọi đó là thế tay ngai: “Tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ”, tạo nên một thế phong thủy hài hòa.
Đình có kiến trúc theo kiểu chồng rường kẻ chuyền và chồng rường kẻ bảy. Trên các vì cột, kèo của đình được chạm trổ điêu khắc tinh vi, hoa văn trau chuốt, đường nét uyển chuyển, như: Hoa, lá, chim, thú... theo kiểu “tứ linh”, “tứ quý”, đối xứng nhau. Đình là di tích kiến trúc gỗ có giá trị nghệ thuật còn lưu giữ nhiều sắc phong qúy cũng như các đồ thờ có giá trị lịch sử, nghệ thuật lâu đời. Đình cũng là nơi bảo lưu các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Mường trong các ngày lễ hội, như: Diễn tuồng ca ngợi các danh nhân, nhân vật lịch sử, đặc biệt mô tả cảnh tập trận, trận đánh của thần Bạch Mã Linh Lang, cách gieo trồng, cấy hái của dân Mường... Với những giá trị và ý nghĩa như vậy, đình Mường Đòn đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2012.
Bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành, cho biết: Sau khi được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt, UBND huyện Thạch Thành đã ban hành các quyết định, văn bản tổ chức thực hiện công trình tu bổ, tôn tạo đình Mường Đòn. Trong những năm qua, bằng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ đã thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích đình Mường Đòn, bao gồm các hạng mục: Trùng tu, tôn tạo nhà tiền tế (đình chính), nhà hậu cung; xây dựng sân, đường nội bộ, kè chắn đất, đường vào di tích... Đến nay, Ban quản lý xây dựng công trình trùng tu, tôn tạo đình Mường Đòn, xã Thành Mỹ đã tham mưu cho UBND huyện Thạch Thành cấp kinh phí đối ứng, đồng thời chỉ đạo UBND xã Thành Mỹ, Ban Quản lý Di tích đình Mường Đòn tổ chức kêu gọi xã hội hóa, huy động các nguồn công đức, vận động các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm cùng đóng góp, ủng hộ tiền và vật chất (gỗ) để tôn tạo nhà tiền tế. Đến hết tháng 9-2019, hạng mục nhà tiền tế thuộc công trình trùng tu, tôn tạo đình Mường Đòn đã hoàn thành theo đúng tiến độ và dự kiến sẽ tổ chức nghiệm thu, bàn giao và tổ chức khánh thành công trình trong quý IV năm 2019, nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.
Bài và ảnh: Ngọc Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét