Với địa hình đa dạng từ sông nước hữu tình đến đồng lúa mênh mông hay núi non huyền bí, vùng đất Thoại Sơn từ lâu đã là một trong những điểm đến hấp dẫn. Ngoài những danh lam thắng cảnh như lòng hồ ông Thoại, Linh Sơn Tự, tượng Phật bốn tay, bàn chân Tiên, đại thanh đao huyền bí trên núi Ba Thê, du khách đến Thoại Sơn cũng không thể quên một di tích lịch sử rất quan trọng, đó là đình Thoại Ngọc Hầu.
Đình Thoại Ngọc Hầu
Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829, tên thật là Nguyễn Văn Thoại) là tướng lĩnh thân cận của chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long triều Nguyễn). Ông được người dân Nam bộ rất mực tôn kính vì có công lớn trong việc lập làng lập ấp, giữ yên và phát triển vùng đất Nam Bộ, đặc biệt ở Thoại Sơn. Là một trong những nơi lưu dấu của danh thần Thoại Ngọc Hầu trong quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ, đình thần Thoại Ngọc Hầu ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang gắn với bia Thoại Sơn trải qua thời gian vẫn giữ nguyên nét cổ xưa, huyền bí.
Đình gắn liền với danh thần Thoại Ngọc Hầu
Theo lời kể của các cao niên, thuở xưa, vùng đất Thoại Sơn vẫn còn là nơi hoang địa, mịt mù cây rừng, cỏ dại, đất đai khai khẩn chưa được bao nhiêu, người dân sinh sống thưa thớt, các lạch nước tuy có sẵn tự bao giờ nhưng rất nhỏ hẹp, bùn đọng, cỏ, cây giăng lắp. Trước đây, sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi sự đi lại của ghe tàu từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sang Rạch Giá, Hà Tiên và ngược lại phải dùng đường biển vòng xuống Cà Mau rất bất tiện.
Năm 1817, khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên – Rạch Giá. Sau khi được vua Gia Long chấp thuận, đầu mùa xuân năm 1818, ông chỉ huy 1.500 dân binh khởi công đào kênh. Kênh đào theo lạch nước cũ nên thuận lợi dễ dàng, trải qua 1 tháng đã hoàn thành công trình. Con kênh rộng 20 tầm (51,2m), dài 12.410 tầm (31,744km), nghiễm nhiên trở thành 1 con sông to, ghe thuyền tấp nập.
Kênh Đông Xuyên-Rạch Giá là kênh đào sớm nhất ở miền Nam, rất quan trọng cho việc giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của vùng đất Thoại Sơn như ngày nay. Công trình đào kênh hoàn tất, Thoại Ngọc Hầu vẽ bản đồ và báo cáo với triều đình Huế được vua Gia Long khen ngợi, ra lệnh lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt cho tên sông là Thoại Hà. Lại thấy trên bờ đông của sông Thoại Hà có một trái núi gọi là núi Sập, liền cho cải tên là Thoại Sơn. Năm 1822, Thoại Ngọc Hầu đã long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Vậy là, địa danh Thoại Sơn ra đời.
Đình Thoại Ngọc Hầu với bia đá Thoại Sơn, cây dầu hàng trăm năm tuổi là một trong những công trình kiến trúc cổ xưa thu hút bao du khách tham quan, đây được xem là điểm du lịch An Giang vô cùng ý nghĩa đã được liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam tặng bảng vàng, bình chọn nằm trong “Top 100” điểm đến ấn tượng Việt Nam.
Mặt tiền chánh điện
Đình có kiến trúc theo lối các đình chùa ở Nam Bộ cải biên theo kiểu nhà “trính” đôi với nhiều cột tròn rất to bằng danh mộc, thường bằng gỗ căm xe hay gõ sừng, lâu ngày lên nước đen bóng như thoa mỡ. Mái đình lợp ngói âm dương, theo thời gian rêu phong bám đầy trông cổ kính, thâm nghiêm…
Mái đình lợp ngói âm dương cổ kính
Chính diện tiền đình là một bức bình phong lớn có đắp phù điêu kỳ lân trên lưng mang “linh kiếm bát quái đồ”. Trước bình phong là một lư đỉnh bằng đá núi Sập có từ lúc mới lập đình cách nay gần hai thế kỷ.
Đình có kiến trúc theo lối các đình chùa ở Nam Bộ cải biên
Vào bên trong chánh điện, ta sẽ gặp tượng Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đặt dưới chân bia Thoại Sơn. Bia được phủ vải đỏ viền quanh và đặt trên bệ thờ rất trang trọng. Tổng thể bia là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đầu bia chạm 2 chữ “Thoại Sơn”, mặt bia gồm 629 chữ Hán được chạm, khắc tinh xảo, đẹp mắt. Về nội dung bia là một áng văn chương sắc sảo. Bia Thoại Sơn là 1 trong 3 công trình di tích lịch sử loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới triều đại phong kiến còn lưu lại cho đến ngày nay được nhiều người truyền tụng. Văn bia là một áng văn hay, tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật, và còn là một di tích lịch sử. Vì những giá trị đó, Bia Thoại Sơn được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 993/VH.QĐ ngày 28-9-1990.
Bia Thoại Sơn ở bên trong đình
Nếu du khách không hiểu về chữ Hán thì sau khi tham quan tấm bia bên trong đình có thể ra trước đình để xem tấm bia đá khắc chữ Việt được dịch từ bia chữ Hán. Đây chính là điểm đáng được đề cao của ngôi đình.
Tấm bia bằng tiếng Việt
Đến với đình thần Thoại Ngọc Hầu, nhiều người không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cây dầu đứng sừng sững trong khuôn viên, xung quanh là những rễ to sần sùi bao quanh gốc. Theo những lớn tuổi ở khu vực đình thần, cây dầu này là chứng nhân của lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Thoại Sơn. Thời chiến, nhiều người đã chạy đến gốc cây dầu cạnh đình để trú ngụ nhằm tránh lạc đạn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cây dầu vừa là vọng gác quan sát địch vừa là nơi cung cấp dầu cho sinh hoạt của lực lượng kháng chiến ở địa phương.
Lễ hội Kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu
Thoại Sơn hôm nay có nhiều thay đổi, từ thị tứ đến làng quê sum vầy, cuộc sống ấm no, tất cả nhờ công đức của các bậc tiền nhân, trong đó có công rất lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Hàng năm, vào ngày mùng 10,11,12 tháng 3 (âm lịch), dòng người từ khắp mọi nơi về núi Sập để tham dự lễ hội Kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện Thoại Sơn. Lễ hội là dịp để mọi người tưởng nhớ công lao to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu trong việc khẩn hoang, khai phá vùng đất Thoại Sơn, An Giang nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung.
Tìm về núi Sập, thăm Thoại Sơn cổ tự sẽ giúp du khách hiểu thêm về một nhân vật lịch sử nổi tiếng cùng với công trình thủy lợi có tầm vóc “thế kỷ” thời ấy, mà lịch sử và bia ký còn ghi lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét