Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Làng cá bè Tân Mai

 


Ở Đồng Nai có 2 làng cá bè nổi tiếng: làng cá bè Tân Mai và làng cá bè La Ngà. Nếu làng cá bè La Ngà ở trên sông La Ngà tận huyện Định Quán thì làng cá bè Tân Mai ở ngay thành phố Biên Hòa.

Theo thống kê, có khoảng 600 bè cá của hàng trăm hộ dân dọc theo sông Đồng Nai thuộc 3 phường Tân Mai, Tam Hiệp, Thống Nhất (chứ không phải chỉ 1 phường Tân Mai!).

Tết vừa rồi, dịp 23 tháng Chạp, làng cá bè Tân Mai đã bán được 60 tấn cá, chù yếu là... cá chép (đố biết để làm gì?), tương đương khoảng 2 tỷ đồng.

Những ngày Tết, dân làng bè còn bán được gấp 10 lần số đó.

Tiếc thay, đó chỉ là những niềm vui thoáng qua... Chỉ vừa sau Tết, dân làng bè đã kêu cứu vì cá chết hàng loạt.Ngày 21-2, theo xác nhận của Hội Nông dân phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, số lượng cá chết trên sông Cái từ ngày 13-2 đến nay đã hơn 62 tấn. Tình trạng cá chết liên tục khiến người dân nuôi cá bè trên sông Cái khu vực TP Biên Hòa đang lâm vào cảnh nợ nần. 

Nguyên nhân cá chết được xác định là do nước bẩn, nhưng vì sao nước bẩn thì... chưa biết. Đoạn sông này nằm ngay các khu công nghiệp, nên ô nhiễm do chất thải công nghiệp là đương nhiên, nhưng... chất thải của công ty nào thì không biết!!!
 


Bài viết sau đây đăng trên báo Đồng Nai năm 2008:
 

Bềnh bồng... làng cá bè Tân Mai!

Suốt gần hai mươi năm sống "bềnh bồng" trên sông Đồng Nai, đến nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nuôi cá bè Tân Mai (TP. Biên Hòa) vẫn... "bồng bềnh", bấp bênh như sóng nước! nguồn nước sông ô nhiễm, cá nuôi bè... chết, mất vốn...! đến khi thu hoạch, đụng chợ, cá rớt giá,...lỗ lã, họ vẫn "cắn răng" chịu đựng...
...

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai?

Thật ra, làng cá bè Tân Mai đã phát triển khá mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện đang có trên 600 bè cá của hàng trăm hộ dân, tập trung dọc hai bên bờ sông thuộc các phường: Tân Mai, Tam Hiệp và Thống Nhất... Người dân làng bè nuôi phổ biến là các giống cá chép, diêu hồng, một số hộ đang nuôi thử nghiệm cá lăn nha, cá chình và cá cảnh... Sản lượng cá khai thác của làng cá bè này mỗi năm 2 vụ, khoảng 12 ngàn tấn cá, thu khoảng 24 tỉ đồng! Thế nhưng, theo anh Hùng, "cư dân" của làng cá bè hơn 13 năm qua thì: "Nhu cầu tiêu thụ cá rất mạnh, nhưng giá thường không ổn định. Giá cá chép mối lái thu mua tại thời điểm này là 28.000đ/kg, tính ra chúng tôi chỉ đủ trang trải chi phí và dư ra chút ít tiền cho sinh hoạt gia đình! So với thời điểm trước đây, lúc giá cá chép 17.000-18.000 đồng/kg thì lại có lời hơn". Được biết, do giá thức ăn thủy sản tăng liên tục, chi phí đầu tư và giá cá bột cũng tăng. Thêm vào đó, tỉ lệ hao hụt cá nuôi khá cao. Cá chết do dịch bệnh và nguồn nước ô nhiễm luôn xảy ra quanh khu vực làng bè. Chị Hoa, một hộ nuôi cá chỉ vào bè cá đang nuôi than phiền: "Tôi nuôi 1.000 con cá chép bột, mới được 3 tuần nay, cá bị chết hơn... một nửa, do bị thúi mang và lở vây!". Tình trạng cá chết hàng loạt, nguồn nước bị ô nhiễm thường xuyên đã không còn là sự rủi ro mà đang là "vấn nạn"luôn ám ảnh cho làng cá bè. Ông Sĩ, một hộ nuôi cá bè lâu năm tại đây nhận xét: "Thật ra, hiện nay nuôi cá bè chúng tôi không sợ đầu ra. Sợ nhất là các nguyên nhân dẫn đến cá chết! Có những trường hợp chúng tôi không thể ngờ, mới ngủ qua một đêm, sáng ra thấy cá chết nổi trắng bè! Nhiều hộ nuôi cá bè rơi nước mắt, lỗ vốn, dẫn đến nợ nần, sạt nghiệp". Vợ chồng anh Hùng, quê tỉnh Sóc Trăng, sống bằng nghề nuôi cá trên 12 năm tại đây, ngao ngán kể: "Nuôi cá bè riết đâm sợ, lúc nào cũng lo phập phồng, cá... muốn chết lúc nào thì chết. Tụi tui không tài nào đối phó, ngăn chặn được. Như mùa gần tết này, nước sông Đồng Nai trong xanh, cá nuôi bè ít khi nhiễm bệnh. Vậy mà, chẳng hiểu sao cá bị bệnh "thúi mang", ghẻ lở đầy mình!". Anh có báo cáo sự việc cho chính quyền địa phương hay ngành thủy sản ? Chúng tôi hỏi. "Những năm trước thì có. Sau này thì... thôi, vì... có "báo" cũng chẳng giúp được gì. Đã quen sống với nghề... lênh đênh rồi, nếu bỏ nghề gia đình tôi phải sống thế nào đây! Làm một cái bè cá tốn từ 12-15 triệu đồng. Giờ muốn sang lại cho người khác chừng vài triệu vậy mà không ai mua. Mấy năm trước tôi nuôi 3 bè cá chép và diêu hồng, nuôi riết thâm vốn, giờ giảm còn 2 bè". 


Làng cá bè... "tự bơi"

Thật ra, hoạt động sản xuất và phát triển của làng cá bè Tân Mai mang tính tự cung, tự tiêu và tự phát. Nguồn cá tiêu thụ thường lệ thuộc và bị chi phối từ các mối lái trong và ngoài tỉnh. Cá xuất bè nếu không "đụng hàng" cá bè từ các tỉnh miền Tây thì mối lái thu mua được giá. Trái lại, lượng cá xuất dồi dào thì họ tìm cách ép giá. Nếu giữ cá lại chờ thời điểm thuận lợi thì có khi bị lỗ, do giá thức ăn thủy sản... leo thang từng ngày! Thêm vào đó, hoạt động sản xuất tập trung và khá quy mô như thế, nhưng hàng trăm hộ nuôi cá bè Tân Mai gần như "mù" thông tin về nhu cầu tiêu thụ, giá trị thương phẩm của từng giống cá. Vấn đề này dẫn đến tình trạng... họ phải "tự bơi, tự chòi đạp" để tồn tại, đôi khi tự phá giá lẫn nhau. Rốt cuộc các đầu mối thu mua hưởng lợi. Thậm chí cùng làng bè, trong cách hành xử liên quan đến quyền lợi, vẫn có nhiều trường hợp o ép, thiên vị. Chị T. H. than phiền:"Lần cá bè chết hàng loạt mới đây, số tiền "hỗ trợ" thật ra chẳng thấm vào đâu so với những mất mác, thiệt hại của các hộ nuôi cá bè. Vậy mà hộ tôi không được bồi thường!? Hỏi ra, mới biết do tôi không phải là... hội viên Hội Nông dân của phường!". Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, từ lúc xảy ra sự cố nghiêm trọng đó, tới nay nguồn nước quanh làng cá bè Tân Mai vẫn trong tình trạng ô nhiễm, cá nuôi bè vẫn thường nhiễm bệnh và các ngành chức năng cũng thi thoảng mới đến làng bè tìm hiểu nguyên nhân! Một cán bộ ngành thủy sản Đồng Nai nhận định: "Ngoài nước thải các khu công nghiệp, nhà máy, nước thải sinh hoạt đổ ra sông Đồng Nai, việc nuôi cá bè mật độ quá dày đặc cũng là nguyên nhân dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm".


Lối thoát nào cho làng bè ?

Hiện nay, để tự tìm lối thoát, nhiều hộ nuôi cá bè Tân Mai đã nuôi thêm cá kiểng (cảnh) trong bè. Các giống cá kiểng hiện nuôi phổ biến là cá chép Nhật, cá ba đuôi (cá Tàu), cá Koi... Anh Sĩ, ngụ phường Tân Mai, là người chuyên cung cấp cá kiểng bột cho các hộ cá bè Tân Mai, khẳng định: "Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá kiểng rất phong phú, đa dạng và khá ổn định. Nhiều hộ, nhờ nuôi thêm cá kiểng, dưới hình thức "lấy ngắn nuôi dài" đã trang trải được phần nào chi phí cho việc đầu tư nuôi cá thịt. Thậm chí, có hộ còn có thêm thu nhập". Tuy vậy, không phải ai cũng nuôi cá kiểng bè thành công! Như trường hợp chị Liễu, thấy nhiều hộ nuôi thêm cá kiểng có lãi, chị đã "tung vốn" ra mua 6.000 con cá chép Nhật nuôi bè. Hậu quả, sau 3 tuần, cá chết chỉ còn vài trăm con! Chị bị lỗ trên 200 triệu đồng! Giải thích về thiệt hại của chị Liễu, anh L., một hộ có nhiều kinh nghiệm "xương máu" trong nghề nuôi cá kiểng cho rằng:"Cá kiểng nuôi bè cần thoáng, mật độ mỏng, nhất là phải am hiểu kỹ thuật nuôi, tập quán sinh sống của từng giống cá. Từ lúc nuôi đến khi khai thác, thường từ 2-3 tháng, nếu tỉ lệ hao hụt dưới 60% là thành công, có lãi!".

Thật vậy, khác với các giống cá thịt, nuôi cá kiểng tiêu tốn thức ăn ít, thời gian thu hoạch ngắn và người nuôi muốn "xuất bè" lúc nào thì tùy ý, hình dáng, màu sắc, kích cỡ càng to, đẹp, càng cao giá. Anh sĩ cho biết thêm: "Nếu quyết chọn việc nuôi cá kiểng bè là chính, trong một bè nuôi vài trăm con cá Koi, thời gian 1 năm, chỉ cần nuôi cho... sống được 10 con là thu nhập trên 100 triệu đồng. Một con cá Koi dài khoảng 4 tấc, xuất sang thị trường Mỹ, giá từ 800-1000 USD. Nếu là cá chép Nhật, cá đuôi phụng giá còn cao hơn". Giá trị kinh tế của cá kiểng quả là hấp dẫn. Do vậy, ngày càng có nhiều hộ ở làng cá bè Tân Mai nuôi thêm nhiều giống cá kiểng... tự phát và đã có không ít "kẻ khóc, người cười" vì cá kiểng! 

Có thể nói, làng cá bè Tân Mai là nét đặc thù của TP. Biên Hòa, không chỉ về mặt kinh tế, đời sống xã hội mà còn liên quan đến môi trường sinh thái, tiềm năng du lịch. Do vậy, việc qui hoạch, định hướng cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại đây là rất cần thiết. Ông Tạ Trung Quảng, Trưởng phòng kinh tế TP Biên Hòa cho biết: "TP Biên Hòa đã có dự án qui hoạch và phát triển bền vững làng cá bè Tân Mai. Theo dự kiến, sẽ sàn lọc và giữ lại các hộ nuôi cá bè đủ điều kiện theo tiêu chí đề ra vừa tạo cảnh quan phục vụ nghành du lịch vừa đảm bảo môi trường sinh thái. Các hộ nào không đủ điều kiện, thành phố sẽ tạo điều kiện chuyển nghề. Hiện thành phố sắp tiến hành lắp đặt pa-nô bản đồ chi tiết qui hoạch tổng thể làng bè Tân Mai và cù lao Ba Xê, phường Long Bình Tân. Dự án này sẽ thực hiện từng giai đoạn sau khi có sự phê duyệt của các ngành hữu quan và ý kiến đóng góp của quần chúng". 

Có thể mai đây cuộc sống hàng trăm hộ nuôi cá bè Tân Mai sẽ bớt "bềnh bồng, bấp bênh" qua việc qui hoạch tổng thể làng bè theo chiều hướng tích cực và bền vững của TP Biên Hòa. Nhưng bên cạnh đó, thiết nghĩ việc thành lập Hiệp hội hoặc Hội làng bè nơi đây cũng là điều cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi và tạo điều kiện giúp nhau phát triển sản xuất ngày một tốt hơn.

(Theo báo Đồng Nai)


________
Làng cá bè Tân Mai là một nét độc đáo của thành phố Biên Hòa, tạo nên một cảnh quan du lịch sinh thái hấp dẫn, đặc biệt là cho các tour du lịch dọc sông Đồng Nai.



Ngoài ra, nếu bạn quen với một chủ bè, chiều chiều tụ họp trên bè cá, trôi bồng bềnh trên sông nhâm nhi gỏi cá và... ca vọng cổ, bạn sẽ ngỡ là mình đang lênh đênh trên sông nước miền Tây chứ không phải đang ở giữa một thành phố công nghiệp như Biên Hòa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét