Đình Phụng Luật được người dân địa phương xây dựng trên vùng đất cao ráo ở trung tâm làng Phụng Luật, xã Hợp Thành để thờ thành hoàng làng là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ. Đình được khởi dựng năm 1837, đến năm 1883 thì được tôn tạo lại với quy mô đồ sộ, gồm 5 gian, 2 hồi.
Đình Phụng Luật là công trình kiến trúc cổ, có quy mô bề thế, còn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc gỗ thời Nguyễn. Kiến trúc chạm khắc trên gỗ được thể hiện qua 6 bộ vì được thiết kế theo kiểu ván mê và giá chiêng kẻ chuyền.
Trên các kết cấu gỗ như xà, cốn, ván nong, kẻ, bẩy, đuôi nghé cho đến các con rường, con đấu… nhiều đề tài như: “hổ phù”, “lưỡng long triều nguyệt”, “long mã”, “phượng hàm thư”, “độc long”,… được các nghệ nhân xưa chạm khắc rất tinh xảo, tạo nên đường nét uyển chuyển, mềm mại tinh tế như thổi hồn vào các linh vật.
Tại các ‘‘cốn mê’’, được chạm hình long mã trong tư thế chạy xô trên sóng nước, phần đầu đã biến thành đầu rồng, đuôi chim phượng, thân và chân của ngựa, trên thân còn có vảy của cá chép. Nghệ nhân xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong kênh làm nổi rõ từng chi tiết tạo dáng cho long mã trông rất dũng mãnh.
Đặc biệt, mỗi vì ván mê là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Vì ván mê bên trái đình được chạm trổ đề tài ‘‘phượng hàm thọ’’, 'lưỡng long triều nguyệt " sống động uyển chuyển. Hình tượng ‘‘Phượng hàm thọ’’ được các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật chạm nổi để tạo dáng chim phượng như đang tung cánh lấy đà bay lên với hai cánh xòe rộng, đuôi cong vút lên cao, miệng ngẩng lên ngậm chữ Thọ.
Ván mê bên phải đình có cấu tạo phức tạp hơn, có nhiều cấu kiện. Xen lẫn giữa các kết cấu gỗ là hình ảnh hoa lá cách điệu, "mặt hổ phù" , "lưỡng long triều nguyệt"... Mặt hổ phù trên đỉnh nóc được chạm bong kênh làm nổi bật từng chi tiết như: mũi hếch, mắt lồi, trán dô, bờm dựng ngược, răng nhọn, miệng ngậm chữ thọ, râu rồng vuốt ngược sang hai bên, chân khuỳnh ra bám chặt hai bên với các móng vuốt sắc nhọn trông rất dữ tợn.
Đình Phụng Luật là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc ở cả kiến trúc gỗ và kiến trúc vôi vữa. Trên mái đình, các nghệ nhân đắp nổi hình các con vật vừa làm giảm sự thô nặng của mái đình, đồng thời thông qua đó thể hiện ước vọng cầu mùa, cầu sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp. Chính giữa mái đình là hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”, hai đầu bờ nóc là hình tượng hai con lân và đầu đao cong vút.
Đặc biệt hai đầu đốc, phía trên mái ngói và phía ngoài bờ tường đều được trang trí công phu với hình ảnh hoa lá, “mặt hổ phù" sinh động và sắc nét. Trải qua gần 200 trăm năm tồn tại, đình Phụng Luật đã trở thành biểu tượng linh thiêng, niềm tự hào của người dân làng Phụng Luật. Đình đã được công nhận là di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh.
Huy Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét