Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Ngắm hoàng hôn từ tháp cao Điều Ngự

Huế có 4 ngôi chùa là quốc tự, 3 ngôi chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Giác Hoàng ở kinh thành, riêng Túy Vân mãi tận Tư Hiền. Năm 1648, chúa Nguyễn Phúc Tần qua vùng đầm Cầu Hai, thấy phong cảnh hữu tình, bèn cho lập một cái am nhỏ làm nơi cầu phúc. Chúa Nguyễn Phúc Chu sau đó nâng cấp thành chùa. Năm 1825, vua Minh Mạng cho dựng lại chùa và hơn 10 năm sau hoàn chỉnh, gồm một chùa (Thánh Duyên), một gác (Đại Từ) và một tháp (Điều Ngự). 

Vọng cảnh Tư Hiền, Cầu Hai từ tháp Điều Ngự là trải nghiệm không nên bỏ qua khi đến Huế. Ảnh: NGUYỄN PHONG 

Bốn mươi năm trước học phổ thông, tôi có thằng bạn ở Vinh Hiền. Hè về cả bọn rủ nhau về Tư Hiền thăm bạn, tắm biển và ngắm cảnh Túy Vân. Buổi sáng, bọn tôi đi xe đò về Đá Bạc, đợi có khi hơn cả tiếng đồng hồ, rồi đi đò lớn vượt đầm Cầu Hai. Khoảng tầm giữa trưa thì cập bến Vinh Hiền. Buổi chiều ra biển tắm hay lên Túy Vân. Sáng hôm sau ngủ dậy sớm, dạo chợ buổi sáng và đi cho kịp chuyến đò đầu tiên sang Đá Bạc. Hành trình là vậy, có khi chỉ một ngày đêm, nhưng có lúc kéo dài đến vài hôm. Lần ấy vào hè 1983, bạn tôi dẫn 2 cô gái Hà Thành vào thăm quê. Tôi được chọn tháp tùng. Hai cô bạn gái mới quen lần đầu tiên vượt đầm, thấy lạ thấy thích, nên cứ bi bô hỏi chuyện. Tội nghiệp, mấy em ở Hà Nội đâu hiểu đầm phá quê ta mênh mang nhường nào. 

Lên Túy Vân vào chiều tà, chúng tôi đã trèo 38 bậc cấp để viếng chùa, rồi tiến đến Đại Từ Các và dừng bước thật lâu nơi tháp Điều Ngự, tọa lạc trên đỉnh Túy Vân. Tháp là khối tứ giác có 3 tầng, cao khoảng 13 mét. Rằng, xưa trên đỉnh tháp có dựng trụ đồng đặt pháp luân chuyển động theo gió, kèm theo hệ thống chuông lắc. Khi gió thổi pháp luân xoay, âm thanh của tiếng chuông sẽ vang vọng gần xa. 

Từ tháp Điều Ngự trên cao nhìn xuống là một màu xanh bạt ngàn của rừng dừa và cánh đồng xanh ôm lấy những làng quê, chiều dần buông nhà ai đó thấp thoáng khói lam chiều. Cũng từ đây, nhìn ra là toàn cảnh đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, cửa biển Tư Hiền và xa xa là Bạch Mã sơn. Mặt nước Tam Giang - Cầu Hai rộng mênh mông như tấm gương phản chiếu ánh mặt trời đỏ rực. Còn dãy Bạch Mã Sơn, ẩn hiện như một bức tranh thủy mặc làm nao lòng bao lữ khách. Chợt nhớ 2 câu thơ nao lòng của hoàng đế Minh Mạng trong bài “Lên tháp Điều Ngự”: Tứ diện hà quan lâm đại địa/Tam tằng cao súc lập trung thiên (tạm dịch: Bốn bề trông rộng mênh mông đất/Ba bậc vươn cao bát ngát trời). 

Tương truyền, thời vua Minh Mạng dựng lại chùa cho xây thêm bên trái điện thờ một tăng xá và nhà bếp đặt tên là Thúy Hoa Tự nên núi được gọi là Thúy Hoa. Chùa sau đó được đổi tên thành Thánh Duyên, còn núi vẫn giữ lại tên cũ cho đến thời vua Thiệu Trị, vì kiêng tên húy của Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa, nhà vua đã lệnh đổi tên núi thành Thúy Vân. Thúy Vân sơn kết hợp với thúy ba (sóng biếc) của vùng đầm Cầu Hai – Tư Hiền hình thành nên cảnh đẹp được vua Thiệu Trị xếp hàng thứ 9 đất Thần Kinh. 

Lại có chuyện kể, có người say rượu chếnh choáng đi qua đây, thấy mây vờn đỉnh núi lại ngỡ là … mây say, nên mới gọi núi là Túy Vân. Không tin hay thử một lần leo lên tháp Điều Ngự để cảm nhận cảnh mây xanh nước biếc hay mây vờn đỉnh núi trong cái nhìn của bậc quân vương hay là đơn giản là mây say của kẻ say rượu... Còn nữa, con đường đến với Túy Vân, để rồi leo núi lên tháp Điều Ngự vọng cảnh Từ Hiền và Cầu Hai nay không còn cách đò trở giang mà đã hanh thông khi cầu Tư Hiền, Trường Hà được bắc qua phá Tam Giang và QL 49 đã được nâng cấp. Thế nhưng, tôi vẫn ước ao cách đò trở giang, được một lần trở lại chuyến đò năm nào vượt đầm Cầu Hai giữa mênh mông sóng nước. 

Đan Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét