Ngồi bên bếp lửa ở góc nhà sàn, bà Y Chép (56 tuổi) vừa địu đứa cháu ngoại đang ngủ trên lưng vừa chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình. Bà cặm cụi lấy tay vun củi cho ngọn lửa cháy đều. Bên hơi ấm từ bếp lửa, đứa cháu ngoại của bà cũng ngủ ngoan hơn.
Ngôi nhà sàn này đã gắn bó với bà Y Chép cùng các thành viên trong gia đình hơn 26 năm nay. Ngôi nhà nằm giữa khu vườn rộng với nhiều cây xanh xung quanh, được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Gia Rai gồm 3 phần: nhà chồ (phần hiên phía trước) dài 4m, rộng 3m; nhà ngang (7 gian) dài 14m, rộng hơn 4m và nhà nhỏ phía sau dài 4m, rộng 4m.
Ngôi nhà có phần sàn cao hơn mặt đất khoảng 1,5m. Phần khung chính của ngôi nhà được làm từ gỗ cà chít; phần khung cửa được làm bằng gỗ bò ma và những tấm ván sàn được làm từ gỗ pờ lũ. Đây đều là những loại gỗ quý, có ưu điểm nhẹ và chống mối mọt rất tốt, thường được người Gia Rai sử dụng để dựng nhà ở, làm kho lúa và nhà rông cho làng.
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Y Chép được xây dựng hơn 26 năm trước. Ảnh: Đ.T
Cũng giống như những ngôi nhà sàn của các hộ dân khác trong làng Kleng, ngôi nhà sàn của gia đình bà Y Chép có phần tường bằng đất và mái lợp bằng ngói. Theo bà Y Chép, đây là điểm kiến trúc mà người dân trong làng học hỏi từ dân tộc Ba Na anh em cách đây hàng chục năm. Bởi, theo thiết kế nguyên bản nhà ở của người Gia Rai nơi đây, phần tường hay còn gọi là phên vách được đan bằng tre hoặc nứa và phần mái được lợp bằng cỏ tranh hoặc những thân cây lồ ô lớn được đập dập, xếp chồng nhiều lớp lên nhau.
Ngoài cửa chính nằm ở giữa, ngôi nhà sàn của gia đình bà Y Chép còn có 2 cửa phụ nằm ở 2 bên cửa chính, tuy nhiên phần cầu thang dẫn lên 2 cửa phụ này đã bị xuống cấp và được gia đình bà dỡ bỏ.
Bà Y Chép chia sẻ, người Gia Rai có truyền thống sống chung nhiều thế hệ trong 1 ngôi nhà, do vậy các cửa phụ được mở ra nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển từ buồng ngủ ra ngoài sân và ngược lại.
Ngoài 2 cửa phụ này, ngôi nhà sàn của gia đình bà Y Chép còn có 1 cửa phụ khác ở phần nhà nhỏ phía sau. Bà Y Chép tâm sự, dù nằm ở phía sau của ngôi nhà sàn nhưng phần nhà nhỏ này lại có ý nghĩa rất đặc biệt.
Dù nằm ở phía sau của ngôi nhà sàn nhưng phần nhà nhỏ lại có ý nghĩa rất đặc biệt đối với người Gia Rai. Ảnh: Đ.T
Sinh sống trong ngôi nhà sàn truyền thống, bà Y Chép vẫn giữ thói quen sử dụng chày và cối để giã gạo, giã các loại rau, củ để chế biến thức ăn, nấu cơm cho gia đình mỗi ngày. Ngoài ra, bà còn giữ cả khung cửi để dệt thổ cẩm mỗi khi rảnh rỗi.
Cách không xa ngôi nhà của gia đình bà Y Chép là nhà sàn của gia đình anh A Glách. Ngôi nhà này được làm từ năm 1998, cũng được thiết kế theo kiến trúc truyền thống của người Gia Rai. Ngôi nhà có 5 gian (dài 12m, rộng hơn 4m) và phần khung của ngôi nhà được làm bằng gỗ hương và gỗ pờ lũ.
Bà Y Chép vừa địu cháu trên lưng vừa nấu cơm trong gian bếp ngôi nhà sàn của gia đình. Ảnh: Đ.T
Ngồi trên chiếc ghế dài trước hiên nhà, anh A Glách kể về thời gian dựng ngôi nhà sàn của gia đình. Để có đủ vật liệu dựng nhà, anh và người thân phải vào rừng sâu kiếm cây gỗ mang về, sau đó tự tay dùng rìu đẽo từng cây và dựng khung nhà trong suốt 3 tháng liền. Nhờ có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau của người dân trong làng nên ngôi nhà của anh chỉ mất khoảng 1 tuần đã hoàn thành việc lợp mái ngói và trét đất làm tường. Hiện nay, anh A Glách đang sinh sống cùng vợ và 2 người con trong ngôi nhà sàn của mình. Ngôi nhà sàn được tô thêm vẻ đẹp với hàng rào cây chuỗi ngọc và những giò hoa mười giờ treo dưới phần mái nhà phía trước.
Bên cạnh gìn giữ nhà sàn truyền thống của dân tộc mình, anh A Glách còn tích cực trong việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ thanh thiếu niên trong làng. Vừa qua, anh A Glách mới hoàn thành lớp dạy đánh những bài chiêng cho 8 thanh niên trong làng. Theo anh A Glách, ngoài anh ra còn có nhiều người lớn tuổi trong làng cũng tích cực truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, nên hiện nay, làng Kleng có 3 đội cồng chiêng với hơn 45 thành viên.
Ngoài 2 ngôi nhà sàn của anh A Glách và bà Y Chép, làng Kleng hiện nay còn có 10 ngôi nhà sàn truyền thống được dựng bằng gỗ khác. Dù đã bị ảnh hưởng bởi yếu tố tự nhiên nhưng những ngôi nhà sàn ấy vẫn đứng vững, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng cho người Gia Rai nơi đây.
Đức Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét