Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Những “báu vật” về cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều

Đây là những hiện vật đặc sắc nhất nằm trong bộ sưu tập hiện vật, tài liệu quý liên quan đến cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều được Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) dày công sưu tầm trong nhiều năm qua.

Nổi bật trong bộ sưu tập được Ban quản lý (BQL) Khu di tích Nguyễn Du sưu tầm qua các thời kỳ là những hiện vật được sưu tầm vào những năm 1960. Trong ảnh (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới) là: nghiên mài mực bằng gỗ, móc áo bằng gạc nai, bộ bình rượu bằng sứ là những đồ vật cụ Nguyễn Du thường dùng hằng ngày; hương án bằng gỗ khảm sứ trên bàn thờ Đại thi hào sau khi ông qua đời năm 1820.


Bộ đĩa mai hạc gần 30 chiếc có niên đại thế kỷ XIX (sử dụng trong cung đình Triều Nguyễn) được giới chuyên môn đánh giá là hiện vật cực kỳ quý hiếm mang ý nghĩa giá trị văn hóa lịch sử to lớn gắn liền với chuyến đi sứ sang Trung Quốc của Nguyễn Du năm 1813.

Chiếc đĩa mai hạc đề 2 câu thơ bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát: “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ hạc là người quen”. Vào năm 1813, lúc Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc, chủ một xưởng gốm ở Giang Tây (Trung Quốc) ngưỡng mộ Đại thi hào và nhờ ông đề thơ lên đĩa mai hạc. Nguyễn Du đã viết tặng chủ xưởng gốm 2 câu thơ trên. Mặc dù, đĩa mai hạc đã có trước đó rất lâu nhưng chỉ sau khi được Nguyễn Du đề thơ thì nó trở nên nổi tiếng. Sau đó, triều đình nhà Nguyễn đã đặt hàng sản xuất hàng loạt để sử dụng trong cung đình.

2 chiếc đĩa liên quan đến quá trình hoạt động của Nguyễn Du được chủ gốm sứ Giang Tây làm tặng.

Bộ đồ đĩa và ấm bằng gốm, sứ thể hiện tích Truyện Kiều được sưu tầm từ Nhật Bản...

... và từ Trung Quốc.

Bộ sưu tập đồ gốm dân gian thể hiện tích Truyện Kiều có niên đại đầu thế kỷ XX...

... được sưu tầm từ dòng gốm Nam Bộ. Chiếc đĩa có đề 2 câu thơ của Nguyễn Du: Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời có ai khóc Tố Như).

Khu di tích Nguyễn Du đang lưu giữ gần 2.000 hiện vật và tài liệu quý hiếm liên quan đến cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều. Những hiện vật, tư liệu này thể hiện sự lan tỏa sâu sắc giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều trong đời sống Nhân dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung. Đây là kết quả từ sự nỗ lực trong công tác sưu tầm của cán bộ, nhân viên BQL khu di tích, đồng thời là sự đóng góp to lớn của những tập thể và cá nhân trong, ngoài nước hâm mộ Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Thời gian qua, BQL Khu di tích Nguyễn Du cũng sưu tập được nhiều bộ tranh dân gian phong phú về đề tài Truyện Kiều. Trong ảnh: bộ tranh tứ bình chất liệu sơn mài về Truyện Kiều được xem là hiếm gặp trong dòng tranh dân gian, có niên đại thập niên 50 của thế kỷ XX, được sưu tập từ vùng Nam Bộ.

Bức tranh khảm trai trên gỗ có niên đại đầu thế kỷ XX, thể hiện cảnh chị em Thúy Kiều du xuân gặp Kim Trọng được các chuyên gia đánh giá là quý và hiếm, được sưu tập ở vùng Bắc Bộ.

Bộ tứ bình nàng Kiều (cầm, kỳ, thi họa) được thể hiện bằng phương pháp khảm trai trên sơn mài.

Bức tranh bằng chất liệu gốm sứ chủ đề “Kiều ở lầu Ngưng Bích” ra đời khoảng những năm 1950.

Bên cạnh những hiện vật, BQL Khu di tích Nguyễn Du còn sưu tập được nhiều tư liệu quý hiếm liên quan đến cuộc đời, thân thế và sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều. Trong ảnh: Các ấn phẩm liên quan đến Truyện Kiều được xuất bản bằng chữ Nôm, chữ Hán và một số ngôn ngữ khác qua nhiều thời kỳ...

Ông Lê Thanh Hoài (56 tuổi, du khách đến từ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần đến thăm Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, tôi thường dành nhiều thời gian chiêm ngưỡng những hiện vật cổ được sưu tập tại đây. Những hiện vật này giúp tôi cảm nhận được không gian, chiều sâu văn hóa của Truyện Kiều đã lan tỏa tới đời sống của nhiều thế hệ và tầng lớp người dân Việt. Điều đó khiến tôi vô cùng tự hào”.

Xây dựng các bộ sưu tập liên quan đến giữ gìn di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều là một công việc đầy khó khăn. Bởi vì, bên cạnh biến chuyển lịch sử, hiện vật, tư liệu trong dân gian bị thất lạc nhiều thì nguồn kinh phí hạn hẹp là một trở ngại cho chúng tôi.

Tuy nhiên, bằng sự say mê, tâm huyết chúng tôi xác định mỗi cán bộ, nhân viên BQL Khu di tích Nguyễn Du là một nhà sưu tập luôn luôn bật “ăng ten” để kết nối khắp mọi miền nhằm mang về những hiện vật quý góp phần làm rộng, sâu thêm không gian văn hóa phòng trưng bày của khu di tích.
Ông Hồ Bách Khoa - Trưởng BQL Khu di tích Nguyễn Du

Thiên Vỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét