Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Những cô gái lái xe ngựa trên đất cù lao

Một loại hình du lịch độc đáo giữa cù lao trên sông Tiền mênh mông nước của tỉnh Bến Tre là du khách được đi xe ngựa thăm Cù lao xanh. Điều đặc biệt, tài xế xe ngựa toàn là nữ xuất thân từ nghề sông nước.

Vừa điều khiển ngựa vừa "alô"... 500m nữa tới rồi!

Qua một đêm "lên đời" thành lái xe ngựa

Trong lịch trình của một tour du lịch hè miền Tây, chúng tôi đến khu du lịch sinh thái ấp văn hóa Hòa Tây thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Để đến được điểm sinh thái này, mọi người phải đi bằng thuyền máy vượt qua sông Tiền.

Buổi trưa nắng gắt, thật bất ngờ khi khách được đón bằng phương tiện độc đáo là xe ngựa. Những chiếc xe ngựa đã được chờ sẵn, đội hình tài xế thì không thấy một nam nhi nào cả mà toàn là phụ nữ. Trong khi chờ các thành viên đến sau, chúng tôi lân la vào quán nước bên đường của cụ Bảy Tấn để làm quen.

Bên ấm trà quê pha đãi khách, anh bạn tôi hỏi cụ Bảy: "Sao ở đây toàn nữ lái xe ngựa không vậy cụ?". Ông cụ phì cười cho biết: Khi du lịch sinh thái ở cù lao này phát triển, khách Tây, khách Việt nhộn nhịp đến đây. Ấp nghèo giữa cù lao này sau một đêm được lên đời thành ấp văn hóa. Địa phương thì tranh thủ dựng cổng chào, còn bà con thì tận dụng tất cả các thứ vốn có của nhà mình để góp chung làm dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Phong trào nhà nhà làm du lịch bắt đầu. Nhà nào có ao cá thì làm vườn câu cá, nhà nào có cây ăn trái thì làm vườn cây ăn trái. Còn nhà có nuôi ngựa đã nghĩ ra cách thu tiền bằng dùng xe ngựa đón khách từ thuyền đưa đến các vườn cây ăn trái, các điểm câu cá trong cù lao! Ở giữa cù lao này đối với việc nuôi cá, trồng cây thì nhân công không thiếu, nhưng nói đến lĩnh vực chăn ngựa thì thật khó. Quê nghèo, nam nhi đi các nơi làm thuê kiếm sống hết, nhà chỉ còn lại đàn bà, con gái.

Du lịch sinh thái phát triển, kẻ tới người lui tấp nập. Đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch, các lớp đào tạo "lái xe ngựa" cấp tốc cho thôn nữ được hình thành. Các thôn nữ vốn ngày thường chèo xuồng giữa sông nước thì nay được lên nghề lái xe ngựa. "Mà có người nào dạy lái xe ngựa giỏi cho cam, toàn là dân bơi lội hướng dẫn lẫn nhau đó chứ, chỉ làm riết thành quen!", cụ Bảy Tấn kết luận.

Gặp chiếc xe chở tre ngược đường, cô lái ngựa đã nhanh chân nhảy xuống ghì cương ngựa lại.

"Lái" riết thành quen!

Trong lúc chờ đợi các thành viên sang sông, tôi làm quen với một cô "thôn nữ" lái xe ngựa tên Bùi Thị Trang. Trang năm nay 21 tuổi. Trang cho biết nhà ở trong ấp Quới Sơn này. Lúc trước là chèo thuyền đánh bắt cá trên sông. Khi có lớp lái xe ngựa của ấp văn hóa được thành lập thì Trang bỏ nghề đánh cá sang học lái xe ngựa.

Buổi đầu vào học cũng khá vất vả, do đã quen với chèo xuồng trên sông rộng nên khi điều khiển ngựa rất bỡ ngỡ. Các thành viên đi trước hướng hướng dẫn cách thúc ngựa, cách cầm cương dừng ngựa... Còn các chi tiết đón ngựa, đưa ngựa đi ăn thì các chủ vườn lo. Trang cũng cho biết, nhờ con đường ngựa đi quanh cù lao là đường độc đạo, nên hằng ngày điều khiển ngựa đi và về chỉ có vậy, nên đi riết thành quen và ngựa cũng quen đường luôn. Các thành viên đội lái xe ngựa được trả lương vào cuối tháng (khoảng 2 triệu đồng). Số tiền không cao nhưng đối với các thôn nữ quen sống trên sông thì như thế quá lý tưởng.

Gần 11 giờ trưa khi các thành viên của đoàn chúng tôi có mặt đầy đủ thì tất cả được mời lên xe. Mỗi xe khoảng 10 người, tài xế là một cô thôn nữ người "đẫy đà". Người cầm cương xe ngựa của tôi tên là Thu Mưa. Khi khách đã lên đủ, Mưa dùng roi quất vào mông ngựa chiếc xe đầu đàn và đoàn xe ngựa cứ thế theo sau. Con đường độc đạo, đoàn ngựa cứ lao về phía trước, các du khách ngồi trên xe phấn khích la lớn và đoàn ngựa càng phóng nhanh. Mưa phải năn nỉ các anh đừng la lớn ngựa sợ!

Cảm giác đi xe ngựa trên cù lao thật khoái vì ở phố làm gì có được giây phút thoải mái này. Ngựa chạy chắc được hơn cây số, cả lũ đang thao thao bất tuyệt, bỗng người ngồi đầu la lớn, khiến cả xe hồn vía lên mây. Hóa ra, đối diện phía trước con đường độc đạo là một chiếc cầu xi măng nhỏ vừa đủ cho chiếc xe ngựa đi qua, nhưng trên đó đang có một chiếc xe máy chạy ngược chiều mà lại chở một người ngồi sau vác hai cây tre nhọn cứ chăm chăm chạy thẳng về phía xe ngựa.

Xe ngựa vẫn lao vun vút, trong khi hai cây tre cứ chăm chăm hướng về phía xe chúng tôi. Ngồi trên xe, tôi cũng không biết tính sao, nhảy xuống xe thì không dám, còn ngồi im thì nguy hiểm quá, thôi thì đành nhắm mắt cầu may vậy. Tuy nhiên, khi xe ngựa vừa lên cầu, Mưa nhảy phắt xuống xe kéo cương ghìm ngựa lại. Và những chiếc xe sau cũng được dừng nhanh như vậy, trong tích tắc 2 cây tre phóng vút qua xe với khoảng cách rất gần.

Khi chúng tôi mặt mày còn tái mét, Mưa cười bảo: "Đường độc đạo nên tụi em "đụng đầu" hoài quen rồi, chỉ cần ghìm cương ngựa lại là ổn". Trong khi mọi người ngồi trên xe vẫn ngẩn ngơ thì cô lái ngựa đã tỉnh bơ, rút di động "alô" với chủ vườn: "Khoảng 500m nữa là tới rồi!".

Ngựa vào ấp văn hóa

Cù lao sông Tiền là đảo nhỏ nằm giữa bốn bề sông nước của con sông nối liền 4 tỉnh miền tây (Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và Cần Thơ). Trên cù lao sông Tiền có nhiều điểm du lịch vườn sinh thái. Du khách đến tham quan vườn cây trái điển hình của Nam Bộ, thưởng thức món ăn miệt vườn và nghe đờn ca tài tử...

Lê Việt Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét