Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Đồng Tháp có cái tháp

Đồng là cánh đồng, tháp là cái tháp. Vậy Đồng Tháp là cánh đồng có cái (hoặc nhiều cái) tháp.

Nhưng nói cho đầy đủ thì Đồng Tháp là gọi tắt của Đồng Tháp Mười. Vậy Đồng Tháp Mười là cánh đồng có cái Tháp Mười hoặc... mười cái tháp!

Vậy cái Tháp Mười (tháp 10 tầng, hoặc tháp thứ 10, hoặc 10 cái tháp) ở đâu tại Đồng Tháp để mình tới ngắm cho hả dạ đây ta? Bó tay chấm com, chắc phải nhờ thổ địa Đồng Tháp chỉ vậy!

 Rừng tràm Tam Nông - Đồng Tháp

Tại sao gọi là Tháp Mười?

Vấn đề này còn đang trong vòng tranh luận, chưa dứt khoát. Bảo rằng đây là cái tháp canh thứ 10, từ phía bờ sông Tiền đếm trở vào, ông Thiên Hộ Dương bố trí những chòi canh theo kiểu nhà nhỏ, khá cao, nhằm quan sát. Nếu thấy địch, người trên chòi canh làm hiệu lệnh, đánh mõ, hoặc phất cờ, đốt lửa lúc ban đêm để đề phòng.

Lối giải thích này mặc nhiên xác nhận vùng này trước kia không có tên, và mới được đặt tên từ thời Thiên Hộ Dương mà thôi. Nghe vô lý, từ xưa lưu dân đã đến làm ruộng, bắt cá rải rác. Hơn nữa, Thiên Hộ Dương vào Tháp Mười lúc quân Pháp đã chiếm đóng vùng phụ cận như Cai Lậy, Cần Lố rồi Cao Lãnh. Lập chiến khu bí mật mà bố trí tháp canh công khai chẳng khác nào "lạy ông con ở bụi này".

Lại giải thích đây là vị trí của trạm y tế thời Thủy Chân Lạp, nhà vua bấy giờ bị bệnh phong (cùi) nên tổ chức nhièu trạm y tế giúp dân, đây là trạm thứ 10.

Thuyết này nghe xa vời quá, vả lại làm sao thời xưa ở vùng này đông đúc dân cư để tổ chức một trạm?

Tháp Mười nghe qua, ta hình dung một ngọn tháp cổ xưa, thời xưa khi khẩn hoang, đồng bào ta đã gặp di chỉ. Đọc "Đại Nam Nhất Thống Chí" thời Tự Đức không nghe tên này, chẳng thấy mô tả dấu vết xây cất. Phải chăng đây là kiểu tháp nhỏ, không đáng ghi chép? Nay ta đã khai quật khá công phu, gặp nhiều hiện vật bằng đá, tượng Phật bằng cây mù u, đồ gốm không men, nền nhà, chứng tỏ thời xa xưa có lúc gò đất cao này là nơi dân cư trù mật, về sau, trước nạn ngoại xâm, dân bỏ xứ ra đi, không trở lại. Di chỉ còn tìm được cho thấy đây là kiểu văn minh Ấn Độ, dính dấp đến đạo Bà La Môn. Phải chăng đây là ngôi tháp không to như tháp của người Chăm nay còn thấy ở miền Trung, trên nóc có những khía từ to đến nhỏ, sau cùng là chót tháp, mỗi nấc gọi là một tầng?

Toàn bộ phần trích in nghiêng nói trên không phải tui viết, mà là nhà văn Sơn Nam (Danh thắng miền Nam. Sơn Nam, NXB Đồng Tháp 1998, trang 80-82).

 Đồng Tháp Mười (nhưng ở Long An, không phải Đồng Tháp)

Vậy là ở Đồng Tháp không thấy cái tháp, hoặc ít nhất cũng hổng thấy cái Tháp Mười.

Ở Bình Định thì nhiều tháp quá chừng luôn, hay là ta đem tên Đồng Tháp ra đặt cho Bình Định ha?

Các công ty du lịch khi giới thiệu tour đi Đồng Tháp thì đưa ảnh này lên và nói rằng đây chính là Tháp Mười. Tin được hông ta?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét