Ở TP Bắc Giang có tuyến phố mang tên Đàm Thận Huy được đặt từ khi chưa chia tách tỉnh Hà Bắc. Ông là danh nhân lịch sử văn hóa của dân tộc nhưng còn ít người biết đến sự kiện lịch sử ông được vua Lê giao mật chiếu lên vùng Bắc Giang gây dựng căn cứ phòng, chống chống nhà Mạc từ những năm đầu thế kỷ XV.
Đàm Thận Huy người xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, xứ/trấn Kinh Bắc xưa, nay là thôn Ông Mạc (tên Nôm là làng Me), xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), năm 28 tuổi thi đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21(1490).Tam Môn - di tích quốc gia đền thờ Đàm Thận Huy tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh tư liệu.
Năm Hồng Đức thứ 25 (1494) ông được tham gia Hội Tao Đàn, một thi xã mang tính cung đình tập hợp các danh Nho đỗ đạt, giỏi thơ và được xem như các ngôi sao sáng trên thi đàn nước nhà do vua Lê Thánh Tông làm Đô Nguyên soái. Sau làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư, rồi phụng mệnh làm Chánh sứ sang nhà Minh cầu phong cho Lê Tương Dực lên ngôi. Sau khi đi sứ trở về được thăng Lại bộ Thượng thư, Tri chiêu văn quán, Tú lâm cục kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng Hàn Lâm viện, Nhập thị kinh diên, hàm Thiếu bảo.
Ngay từ năm 1522, khi biết được toan tính của Mạc Đăng Dung, vua Lê Chiêu Tông đã được một số đình thần trung tín bày kế lên vùng Thượng xứ Kinh Bắc xây dựng căn cứ chiến lược. Ngày 16 tháng 8 năm ấy, các bề tôi: Đàm Thận Huy, Hà Phi Chuẩn, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí... đã được vua Lê Chiêu Tông cho đem mật chiếu về Yên Thế chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa chống lại Mạc Đăng Dung.
Về vùng Bắc Giang, Đàm Thận Huy cùng những người đồng chí “đốc suất hương binh” khởi nghĩa và ông đã chọn Yên Thế (Tân Yên, Yên Thế ngày nay) làm trung tâm đóng đại bản doanh để thi hành mật chiếu. Đầu thế kỷ XVI, vùng đất này còn hoang sơ nhưng là nơi có địa thế hiểm yếu. Phía Bắc là miền rừng núi tỉnh Thái Nguyên thuộc cánh cung sông Gâm thông lên vùng núi phía Bắc. Phía Đông là vùng rừng núi Cai Kinh hiểm trở (tên gọi xuất hiện sau này) và ngàn Bảo Đài thuộc vùng Lục Ngạn và Lạng Sơn thông với đường thiên sứ đi Bắc quốc...
Miền đất này cũng gần ba con sông lớn, đó là sông Cầu (Nguyệt Đức), sông Thương (Nhật Đức), sông Lục Nam (Minh Đức). Ba con sông này hội tụ ở đoạn Lục Đầu giang (còn gọi là sông Phả Lại). Từ đây, đường sông có thể thông ra biển theo hệ sông Kinh Thầy hay ngược sông Đuống (Thiên Đức giang) về Thăng Long/ Đông Quan/Đông Đô.
Khi mạnh có thể tiến đánh xuống vùng đồng bằng rồi kéo về vây hãm kinh đô bằng hai đường thủy bộ đều thuận tiện. Để phòng ngự có thể dựa vào hình sông, thế núi xây đắp thành lũy chặn bước tiến của đối phương. Khi yếu có thể dựa theo đường núi, đường sông rút quân chiến lược về ba hướng Đông, Nam, Bắc đều chủ động vừa rút vừa phòng bị an toàn.
Về yếu tố con người, Kinh Bắc là miền đất chịu nhiều ảnh hưởng của nhà Lê. Trong vòng gần một thế kỷ (1428 - 1526) nhà Lê đã mở rất nhiều khoa thi kén chọn người hiền phò vua giúp nước, trong số hơn nghìn người đỗ đại khoa có gần một nửa là người Kinh Bắc.
Trong đó, miền đất Bắc Giang có 17 người thi đỗ làm quan, hưởng lộc triều Lê, hưởng quan lộc cho nên cả quê hương, dòng họ đều biết đến ân huệ triều đình. Ở Bắc Giang có hai võ quan tiêu biểu được phân phong và cắt cử làm quan trấn ải phía Bắc là Khang Quốc công Phạm Đình Liêu và Mật Quận công Vi Đức Thăng...
Cuộc đời cư quan, phò vua giúp nước của Đàm Thận Huy trải 36 năm và ông đã thành công trong nhiều việc lớn nhưng cuối đời “thời thế sinh loạn” nên trọng trách không thành. Đàm Thận Huy là bề tôi tài năng, đức độ, hết lòng vì nhà Lê, nhưng thời cuộc đổi thay, “thần hiền” nhưng “vương bất minh”.
Đời “vua quỷ” (chỉ Lê Uy Mục), “vua lợn” (chỉ vua Lê Tương Dực) đã làm nhân dân mất lòng tin ở triều Lê. Họ hy vọng chờ đợi một vị vua khác hiền tài tận tâm tận lực vì đất nước, vì nhân dân nhưng khi Lê Chiêu Tông chấp chính thì đã quá muộn. Quyền bính đã về hết họ Mạc, thất bại như lẽ đương nhiên vậy. Đây cũng là nguyên nhân chính vì lòng dân gần như đã “tận” với nhà Lê.
Như vậy, nguyên nhân thất bại của nhà Lê là điều tất yếu. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là sự mâu thuẫn, lục đục, mục ruỗng của các triều vua sau Lê Thánh Tông, nhất là triều đại Lê Uy Mục và Lê Tương Dực. Khi Lê Chiêu Tông được dựng lên kế vị, mặc dù được ủng hộ của nhiều trung thần tài năng nhưng đã muộn. Lòng tin của nhân dân với vương triều Lê không còn, thế lực họ Mạc đã nắm giữ binh quyền rồi dẫn đến lật đổ nhà Lê.
Bản thân Đàm Thận Huy cùng những người đồng chí dù đã tận tâm, tận lực phụng sự và thậm chí đã phải tuẫn tiết để thể hiện lòng trung quân ái quốc nhưng khi ấy vận nhà Lê đã tận. Và, với sự suy thoái, biếng nhác, vị kỷ của các triều vua Lê ở đầu thế kỷ XVI, thì việc suy tàn để nhường địa vị cai quản đất nước cho một triều đại khác ưu việt hơn là điều nhân dân mong đợi.
Nguyễn Văn Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét