Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Tấm bia đá hình chuông độc đáo

Tấm bia văn chỉ tổng Thiết Sơn là bia trụ tròn được tạo dáng y như quả chuông đồng ở các ngôi chùa, một kiểu dáng bia đá hiếm gặp ở các miền quê xứ Bắc. Bia được phát hiện dưới nền cũ của phế tích văn chỉ tổng Thiết Sơn, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc xưa - nay thuộc xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. 

Theo nhân dân địa phương cho biết: Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giặc câu pháo từ lô cốt Mỏ Thổ phá hoại ngôi văn chỉ và tấm bia bị trúng đạn pháo rồi bị vùi lấp cùng nhiều đồ thờ tự khác. Sau một thời gian, nhân dân đã tìm lại và dựng đặt trên nền đất cũ. 

Bia đá hình chuông trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ảnh: Nguyễn Hưởng

Nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, địa phương không phục hồi di tích cho nên hiện vật đã được Bảo tàng tỉnh sưu tầm về trưng bày từ năm 2006. Nhìn xa, dáng bia còn nguyên vẹn, khi tiếp cận thấy trên thân bia không lành lặn mà còn nguyên “thương tích” bởi 9 vết đạn đại bác cày phá. Vì thế, mặt bia bị sứt vỡ nhiều mảng làm mất đi nhiều chữ không thể khôi phục được.

Bia được tạo tác bằng chất liệu đá xanh, hiện bị mất phần đế. Chiều cao tổng thể thân và chóp bia đo được 120 cm. Chu vi thân bia 160 cm. Riêng phần chóp cao 22 cm, thân cao 98 cm. Bia khắc 34 dòng, mỗi dòng trung bình 18 chữ, toàn văn khoảng 600 chữ không có tiêu đề chính, tiêu đề phụ. Chữ khắc trên bia cơ bản bằng chữ Hán, có xen chữ Nôm khi khắc ghi tên một số xứ đồng và địa danh khác. Văn bia được soạn ngày tốt, tháng đầu mùa đông, năm Giáp Dần triều vua Long Đức thứ 3 (1734).

Vì đây là bia văn chỉ, nơi thờ đạo Khổng, cho nên người soạn văn, viết chữ rất cẩn trọng khi viết văn bia. Trong bài văn thấy xuất hiện rất nhiều chữ viết đài. Viết đài một ô chữ thấy xuất hiện khi khắc/ghi các từ: Quan viên/官 圓, giám cách/鑒 格. Viết đài hai ô chữ thấy xuất hiện khi khắc ghi những từ như: Hoàng hiệu/皇 號 , Hoàng triều/皇 朝, Tôn công/尊 公, Tiên hiền/先 賢. 

Nội dung văn bia có bốn phần tương đối rành mạch. Phần đầu: Khắc ghi bài văn cúng tế Hậu hiền. Phần hai: Khắc ghi họ tên một số vị ở các xã là hội viên Hội Tư văn của tổng Thiết Sơn chứng kiến và tham gia việc bầu Hậu hiền. Phần thứ ba: Khắc ghi công đức của vị Hậu hiền là Lập Quận công Giáp Đăng Luân. Phần thứ tư: Khắc ghi tiền bạc và các thửa ruộng do Hậu hiền công đức, tên các xứ đồng, nghi thức tế lễ Hậu hiền sau khi Hậu hiền trăm tuổi.

Sau cùng là lạc khoản khắc ghi thời gian soạn/dựng bia, người viết chữ văn bia. Người được bầu làm Hậu hiền là Lập Quận công Giáp Đăng Luân làm quan chức Tri công tượng, tiền tượng kỵ… Tả Binh phiên, Thị nội giám, Lễ giám, Tổng Thái giám. Vì ông là người thuộc tổng nhà, đã công đức tiền bạc và nhiều ruộng tốt cho Hội Tư văn tổng Thiết Sơn. Vì thế, sau khi ông trăm tuổi, hàng năm xuân thu nhị kỳ Hội Tư văn bản tổng phải sắm lễ tế tự. 

Lễ gồm 1 con lợn, 1 mâm xôi, cùng trầu cau, hoa quả, hương rượu dâng đến bản đường rồi viết chúc văn kính tế. Số ruộng Lập Quận công Giáp Đăng Luân ban cho Tư văn tổng Thiết Sơn gồm có các thửa ở các xứ đồng như sau: “ Thửa ở xứ đồng Cửa Làng, lại 6 thửa ở Cửa Làng; thửa ở xứ đồng Sau Làng, lại 1 thửa ở Sau Làng; thửa ở xứ đồng Đình Lai, lại 2 thửa ở xứ đồng Nhà Cường; thửa ở xứ đồng Biên Trì (Bên Ao), lại 1 thửa ở xứ đồng bên trái Từ Vũ; thửa ở xứ đồng Đồng Vị, 1 thửa ở xứ đồng Nhà Son.

Bia văn chỉ tổng Thiết Sơn là cổ vật có giá trị nhiều mặt. Đây là hiện vật phản ánh truyền thống hiếu học, trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân tổng Thiết Sơn. Bia trụ tròn, dáng như một quả chuông đồng thường gặp ở các ngôi chùa ở Bắc Bộ, đó là kiểu dáng văn bia khá đặc sắc ở miền quê xứ Bắc cũng như trong cả nước. Tấm bia này là hiện vật văn hóa, lại như vật chứng tố cáo sự xâm hại thô bạo di sản văn hóa của thực dân Pháp xâm lược. 

Văn bia này chưa có trong bộ sưu tập văn bia Việt Nam nên giá trị tư liệu của nó càng thêm đặc sắc.

Nguyễn Văn Phong 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét