Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Tản mạn về cà phê

 (Ghi chú: Bài viết ngày 15/12/2007)

----

Hôm nay tôi đi xem Lễ hội Văn hóa cà phê.

Nếu không quá khó tính, có thể xem là lễ hội đã thành công. Những nhà tổ chức đã có công đưa về những cây cà phê từ Dak Lak, có cả đất đỏ Ban Mê... Có ly cà phê lớn nhất thế giới, có mô hình quy trình sản xuất cà phê... Có bài nói chuyện giao lưu của Vũ Khiêu, Dương Trung Quốc, Đỗ Trung Quân... Có âm nhạc đậm chất Tây Nguyên... và dĩ nhiên là không thiếu những quán cà phê (uống miễn phí).

Những nội dung đó của lễ hội, bạn có thể đọc ở nhiều nơi. Ở đây tôi muốn nói chuyện khác...

Cây cà phê trong rẫy cà phê ở Pleiku

Tôi đứng trước tấm bạt phơi cà phê trên sân. Những nhà tổ chức đã có công trãi bạt và đổ cà phê hột để phơi trên sân, y như là phơi cà phê thật. Cô phục vụ rất lịch sự và duyên dáng hỏi: Anh có cần nghe giới thiệu về cây cà phê không ạ?

Tôi gật đầu, cô bắt đầu giới thiệu: Đây là giống cà phê Robusta, còn gọi là cà phê vối.... Rất mạch lạc, dễ hiểu.

Tôi hỏi: Đây là đang phơi, phơi xong rồi sao nữa?

Vẫn rất nhiệt tình cô chỉ qua gian triển lãm bên cạnh: Dạ, phơi xong rồi rang, xay... quy trình được thực hiện như bên kia ạ.

Tôi cắc cớ hỏi tiếp: Thế còn trước khi phơi, chắc là phải hái trái? Hái như thế nào?

Cô bé lúng túng, chỉ qua anh thanh niên đang đứng cạnh, nhờ giải thích (tôi có thể đoán ngay được cô bé là dân... Sàigòn, được tập huấn khá tốt để giới thiệu cho khách tham quan, nhưng nếu gặp câu hỏi ngoài "bài" đã học thì liền... bí). Anh thanh niên (chắc chắn là dân trong nghề) giải thích:
  • Người ta dùng 2 tấm bạt trãi 2 bên gốc cây cà phê, rồi dùng tay tuốt những chùm trái trên cây cho rơi xuống...
Đúng vậy. Khi tuốt hết trái trên cây, người ta sẽ túm 2 tấm bạt này lại, lôi sang gốc cà phê khác. Lại tiếp tục như cũ. Đến lúc cảm thấy đã nhiều, người ta sẽ trút cà phê từ 2 tấm bạt này vào bao, để sau đó vác bao về trại.

Tôi biết điều này rất rõ, vì tôi đã từng đi... hái cà phê mướn.

Cây cà phê trĩu quả tại Lễ hội (Công viên Tao đàn)

Hồi đó tôi đang học lớp 10, hồi đó mới giải phóng.... Để sống được phải đi làm thuê.

Cây lúa là cây lương thực chủ yếu của nước ta, còn cà phê có lẽ chính là cây... dùng để uống chủ yếu.

Cây lúa và mọi công đoạn gieo trồng, chế biến của nó trước khi thành bữa cơm cho chúng ta đã được thể hiện rất nhiều qua thơ ca, hội họa. Nào là cấy lúa, gặt lúa,giã gạo... (Gánh lúa của Phạm Duy, Gạo trắng trăng thanh của Hoàng Thi Thơ, Khúc ca ngày mùa của Lam Phương..). Cây cà phê thì không! Cà phê chỉ đi vào âm nhạc khi nó đã là ly cà phê!

Thì thôi. Đặc điểm của mỗi loại cây là khác nhau mà.

Bởi vậy, trong lễ hội cà phê mới có những người dân thành phố mắt tròn xoe nhìn hạt cà phê chưa rang, thốt lên đầy ngạc nhiên: Ủa, cà phê sao lại màu trắng?

Có lễ hội văn hóa cà phê cũng hay, nó giúp chúng ta biết về cây cà phê trước khi nó thành ly cà phê đậm đà cho ta hưởng văn hóa cà phê.

Nếu mà có mô tả thêm về công đoạn hái cà phê thì tốt biết mấy. Khi ấy nếu đang ngồi thưởng thức cà phê trong một quán sân vườn hay máy lạnh nào đó, tôi kể rằng đã từng đi hái cà phê mướn thì bạn tôi sẽ hình dung được tôi đã làm như thế nào!

Phạm Hoài Nhân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét