Cổng chào
Thạch Động là một khối đá vôi cao khoảng 50m thuộc địa phận xã biên giới Mỹ Đức, cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 4km. Do nằm bên quốc lộ 80 và cách biên giới nước bạn Campuchia chỉ khoảng 3km nên nơi đây rất thuận tiện đến trải nghiệm dụ lịch, khám phá kết hợp.
Bức ảnh Thạch Động được chụp và in ra vào năm 1901 bởi 1 sĩ quan người Pháp lúc đóng đô ở Châu Đốc, đi công tác ở Hà Tiên. Ảnh: Hà Tiên Today
Đứng xa xa từ phía quốc lộ 80 nhìn lên, Thạch Động nhô lên như đầu vị tướng oai dũng sừng sững hướng mặt nhìn về phía biển. Còn đứng theo hướng từ phía biên giới nhìn lại, khu vực núi Thạch Động hiện lên yên bình một màu xanh của cây rừng, phía dưới chân núi là ngồi nhà dân đơn sơ giản dị, xa xa là cánh đồng lúa chín vàng bạt ngàn, cùng những cây thốt nốt lẻ loi vươn mình cao vút. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ của Thạch Động, mang một vẻ đẹp đặc trưng của xứ Hà Tiên.
Thạch Đông nay
Thạch Động còn được gọi Thạch Động thôn vân, có nghĩa động đá nuốt mây. Vào lúc sáng tinh mơ, những tảng mây trắng xốp nhẹ như bông bay qua đỉnh động rồi bị cản bởi vách đá cao đến 50m. Mây dừng lại rồi từ từ tỏa quanh cửa động, gây liên tưởng như hình ảnh miệng động đang nuốt mây.
Thạch Động được bao phủ bởi nhiều cây xanh cổ thủ và những vách đá vôi
Không chỉ là cảnh đẹp, nơi đây còn là một di tích đau thương. Nơi đây, ngày 14/3/1978, bọn Pôn Pốt đã tràn sang giết hại 130 người trốn trong hang. Tại cổng hang vẫn có bia đá ấy là minh chứng cho những thương đau, mất mát của chiến tranh ngay tại nơi này.
Bia căm thù
Để đến được cửa động, chúng ta phải đi bộ qua hơn 50 bậc thang đá. Bởi Thạch Động vừa sâu vừa rộng, lại chia ra rất nhiều ngóc ngách nên khi bước chân vào động, ta sẽ lập tức cảm nhận được không khí mát lạnh và ánh sáng mờ mờ huyền ảo.
Tượng Phật Bà Quan Âm đường lên Thạch Động
Bước vào Thạch Động là những hang đá lớn nhỏ được hình thành do sự biến đổi của địa chất. Đá vôi ở Thạch Động được các nhà địa chất xác định hình thành vào kỷ Permi, khoảng 250 triệu năm trước. Các tảng đá nứt chồng lên nhau, tưởng một ngọn gió có thể làm đổ được nhưng ngàn năm nay Thạch Động vẫn trơ gan cùng gió bão.
Chùa Tiên Sơn
Một ngôi chùa có tên Tiên Sơn được xây trong một hang động lớn nhất của Thạch Động được xây dựng vào năm 1790, thờ Phật Thích Ca và Bồ Tát Quan Thế Âm. Tư liệu lịch sử cho biết trước khi có chùa, đây là am tu của đạo sĩ Huỳnh Phong Chân Nhân dưới thời Mạc Cửu, thân sinh của Mạc Thiên Tích.
Ngồi chùa độc đáo được xây dựng lọt thỏm bên trong hang động.
Ngôi chùa được làm bằng tường gạch cùng những cột gỗ đen bóng không trạm chỗ, nằm lọt trong hang động đã tạo nên sự tò mò cho du khách tham quan.
Bên trong thờ Phật Thích Ca và Bồ Tát Quan Thế Âm.
Cửa hang chính rộng lớn, có bậc đá để đón khách ra vào, ba cửa hang nhỏ thông lên cao và một cửa hang nhỏ thông xuống lòng đất mà người dân thường gọi là ngõ “xuống âm phủ”. Truyền rằng: ở thời tổng Trấn Mạc Thiên Tích đã phát hiện ra 1 hố sâu trong động, khi ông cho quân lính xuống dò đường thì người đó càng đi càng sâu, không thấy điểm cuối mà lại nghe tiếng sóng biển càng lớn nên bèn lo sợ quay trở lên. Sau, dân chúng hiếu kỳ thả những trái dừa khô có đánh ký hiệu xuống và sau đó chúng được người dân nhìn thấy ở bờ biển Mũi Nai và vịnh Thái Lan. Đây cũng là nơi mà dân gian đồn đại là đường xuống Thuỷ cung trong tích Thạch Sanh.
Đây là nơi mà dân gian đồn đại là đường xuống Thuỷ cung trong tích Thạch Sanh.
Trên vách của các hang động với những hốc đá nhô ra lọt vào hiện tại đang là nơi trú ngụ của hàng trăm con chim bồ câu. Trong hang có nhiều thạch nhũ tạo thành từ quá trình biến đổi địa chất, ngày nay đã trở thành những hình thù kỳ thú, kích thích trí tượng tượng của khách tham quan. Men theo bậc thang nhỏ lên tầng trên nhìn ra bên ngoài hang, có một khối thạch nhũ hình đầu con đại bàng khổng lồ đang quặp công chúa.
Khối thạch nhũ hình đầu con đại bàng khổng lồ
Đến với Thạch Động, du khách sẽ được nghe kể rất nhiều những câu chuyện bí ẩn về những vách đá có hình thù kỳ lạ, là nơi phát tích truyện cổ tích Thạch Sanh. Tương truyền, phía Đông của động có một cửa hang thông thiên nên khi ánh sáng rọi xuống người xưa gọi là “đường lên trời”. Theo truyền thuyết xưa, Thạch Sanh đã theo cửa miệng hang này để vào bên trong động giết đại bàng tinh, cứu công chúa Quỳnh Nga và con trai vua Thủy Tề. Ngày nay, cửa miệng hang này đã được chắn lại để đảm bảo an toàn cho du khách.
“Đường lên trời” nơi Thạch Sanh xuống giết đại bàng cứu công chúa và con trai vua Thủy Tề.
Xung quanh hang động là um tùm những tàng cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi, nhiều cây buông những chùm rễ già nua bay phất phơ trong gió tạo thành khung cảnh thú vị, thu hút khách chiêm ngưỡng, chụp hình.
Trong động có nhiều thạch nhũ hình thù kỳ thú – Ảnh: Henry Dương
Đứng trên lưng chừng Thạch Động, du khách có thể phóng tầm mắt về phía Campuchia để ngắm nhìn quan cảnh phum sóc đặc trưng của nước bạn, hay một góc khác có thể nhìn về toản cảnh thành phố Hà Tiên xinh đẹp.
Khung cảnh tuyệt đẹp nhìn từ động ra bên ngoài – Ảnh: Thon Tran
Đặc biệt, Thạch động còn thu hút du khách gần xa tìm đến khám phá bởi nơi đây còn là nơi được chọn làm bối cảnh cho các bộ phim như Cuộc chiến với chằn tinh (cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu), Đất Phương Nam (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn).
Không quá xa xôi, không quá hiểm trở nên thạch động luôn là địa điểm du lịch Hà Tiên thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Chỉ là một khối đá không mấy đồ sộ, nhưng với những truyền thuyết và những giai thoại, Thạch Động Thôn Vân đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng những ai muốn tìm hiểu về con người, về vùng đất Hà Tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét