Lệ Chí, Lệ Cần là những địa danh được người dân Pleiku biết đến nhiều, gắn với một đặc sản mang tên khoai lang Lệ Cần. Đây là những địa danh được hình thành khá sớm ở Gia Lai.
Từ năm 1957 đến năm 1962, thực hiện chính sách dinh điền, chính quyền Ngô Đình Diệm (Việt Nam Cộng hòa) đã di dân từ đồng bằng ven biển miền Trung lên lập nhiều dinh điền ở các tỉnh Tây Nguyên. Trên địa bàn nay thuộc huyện Đak Đoa, có 2 địa điểm dinh điền được hình thành trong giai đoạn này, đó là dinh điền Lệ Chí và dinh điền Lệ Cần.Xã Nam Yang, huyện Đak Đoa (xã Lệ Chí cũ). Ảnh: K.N.B
Lệ Cần ban đầu là tên của một dinh điền được thành lập ngày 1-7-1957, với tên gọi địa điểm dinh điền Plei Piơm 1. Những cư dân đầu tiên của dinh điền này là 2.175 người, do chính quyền Sài Gòn đưa từ Quảng Nam lên, định cư tại vị trí phía Nam quốc lộ 19, trong khoảng từ km 149 đến km 150 hiện nay.
Lệ Chí cũng là một địa điểm dinh điền được thành lập ngày 3-11-1957 với tên gọi địa điểm dinh điền Plei Piơm 2. Dân số ở thời điểm đó là 2.602 người, do chính quyền Sài Gòn đưa từ Quảng Nam lên.
Ngày 20-2-1959, theo Sắc lệnh số 36a-TTP của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, các địa điểm dinh điền lập năm 1957 được chuyển thành xã. Lệ Chí từ đây là một xã thuộc quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku. Đến năm 1964, xã Lệ Chí có 2.539 nhân khẩu, thuộc quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku. Ngày nay, bộ phận dân cư này thuộc xã Nam Yang.
Theo Sắc lệnh số 36a-TTP, ngày 20-2-1959, của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, các địa điểm dinh điền lập năm 1957 được chuyển thành xã. Từ đây, Lệ Cần và Lệ Chí trở thành các xã, thuộc quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku.
Sau năm 1975, từ khu vực Lệ Cần, một số hộ đã tiến vào vùng đất thuộc ấp Kồ (khu dồn dân lớn ở quận Lệ Trung trước giải phóng), cách thị trấn Đak Đoa 12 km về phía Nam để lập nghiệp và hình thành thôn Tân Lập ở khu vực trung tâm của xã Trang. Còn vùng đất Lệ Cần trước kia, sau giải phóng thuộc xã Tân Bình và lần lượt là đơn vị hành chính thuộc thị xã Pleiku, sau đó chuyển giao cho huyện Mang Yang và từ khi huyện Đak Đoa hình thành, xã này thuộc huyện Đak Đoa theo các văn bản chia tách, chuyển đổi, sáp nhập địa giới hành chính liên quan.
Bộ phận dân cư gốc từ dinh điền Lệ Cần trước kia nay sinh sống tập trung tại thôn 1, thôn 2 xã Tân Bình. Tuy nhiên, địa danh Lệ Cần vẫn được nhân dân trong vùng và phụ cận sử dụng.
Còn đối với vùng đất Lệ Chí, sau năm 1975, trên cơ sở xã Lệ Chí cũ, xã Nam Yang được thành lập thuộc huyện Mang Yang và nay là một xã của huyện Đak Đoa. Theo giải thích của những người dân địa phương, tên của xã được đặt là Nam Yang vì phần đông dân số ban đầu của xã là những người Kinh, từ Quảng Nam lên sinh sống ở huyện Mang Yang.
Hình thành từ năm 1957, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, Lệ Chí và Lệ Cần vẫn là những vùng đất mang nét văn hóa đặc trưng của người Quảng Nam trên quê hương mới.
TS. Nguyễn Thị Kim Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét