Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Vô nhà chú Hỏa uống cà phê, nhớ Sài Gòn trăm năm trước

 Xưa kia, những người Hoa lưu vong từ phong trào phản Thanh phục Minh vượt sóng xuôi phương Nam, xin chúa Nguyễn vào miền Nam khẩn hoang tìm sinh khí mới. Những Trần Thượng Xuyên làm nên đất Biên Hòa, Dương Ngạn Địch mở đất Cần Thơ, Mạc Cửu dựng nên trấn Hà Tiên... Bên cạnh đó, hậu duệ của những người Minh hương này có những người là thương gia lẫy lừng  đã để lại dấu ấn rất đặc trưng cho Sài Gòn xưa.

Một trong số đó là chú Hỏa, một trong tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn xưa mà dân gian từng tôn vinh: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa). Tuy xếp thứ tư nhưng chú Hỏa là người có nhiều huyền thoại và để lại  nhiều dấu ấn nhất, trong đó phải kể đến tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng của ông, “tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thạnh vượng kinh tế miền Nam” (Vương Hồng Sển - Sài Gòn năm xưa, phần VII: Nhơn vật Hoa kiều)
Tương truyền, từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, chú đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy khiến cho người đời sau còn nhắc nhở.

“Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” là câu truyền khẩu nổi tiếng của người Sài Gòn xưa. Nếu như chú Hỷ là ông “vua tàu bè” có tàu Thông Hiệp chạy khắp Nam kỳ - Lục tỉnh lúc bấy giờ thì chú Hỏa là ông “vua nhà đất” với gia sản ước trên 20.000 căn nhà phố khắp khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (kể sơ sơ vài gia sản của ông còn dùng đến bây giờ: Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách Chính phủ, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace - Long Hải… )., Ngôi nhà chính của Ông, Dinh thự 99 cửa, thiết kế rất đẹp và độc đáo theo phong cách Art - déco, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á-Âu. 

Dinh thự 99 cửa gắn liền với giai thoại “Con ma nhà họ Hứa” và cũng là tựa bộ phim ma đầu tiên điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ. 

Nhà chú Hỏa tọa lạc trên một khuôn viên 4.000 met vuông, giữa 4 con đường Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình, Clamette, Lê thị Hồng Gấm.

Phần chính tòa dinh thự này (số 97 Phó Đức Chính) đã được dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật THCM, một phần bên được làm Trung tâm Hội chợ Triển lãm TP.

Từ cuối năm 2010, phần dinh thự bên đường Nguyễn Thái Bình (số 54, Nguyễn Thái Bình) đã là Nostalgie Club, một nhà hàng biệt thự sân vườn, được trang trí phục chế lại nhằm mang đến một phong cách mới trong văn hóa ẩm thực của người Sài Gòn ngày nay.



Bên trong Nostalgie còn lưu lại các hiện vật cổ hòa với những điệu nhạc Pháp trữ tình xưa và những bản hòa tấu dân ca Việt mang đến cho bạn cảm giác ấm cúng bên gia đình, sành điệu với đồng nghiệp và thật lãng mạn bên ai đó…




Mệt mỏi với Sài Gòn náo nhiệt, vào đây để tìm về Sài Gòn trăm năm xưa xem chừng cũng là một ý hay...

Giá cả có mắc không à? Trung bình, chấp nhận được. Thức uống 25.000 - 50.000 đ. Thức ăn 50.000 đ - 150.000 đ/phần. Buffet tự chọn 120.000 đ (giá ghi ngày 31/3/2011)








Phạm Hoài Nhân
2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét