Nơi thời gian đi giật lùi
TRẦN ĐỨC TÀI
Không chỉ đối chọi về tỷ lệ khi những chiếc xe kềnh càng sắp cạnh những vật trang trí nhỏ nhắn. Bản thân những đồ trang trí cũng đã mâu thuẫn nhau. Một tượng đồng Quan Công phương đông vui vẻ vung đao bên cạnh chiếc kèn cor phương Tây. Mấy chiếc điện thoại cũ kỹ loại quay số bình lặng nằm ngủ kề chiếc máy chiếu phim nhựa 8mm của Liên Xô vênh mặt nhớ quá khứ vàng son. Nhìn ra ô cửa sổ xanh rợp màu cao nguyên lại là những chiếc đèn bão rỉ sét vị muối mặn của đại dương. Chưa hết những điều tương phản. Trên chiếc máy hát đĩa ở góc nhà, một đĩa nhựa 33 tour còn nguyên bao bì, dù đã sờn ố, lại là một album của chàng ca sĩ mù Feliciano của thập niên 1970 mang kính đen hát bài “Light My Fire” (Thắp sáng ngọn lửa).
Mọi yếu tố tưởng chừng đốp chát, xung đột, lộn xộn hết mức ấy lại hòa hợp với nhau thành một phong cách đáng yêu. Một vẻ đáng yêu vừa phóng túng vừa bất cần nhưng lại có chút gì ngậm ngùi. Giống như chủ nhân của nó – một nhà thiết kế hoa viên chỉ mới 35 tuổi tên Trần Quốc Giao nhưng ở Đà Lạt ai cũng biết anh với các tên tục thân mật “Cồ” hay “Cồ Vespa”. Chàng trai một năm chỉ hớt tóc một lòng cho vui lòng mẹ ấy lại người say sưa với những cái gì đẹp và bí ẩn như gỗ và đá. Bắt đầu chơi xe Vespa cổ từ 10 năm trước “vì những loại xe phổ thông không có gì hấp dẫn,” Cồ Vespa chỉ khao khát những đồ vật “chưa nhìn thấy bao giờ, thậm chí không hề biết trên đời có chúng, nhưng tình cờ lại được sở hữu chúng” thì mới thỏa lòng.
Khi xe Vespa không còn đủ bí ẩn để Cồ say sưa vì kiểu dáng xe hạn chế óc tưởng tượng sáng tạo của con người thích biến tấu này, anh chuyển sang sưu tập và chế độ các loại xe gắn máy khác. Những đồ vật mang quá khứ xa lạ lần lượt cuốn hút anh. Những chiếc đèn dầu, đèn măng-xông cũ kỹ; máy bộ đàm quân đội; những chiếc máy hát xưa… Rải rác trên mấy vách gỗ, mấy chiếc đĩa tròn bằng sứ trắng đã ngã màu sau hơn 80 năm, kiêu hãnh khoe rõ dòng chữ in trên lòng đĩa “Langbian Palace Dalat”. Chúng xuất phát từ những bộ đồ ăn đầu tiên của cái khách sạn đã gắn liền với lịch sử Đà Lạt bây giờ là Dalat Sofitel Palace .
Anh mở café Cổ và tự thiết kế toàn bộ không gian chỉ để có chỗ chứa những món đồ chơi đã tích góp suốt mười năm qua. Quán để chơi hơn là để bán. Quán vắng suốt ngày, chỉ có những thân hữu ghé đến buổi tối và những vị khách tình cờ lạc chân tới ban ngày. Lâu lâu, một món đồ chơi mới được mang về, quán cà phế lại dẹp bớt ít bàn ghế để có chỗ cho một di vật quá khứ. “Quán đông khách tôi cũng không thích,” – Cồ nói. Chỉ có những ai thưởng thức được cái hài hòa tinh tế của sự lộn xộn sắp đặt cố tình này và biết tận hưởng sự im lặng mới vào quán này.
Café Cổ nằm khuất trong một hẻm nhỏ, cách đường lộ chừng 20 mét. Ở ngay đầu ngã vào Đà Lạt, chỉ cách bến xe liên tỉnh không xa, nhưng bước vào đây là bước vào một thế giới không có thực. Trong không gian này, những đồ vật lên tiếng ồn ào trong khi bàn ghế mộc mạc âm thầm cùng tiếng nhạc mở rất nhỏ. Nhạc cũng xưa! Những giai điệu của thời 1960.
Ở đây thời gian đi giật lùi. Cả chục chiếc đồng hồ quả lắc lớn nhỏ treo khắp nơi nhưng giờ phút đã đứng sững bất biến vào những thời khắc khác nhau. Tất cả như đang thở vào không gian bao hoài niệm ngổn ngang.
____
Ghi chú: Sau khi vào cafe Cổ ở Đà Lạt, tôi tự cảm thấy không thể viết hay hơn bài viết này của Trần Đức Tài. Vì vậy xin mạn phép bạn Tài post bài viết của bạn lên đây để giới thiệu một quán cafe khá lạ.
Các ảnh chụp dưới đây là của PHN!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét