Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Dò tìm kho báu họ Mạc ở Hà Tiên - 6

Sự thật sáng tỏ

Chính thi sĩ Đông Hồ đã chỉ rõ trong bài viết ấy rằng bản sấm truyền được ông chép lại từ thiên tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp của Mộng Tuyết – vợ ông. Tác phẩm này còn được Mộng Tuyết ghi Hà Tiên ngoại sử ký sự tiểu thuyết, hoàn tất bản thảo dịp Trung thu Mậu Tuất 1958, do NXB Bốn Phương tại Sài Gòn in lần đầu năm 1961, NXB Văn Hoá tại Hà Nội tái bản năm 1996, NXB Văn Nghệ TP.HCM tái bản năm 2000. Trong tiểu thuyết, lời sấm nằm trong chương 10 và được tác giả đặt vào miệng nhân vật tiểu thư Mạc Mi Cô – con gái thứ 5 của Mạc Thiên Tích và chánh thất họ Nguyễn. Mộng Tuyết mô tả Mạc tiểu thư vừa chào đời liền lớn phổng, cất tiếng đọc bài sấm bằng “giọng hoà hoãn như gió đêm thanh”, đoạn “từ từ nhắm mắt, nằm yên, tắt thở, thân hình cũng thu nhỏ lại như đứa bé sơ sinh.”

Cúng giỗ nơi mộ tiểu thư Mạc Mi Cô. Ảnh: Lê Văn Toàn

So với văn bản Khả thuỷ sơn nhơn gồm 34 dòng mà tôi sưu tầm, bài sấm trong tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp ngắn hơn: 25 dòng – thiếu từ dòng thứ 12 đến dòng thứ 20. Vậy nguyên bản vốn từng lưu truyền lâu đời trong dân gian, hay do Mộng Tuyết sáng tác rồi về sau quần chúng thêm thắt? Lẽ nào văn bản xuất hiện từ thế kỷ XVIII nhằm mã hoá sơ đồ như người ta đồn thổi?

Xét kỹ ngôn ngữ, thật khó tin văn bản đã ra đời trong thời Mạc Thiên Tích. Nội lối chiết tự họ Mạc kèm bộ ấp 鄚 đủ gây nghi hoặc về niên đại. Cứ cho rằng cách viết đó do chúa Nguyễn muốn biệt hoá dòng Mạc ở Hà Tiên với Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, v.v. Song, chính xác thì chữ Mạc có bộ ấp chỉ thực sự định hình vào thế kỷ XIX, khi Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo thư tịch. Lê Quý Đôn – sống cùng thời Mạc Thiên Tích – lúc viết Phủ biên tạp lục  Kiến văn tiểu lục cũng chẳng phân biệt cách ghi 2 họ Mạc. Đề tựa tập Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tích ghi “Mạc thành, Mạc Thiên Tứ Sĩ Lân thị tự tự ư Thụ Đức hiên” với 2 chữ Mạc đều chẳng có bộ ấp. Ngay những tấm bia đá được tạo dựng vào thời Mạc Thiên Tích hiện còn trong khu mộ cổ Bình San – mà tôi đã lưu ý ở đoạn trước – cũng khắc chữ Mạc không kèm bộ ấp.

Sách “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của Mộng Tuyết (NXB Bốn Phương, Sài Gòn, 1961). Ảnh: Vũ Hà Tuệ

Sách “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của Mộng Tuyết (NXB Văn Nghệ TP.HCM tái bản, 2000), bìa in thiếu từ “sử” trong cụm “Hà Tiên ngoại sử ký sự tiểu thuyết”. Ảnh: Harypham1986

Thế thì bài sấm khởi phát bao giờ?

Trao đổi với tôi, nhà thư pháp Trương Thanh Hùng phát biểu:

– Trước tiên, mình không nghĩ đây là sấm truyền. Sống ở Hà Tiên suốt thời gian dài (1963 – 1987), sau này lại có nhiều năm làm công tác sưu tầm văn học dân gian và biên soạn lịch sử địa phương, mình đảm bảo trước khi tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp ấn hành thì dân chúng nơi đây chẳng ai biết bài Khả thuỷ sơn nhơn.

Nhà Hà Tiên học Trương Minh Đạt (9) tiếp:

– Cũng không thấy bất kỳ tư liệu viết nào công bố trước thập niên 1960 nhắc tới bài sấm đó, dù chỉ đôi dòng. Tôi đủ chứng cứ để khẳng định đây hoàn toàn là sản phẩm tưởng tượng của đôi vợ chồng văn nghệ sĩ Đông Hồ – Mộng Tuyết. Chẳng riêng gì cái bài gọi là sấm, hầu hết chi tiết trong tập Nàng Ái Cơ trong chậu úp đều hư cấu cả, dù cốt truyện chủ yếu dựa theo Hà Tiên địa phương chí do Trần Thiêm Trung soạn thảo từ tháng 3-1957. Mà cuốn địa phương chí đó lại chứa lắm điều thiếu chính xác, vô căn cứ. Kể ra, sáng tác tiểu thuyết thì nữ sĩ Mộng Tuyết hoàn toàn có quyền tưởng tượng, hư cấu. Đáng tiếc rằng không ít người trong giới nghiên cứu lại dùng tiểu thuyết làm cơ sở xây dựng các công trình sử học. Vậy là “lộng giả thành chân”. Nếu không phát hiện để hiệu đính kịp thời, e di hại cho hậu thế!

Nhà lưu niệm Đông Hồ – Mộng Tuyết tại Hà Tiên. Ảnh: Quang Trưởng

Nhằm xác minh tận gốc, tôi liền liên hệ nữ sĩ Mộng Tuyết. Năm nay, Nhâm Ngọ 2002, đã 88 tuổi, song bà vẫn nói năng rõ ràng, mạch lạc:

– Chuyện cũ, có chuyện tôi nhớ, có chuyện tôi quên. Nhưng cái bài Khả thuỷ sơn nhơn thì tôi nhớ kỹ. Hồi viết Nàng Ái Cơ trong chậu úp, chính tôi sáng tác bài đó, thì hỏi sao không nhớ?

Chân thành cảm ơn nữ sĩ Mộng Tuyết đã vui lòng tiết lộ sự thật. Dẫu sao, câu chuyện ly kỳ về kho tàng họ Mạc cũng tô điểm “những màu mè diễm ảo, những sương khói say mê” cho quê nhà Hà Tiên như Mộng Tuyết cùng Đông Hồ (10) từng ao ước. Hơn thế, điều ấy thực sự góp phần tạo sức hấp dẫn đáng yêu đối với một thị xã biên viễn duyên hải tuy nhỏ bé song giàu đẹp, lại có bề dày lịch sử – văn hoá đặc sắc mà trong đó ẩn chứa lắm vỉa tầng chưa thể khám phá đủ đầy nên chưa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đúng mức.

Trong nhà lưu niệm Đông Hồ – Mộng Tuyết. Ảnh: Dũng Nguyễn

Ngẫm kỹ, càng thấy mảnh đất “giang sơn gấm vóc mini” này rất xứng đáng được UNESCO sớm “trước bạ” vào danh mục Di sản thế giới. Bởi lẽ, Hà Tiên là “siêu kho báu” của Việt Nam, của châu Á, và của cả toàn cầu. 

Phanxipăng
____________

(9) Chào đời năm Bính Tý 1936 tại Hà Tiên, Trương Minh Đạt là soạn giả sách Nhận thức mới về Hà Tiên (NXB Trẻ, 2001), Nghiên cứu Hà Tiên (NXB Trẻ, 2008).

(10) Đông Hồ (1906 – 1969) chào đời tại Hà Tiên. Thuở nhỏ, có họ tên Lâm Kỳ Phát. Lớn, chuyển thành Lâm Tấn Phát, tiểu tự Quốc Tỉ, tự Trác Chi. 1926 – 1934, lập Trí Đức học xá chuyên dạy Việt ngữ tại Hà Tiên. 1935, thực hiện tuần báo Sống tại Sài Gòn. 1940, sáng lập NXB Bốn Phương & nhà sách Yiểm Yiểm thư trang tại Sài Gòn. 1953, ấn hành tập san Nhân Loại tại Sài Gòn. 1964, ẩn cư trong Quình Lâm thư thất tại Sài Gòn. 1965, giảng dạy môn Văn học miền Nam tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ngoài thơ, Đông Hồ còn viết ký và khảo cứu; lại là người đầu tiên dùng cọ lông chấm mực xạ thể hiện thư pháp chữ quốc ngữ. Bên cạnh bút danh Đông Hồ, còn ký Thuỷ Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu tiên sinh.

Sau khi vợ Linh Phượng (sinh Lâm Mỹ Tuyên) qua đời (1926), Đông Hồ lấy Thái Nhàn Liên / Thái Thị Thân (sinh Lâm Yiễm Yiễm). Nhàn Liên mất (1946), Đông Hồ tái hôn với người vừa là học trò vừa là em vợ: Thái Thị Úc, tức nữ sĩ Mộng Tuyết.

Mộng Tuyết (1914 – 2007) chào đời tại Hà Tiên. 12 tuổi, tập làm văn ở Trí Đức học xá. 1939, với thi phẩm Phấn hương rừng, được bằng khen về thơ của Tự Lực văn đoàn. Cùng chồng là Đông Hồ, với Lư Khê và Trúc Hà tạo nên “Hà Tiên tứ tuyệt”. Ngoài thơ, Mộng Tuyết còn viết tuỳ bút và truyện. Bên cạnh bút danh Mộng Tuyết, còn ký Hà Tiên Cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Thất tiểu muội. 
Phanxipăng 


Đã đăng trên tạp chí Thế Giới Mới
từ số 479 (25-3-2002) đến số 481 (8-4-2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét