Mật thư hay sấm ký?
Thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát từng nhận xét trong cuốn Văn học Hà Tiên (sđd): “Việc dân gian nghĩ rằng họ Mạc phải có một kho tàng chôn giấu, tất cũng có một nguyên nhân, một duyên cớ nào mới được. Chớ không dưng, ai đồn đãi mà chi.” Thế nhưng, ông xem văn bản đang xét chẳng phải mật thư chỉ dẫn địa điểm chôn vàng giấu ngọc, mà là một bài sấm truyền. Đông Hồ viết: “Đó quả là một bài tiên đoán sự nghiệp của họ Mạc ở Hà Tiên, từ khi khai sáng cho đến lúc tàn mạt. Mỗi câu, mỗi chữ đều đúng như y, phân minh từng chi tiết. Thiệt là lạ lùng!”Sách “Văn học Hà Tiên” của Đông Hồ (NXB Quình Lâm, Sài Gòn, 1970). Ảnh: Error
Đối chiếu một số sự kiện lịch sử từng được nhiều thư tịch ghi chép, Đông Hồ nêu kiến giải khá độc đáo. Sau khi phân tích lối chiết tự địa danh Hà Tiên và họ Mạc, ông lưu ý hai tiếng tí tí lặp đi lặp lại:
Hoa nhỏ tí tí
Quả nhỏ tí tí
Tám chín xuân thu
Hoa nào phong nhị
Đông Hồ cho rằng tí trên ứng với năm Mậu Tý 1708, thời điểm Mạc Cửu dâng đất Mang Khảm cho Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, xin sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong để trở thành Hà Tiên. Thời điểm ấy được xem là cắm mốc khai sáng sự nghiệp họ Mạc. Còn tí dưới ứng với năm Canh Tý 1780, Mạc Thiên Tích tuẫn tiết tại Xiêm, coi như thời điểm họ này suy tàn. Khoảng thời gian giữa hai niên điểm đó vừa đúng tám chín xuân thu tức 8 x 9 = 72 năm.
Vợ chồng nhà thơ-văn-báo-xuất bản Đông Hồ & Mộng Tuyết
Nếu bỏ công tra cứu sử liệu, hậu thế khó đồng ý rằng đến năm Canh Tý 1780 thì sự nghiệp họ Mạc “tan tành rơi rụng hết” như Đông Hồ luận giải. Chỉ cần lật Đại Nam liệt truyện tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, cũng đủ thấy con cháu họ Mạc sau niên điểm ấy vẫn tiếp tục xênh xang cân đái hèn chi rỡ ỷ la; dẫu có nơi có lúc, có người không tránh khỏi gian truân trên nẻo hoạn lộ. Mạc Tử Sanh – con của Mạc Thiên Tích – thọ tước Lý Chánh hầu, được phong Tham tướng vào mùa xuân Giáp Thìn 1784, qua mùa thu Đinh Mùi 1787 đã giữ chức Lưu thủ Hà Tiên, năm kế tiếp thì mất và được truy tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Chưởng vệ sự Đô đốc Chưởng cơ. Mạc Công Bính – con của Mạc Tử Hoàng và là cháu nội của Mạc Thiên Tích – giữ chức Lưu thủ Long Xuyên. Mạc Tử Thiêm – con của Mạc Thiên Tích – làm Trấn thủ Hà Tiên, rồi được thăng Khâm sai Chưởng cơ vào niên hiệu Gia Long thứ V tức năm Ất Sửu 1805.
Bằng tham luận Vai trò họ Mạc ở Hà Tiên và quan hệ với triều Nguyễn, báo cáo tại hội nghị khoa học kỷ niệm 250 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức hồi tháng 11-1986 ở Rạch Giá, nhà giáo Nguyễn Khuê (Đại học Tổng hợp TP.HCM) lẩn nữa khẳng định: “Các chúa Nguyễn, rồi các vua triều Nguyễn đãi ngộ họ Mạc rất trọng hậu. Ba người được chính quyền họ Nguyễn coi có công lớn là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh, trong đó công lao của Thiên Tích được đánh giá cao hơn cả. Con cháu họ Mạc được nối đời làm quan ở đất Hà Tiên. Cho đến khi Công Du, Công Tài, Hầu Hi, Hầu Diệu nhận chức của Lê Văn Khôi thì triều Nguyễn mới không biệt đãi như trước nữa.”
Xin thêm rằng tuy không biệt đãi như trước, song triều Nguyễn vẫn ưu ái lục dụng hậu duệ của họ Mạc. Đại Nam thực lục chính biên còn ghi thêm sự kiện năm Thiệu Trị thứ V (Ất Tị 1845), Mạc Văn Phong được tập ấm Chánh thất phẩm Chánh đội trưởng ở Hà Tiên. Phần miếu đền và mồ mả họ Mạc tại Bình San cũng được triều Nguyễn năng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tế tự, trùng tu.
Biết vậy, song chúng ta hãy dõi tiếp cách kiến giải của Đông Hồ về bài sấm ký:
Phi vương phi bá
Xưng cô xưng quả
Trời có con trai
Một cội bảy lá
Đông Hồ biện luận: “Là nói về họ Mạc tuy không tước vương tước bá mà vẫn xưng cô xưng quả, trong một nước tự chủ, địa vị như một tiểu vương tự nhiệm ở biên thuỳ.”
Đúng là họ Mạc từng có thời nghênh ngang một cõi biên thuỳ / kém gì cô quả, kém gì bá vương (6); được chúa Nguyễn cấp thuyền Long bài, miễn thuế má, lại ban cả đặc ân khó ngờ: cho phép mở Cục đúc tiền riêng để lưu hành. Dưới quyền quản lý của họ Mạc, trấn Hà Tiên thuở đó khác nào một phiên quốc tự trị nơi hải ngoại. Nhưng như tôi từng nêu, họ Mạc dẫu chưa ai được vua chúa Nguyễn phong vương, song Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Thiêm từng thọ tước công, tước hầu – cao hơn tước bá.
Họ Mạc truyền thừa theo thể lệ “thất diệp phiên hàn”: dùng 7 chữ Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam làm chữ lót / tên đệm để phân thế thứ. Đông Hồ cho rằng trời có con trai thì trời đây ứng với chữ Thiên, và con trai ứng với chữ Tử. Từ Mạc Cửu tới Mạc Tử Khâm vừa đúng 7 đời, một cội bảy lá, thì tuyệt tự vì chẳng có con nối dõi. Kể ra, đó là một cách lý giải thú vị và không xa thực tế.
Đông Hồ (1906 – 1969)
Đông Hồ cắt nghĩa những dòng sấm ký kế tiếp ra sao? Bờ tre xanh xanh là dãy Trúc Bằng thành (tức Trúc Bàn thành – còn gọi trường luỹ Thị Vạn hoặc Bờ Đồn Lớn). Hái lá nấu canh là “thành quách đến thời kỳ tàn tạ, bị phá huỷ.” Canh ăn hết canh là “vừa hết năm Canh Tuất (1910).” Vị cay thanh thanh là “sang năm Tân Hợi (1911), tiết Thanh minh. Tân có nghĩa là cay. Thanh thanh là tiết Thanh minh. Ứng về việc khai quật mộ bà phu nhân.”
Trời tây bóng ngả chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng
Đông Hồ diễn giải cặp lục bát ấy: “Ứng về việc trong lúc mở được cửa mộ thì trời đã chiều, phải soi đèn vào thì mới tìm được chiếc trâm vàng cẩn ngọc trong đó. Hai tiếng Trời tây còn ứng về việc khai quật này là do người Tây, hành động không chánh đáng (chênh chênh) do lòng tham.”
Đoạn cuối sấm ký, theo Đông Hồ, lại nói về Mạc Thiên Tích:
Vàng trong lòng đá
Vàng chói sáng loà
Vọng lên lầu các nguy nga
Hoa sen nở trắng trước toà khói hương.
Đông Hồ cho rằng vàng trong lòng đá chỉ sự kiện Mạc Thiên Tích nuốt vàng để tuẫn tiết ở Vọng Các / Bangkok. Câu lục có 2 chữ vọng và các, nếu ghép lại sẽ thấy địa danh. Kết thúc, Đông Hồ ca tụng bài sấm “được vần điệu lưu loát, đọc lên có một khí vị hay hay” và “chứa đựng một ý nghĩa, một tài liệu kể như là một bài thơ sử ký sự, đáng truyền.”
Bài viết vừa trích dẫn mang tiêu đề Lịch sử Hà Tiên và một bài sấm truyền do Đông Hồ chấp bút ngày 5-4-1962, đăng trên Văn Hoá nguyệt san số tháng 4-1963, sau đưa vào cuốn Văn học Hà Tiên (sđd).
Mộng Tuyết (1914 – 2007)
Vần đề đặt ra: bài sấm ký kia khởi nguyên từ đâu?
Phanxipăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét