Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Dò tìm kho báu họ Mạc ở Hà Tiên - 4

Phanxipăng thám hiểm vùng cấm. Ảnh: Tám Thạnh 

Thâm nhập vùng cấm địa 


Trong Thạch động, không khí mát lạnh, thơm nức mùi nhang trầm. Đứng bên dấu tích miệng hang Âm Phủ và ngắm nghía hang Đại Bàng, tôi càng thấy nội dung bức mật thư mù mờ khó hiểu hơn mình tưởng. Trên nguyên tắc, muốn khám phá bạch văn của mật thư bất kỳ, điều thiết yếu là phải nắm cho được “code” tức chìa khoá giải mã. Hỡi ôi! Cái “code” dùng mở mật thư Khả thuỷ sơn nhơn dường nằm im dưới đáy hang khuất kín? 


Giả thiết mật thư này ẩn chứa sơ đồ kho báu, thì nhiều chi tiết chưa hẳn định vị Thạch động mà có thể chỉ dẫn một hang sâu động hiểm khác gần đấy: núi Đá Dựng. Ông Hứa Nhứt Tâm – thuộc Chi hội Văn nghệ Hà Tiên – nói: 

– Núi Đá Dựng cũng là một thắng cảnh liên quan cổ tích Thạch Sanh và chuyện cất giấu của cải thời trước. 

Lật tài liệu Hà Tiên đất nước và con người (NXB Mũi Cà Mau, 1999), ông Hứa Nhứt Tâm chỉ tôi đọc đoạn cần lưu ý về núi Đá Dựng: “Núi nhỏ, hình thang cân, cấu trúc tương tự Thạch động nhưng có nhiều hang và lớn hơn, địa thế hiểm trở, không khí u tịch và tăm tối, phải dùng đèn mới đi thăm được. (…) Vào thế kỷ XVIII, khi quân Xiêm tấn công Hà Tiên, những người giàu có đã đem của cải cất giấu ở đây.” 

Lâu nay, ai nấy thảy đinh ninh núi Đá Dựng là cảnh Châu Nham lạc lộ (Cò đáp gành Châu) được phản ánh qua tác phẩm của Tao đàn Chiêu Anh Các. Vừa rồi, ông Trương Minh Đạt – nhà giáo lão thành tại địa phương và là tác giả tập khảo luận Nhận thức mới về Hà Tiên (NXB Trẻ, 2001) – đã chứng minh rằng trong thực tế cũng như văn thơ cổ, Châu Nham chính là vùng Bãi Ớt. 

Tiếp xúc nhà Hà Tiên học tại tư thất của ông trên đường Tham Tướng Sanh, tôi thắc mắc: 

– Vậy người xưa gọi núi Đá Dựng bằng tên gì? Và sơn khối permien ấy bây giờ ra sao? 

Ông Trương Minh Đạt trưng dẫn cả lô tư liệu, rồi đáp: 

– Xưa, núi Đá Dựng còn có tên Bạch Tháp sơn. Hiện tại, đó là “vùng cấm” do quân đội quản lý nghiêm ngặt. Du khách cũng như dân địa phương lâu nay đều không được lai vãng núi Đá Dựng! 

Vì sao núi Đá Dựng trở thành nơi bất khả xâm phạm cả mấy chục năm nay? Chưa rõ! Liệu tôi có cách nào thâm nhập “vùng cấm” chăng? 

Nhà thư pháp Trương Thanh Hùng – tổng biên tập tạp chí mang tên Chiêu Anh Các – hứa: 

– Mình sẽ liên lạc với đơn vị bộ đội biên phòng ở đây để xin đi thực tế núi Đá Dựng. Kết quả ra sao, sẽ báo anh Phanxipăng sau. 

Tôi thấp thỏm trông tin. Cuối cùng, Trương Thanh Hùng cười: 

– Được rồi. Nhưng tuyệt đối cấm di chuyển tuỳ tiện. Nhất nhất phải bám theo các chiến sĩ cảnh vệ, nghen. 

Từ quốc lộ 80 rẽ vào con đường đất Sa Kỳ cỡ 1km, chỉ giây lát, tôi có mặt bên chân núi Đá Dựng. Đập vào mắt tôi là cột trụ gắn tấm biển bê tông cốt thép với nghiêm lệnh khắc trổ bằng song ngữ Việt – Anh: 

Vùng cấm – No admittance. 

Qua khỏi cổng sắt và hàng rào kim loại chắn ngang lối lên núi, tôi nhủ thầm: “Mình là một trong số rất ít người được tham quan thắng cảnh đặc sắc này, ít nhất vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. May mắn xiết bao!” 


Chân núi Đá Dựng. Ảnh: Vicgiang86 

Theo tài liệu Tìm hiểu Kiên Giang do Dương Tấn Phát chủ biên (Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Kiên Giang ấn hành, 1986) thì Đá Dựng thuộc loại hình “núi đá phiến chen lẫn đá phún trào núi lửa, được xếp vào thời kỳ vỏ trái đất uốn nếp dữ dội nhất, xảy ra cách đây gần 200 triệu năm.” 

Trong núi Đá Dựng có 14 hang động lớn bé (7), nhiều thạch nhũ lóng lánh, và rất nhiều dơi treo mình trên vách đá. Hai cái hang được đánh giá ngoạn mục nhất Đá Dựng, một nằm phía đông, một bên phía bắc. Ngoài những vẻ đẹp hang động tương tự Hạ Long, Hương Tích, Tam Cốc, Phong Nha, Ngũ Hành Sơn mà tôi từng được biết, liệu Đá Dựng còn sở hữu điều gì khác biệt? 

Đường lên đỉnh Đá Dựng. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên 

Ngẫm lại bức mật thư, bao người giàu tưởng tượng có thể nghĩ rằng chốn này mang nhiều yếu tố phù hợp hơn cả Thạch động, nếu quan sát nhũ đá tạo hình: 

Quả ngọt hoa thơm 
Tay vin tay hái 


Hoặc: 

Vàng trong lòng đá 
Vàng chiếu sáng loà 


Xét kỹ, mật thư dung nạp lắm yếu tố gây nhiễu mà người ta chẳng thể loại trừ một khi chưa nắm được “code”. 

Quang cảnh nhìn từ trên núi Đá Dựng. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên 

Đột nhiên, trên núi Đá Dựng (8), đầu óc tôi vụt loé ý nghĩ: ô hay, chắc gì loạt vần điệu “hũ nút” kia đã là mật thư? Tại sao mình không tiếp cận văn bản theo hướng khác, hướng truy tầm xuất xứ chẳng hạn? 
____________ 

(7) 11/14 hang động ở núi Đá Dựng đã được đặt tên: Mẹ Sanh, Cổng Trời, Thần Kim Quy, Khổ Qua, Bồng Lai, Trống Ngực, Thác Bạc, Xã Lộc Kỳ, Chỉ Huy, Biệt Động, Lê Công Gia. 

(8) Được Bộ Văn hóa & Thông tin ban hành quyết định số 44/2007/QĐ-BVHTT ngày 3-8-2007 công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, hiện núi Đá Dựng đã trở thành khu du lịch. 


Weblog - 22/09/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét