Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) là vùng đất cổ nằm bên bờ Bắc Sông Cầu. Vùng đất này còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa dân tộc. Các di tích mộ Hán, đền thờ Thạch Linh Thần Tướng, Ao Miếu, quần thể di tích chùa Bổ Đà, đền Độc Cước… phản ánh rất rõ về lịch sử văn hoá địa phương qua các thời kỳ.
Trong hệ thống di tích tiêu biểu ở Tiên Sơn còn có đền thờ Bà Chúa Kho - nơi thờ công chúa Thanh Bình, tương truyền là con gái vua Hùng có công trông coi kho lương giúp vua cha đánh giặc phương Bắc bảo vệ đất nước.Sự tích Bà Chúa Kho được lưu truyền ở địa phương: Theo truyền thuyết thời Hùng Vương, giặc phương Bắc sang xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh lại có tù trưởng Cao Bằng là Lục Đinh làm nội ứng. Nhà vua xuất quân từ núi Nghĩa Lĩnh gần ngã ba sông Việt Trì đem toàn Bản bộ đến trang Tiên Lát, nơi có địa hình thuận lợi cho việc phòng bị đánh giặc.
Cổng vào đền thờ Bà Chúa Kho.
Các Bản bộ đóng trại tại vùng đất này còn ghi dấu tên địa danh như: Bộ Tre, Bộ Trạ, Bộ Ngạnh, Bộ Nứa, Bộ Trắng, Bộ Hồng... Mỗi bộ trông coi mỗi việc gọi là lục bộ. Nhà vua trao cho con gái Thanh Bình trực tiếp làm thủ kho giữ lương thực và binh sách tại Trại Cung. Công chúa tỏ ra có tài cung ứng kịp thời cho lục bộ, ba quân và cho Thạch Tướng quân đánh thắng giặc đem lại hoà bình cho đất nước.
Làm tròn nhiệm vụ, Thạch Tướng quân đã hoá trên núi Phượng Hoàng. Công chúa Thanh Bình là con cháu của các bậc tiên vương kế thừa dòng máu của các bậc tiên đế giản dị, trung thực, công tâm. Là thủ kho, công chúa đã cung ứng kịp thời cho ba quân, giúp ba quân đánh thắng giặc.
Sách địa chí Bắc Giang từ điển cũng ghi: Theo truyền tích ở địa phương, thời Hùng Tạo Vương ở trang Tiên Lát, có vợ chồng ông bà Nguyễn Hoà và Cao Thị Huyền ăn ở hiền lành, lương thiện, được trời cho đứa trẻ sinh ra từ đá. Khi đất nước có giặc Lục Đinh thần tướng, đứa trẻ bỗng lớn vụt lên, khí dũng hơn người, tài kiêm văn võ đòi đi đánh giặc. Vua ban cho voi đá, phong Thạch tướng quân, cầm quân đi đánh giặc, đánh một trận giặc tan.
Thạch tướng quân dẫn quân trở về Tiên Lát, lên núi Phượng Hoàng rồi hoá tại đó. Trong cuộc chiến ấy, Thạch tướng quân giao cho công chúa Thanh Bình cai quản lục kho cho lục bộ: Bộ Tre, Bộ Trạ, Bộ Ngạnh, Bộ Nứa, Bộ Trắng, Bộ Hồng. Việc binh lương được công chúa lo chu tất. Đến khi công chúa hoá, vua cho lập đền thờ, gọi là đền Bà Chúa Kho.
Đền thờ Bà Chúa Kho được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Khảo sát hiện trạng di tích cho thấy nhiều dấu ấn văn hoá qua các thời kỳ còn lưu lại. Xung quanh ngôi đền còn nhiều mảnh vỡ, đầu ngói mũi hài, gạch ngói cũ thời Lê (TK XVII-XVIII). Ông Nguyễn Thế Đoàn, người trông coi di tích cho biết: “Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đền Bà Chúa Kho bị hư hỏng nặng. Đến những năm 1978 - 1980, nhân dân địa phương mới tu sửa tôn tạo lại ngôi đền thêm phần khang trang tố hảo để thờ Bà Chúa Kho theo truyền thống ở địa phương”.
Đền Bà Chúa Kho hiện nay có bình đồ kiến trúc kiểu chữ nhị gồm toà Tiền tế 3 gian và Hậu cung 3 gian. Trên đỉnh bờ nóc mái đền đắp nổi bức đại tự chữ Hán: “Chúa Kho từ”- đền Bà Chúa Kho. Hai trụ biểu phía trước đắp câu đối chữ Hán ca ngợi công lao của công chúa Thanh Bình: “Càn long tốn thuỷ lưu thắng cảnh/ Liệt nữ cao sơn hiển linh từ” (có nghĩa: Phía Tây Bắc có mạch nguồn, phía Đông Nam có dòng nước chảy là nơi cảnh đẹp/ Người nữ oanh liệt được tôn thờ ở ngôi đền linh thiêng trên đỉnh ngọn núi cao).
Đền thờ Bà Chúa Kho là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ hằng năm được tổ chức ngày 15 tháng Giêng âm lịch với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Ngôi đền nằm trong quần thể di tích danh thắng Bổ Đà gắn với truyền tích về Thạch Linh thần tướng cầm quân đánh giặc bảo vệ đất nước. Với giá trị lịch sử tiêu biểu, đền thờ Bà Chúa Kho được xếp hạng là di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2009.
Đồng Ngọc Dưỡng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét