Không thích ở ngôi nhà do nhà nước cấp trên đường Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), KTS Ngô Viết Thụ đã tìm mua được căn biệt thự cũ trên đường Trương Định, quận 3. Và ông đã đập đi, xây lại ngôi nhà theo ý riêng mình.
Ngôi nhà đá rửa thế hệ thứ hai này là một trong những ngôi nhà sử dụng vật liệu đá rửa sớm nhất ở Sài Gòn.
Thế hệ đá rửa thứ nhất sử dụng ở Việt Nam sớm nhất là ở dinh toàn quyền Decoux, sau là dinh Bảo Đại 2 tại Đà Lạt vào giữa những năm 1930 thế kỷ trước. Đó là loại đá rửa màu vàng nhạt và chỉ tuyền màu vàng chạy chỉ bằng bột vôi trắng, vì thời đó chỉ có ximăng bột màu vàng.
Tại TP.HCM, khu nhà sử dụng đá rửa đầu tiên có lẽ là nhà chú Hoả ở 1B Lý Thái Tổ. Thời này đá rửa được xem như là thứ vật liệu xây dựng cao cấp và ít nhiều còn mang tính hương xa.
Thế hệ thứ hai đá rửa đã phong phú hơn khi mà màu sắc ximăng, vôi cũng phong phú hơn. Màu đá thường xám, xanh hoặc đen, chạy chỉ nhiều màu khác nhau, có cả màu đen. Xu hướng là xây cột tô đá rửa sậm màu hơn so với vách. Dần dà về sau, người ta còn sử dụng ron tạo hình cho vách đá rửa giống như xây bằng đá viên.
Ngôi nhà ở 22 Trương Định của KTS Ngô Viết Thụ xây lên từ nền một biệt thự cũ. Toàn bộ móng nhà cũ bằng đá granite được ông tận dụng làm tường rào và một tấm vách ngăn trong nhà, rất chi là tiết kiệm mà lại hạp với vách đá rửa.
Nhờ ximăng có nhiều màu hơn nên sắc độ của đá rửa thế hệ thứ hai trở nên phong phú hơn. Khi bị đen vì nhiễm nước thường xuyên ở những bồn cây, chỉ cần dùng bàn chải sắt đánh sạch.
Ngôi nhà trước đây quay về hướng con hẻm ăn thông từ đường Trương Định sang đường Nguyễn Gia Thiều, nên khi mua, gia chủ phải chịu một nửa tiền địa dịch của con hẻm. Dọc theo con hẻm này là tám căn biệt thự của một chủ nhân xây chia cho các con. Nhà 22 mua lại từ một trong tám biệt thự đó.
Trước khi sử dụng đá rửa cho ngôi nhà của mình, KTS Ngô Viết Thụ cũng đã sử dụng một thứ đá rửa cho dinh Độc Lập. Đó là thứ đá rửa với đá mịn như bột, mắc tiền.
Đi kèm với đá rửa những năm 1960 thế kỷ trước là hoa văn vuông. Thay cho thế hệ hoa văn hình cong chữ S, KTS họ Ngô cũng đưa ra loại hoa văn là những đường xoắn vuông góc. Hoa văn này cũng trở thành hoa văn dẫn dắt cho một thời kỳ trong kiến trúc dân dụng, từ khi ông ứng dụng nó cho ngôi nhà của mình.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, người đang cố níu giữ ngôi nhà đá rửa ở 22 Trương Định như là một di sản gia đình, như là một nơi chốn tâm linh hoài niệm song thân, nhận định: “Có thể nhìn thấy dòng chảy của lịch sử đá rửa qua các thời kỳ nơi những nghĩa trang cũ còn tồn tại đến nay với các ngôi mộ tô đá rửa khác nhau. Nhất là nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi đã bị phá đi”.
Cuối những năm 1960 đến những năm 1980, đá rửa được coi là thời thượng vì nó bền vững, 5 -6 năm mới phải dùng bàn chải làm mới lại một lần. Bây giờ thì sơn nước hỏi đá rửa có buồn không. Nhưng sơn nước thì không thể bền vững như đá rửa.
Bài: Khởi Thức - Ảnh: Thu Thuỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét